Đầu tư chế biến sâu cho nông sản - tạo đà cho xuất khẩu chính ngạch
Chuối là một trong những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất trong 3 tháng đầu năm. Ảnh: Khánh Linh

Sáng 13/1, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức diễn đàn trực tuyến "Thúc đẩy liên kết giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả".

Chủ động liên kết để tiêu thụ nội địa

Tại diễn đàn, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt khẳng định, trong 3 tháng đầu năm, thanh long, mít, bưởi, chuối, xoài… là những loại cây ăn quả chịu áp lực tiêu thụ lớn nhất. Đặc biệt, sau thanh long, mít có thể sẽ cần hỗ trợ tiêu thụ.

Bên cạnh đó, tổng sản lượng rau một năm của Việt Nam khoảng 10 triệu tấn. Trong đó, sản lượng quý I hầu như tập trung vào tháng 1, chiếm hơn 60% tổng sản lượng. Theo tính toán, nếu mỗi người dân tiêu thụ khoảng 10 kg rau/tháng, sản lượng rau thừa trong quý I/2022 khoảng 2,5 triệu tấn. Số lượng này sẽ đưa vào chế biến.

Tuy nhiên, hiện nay, một số địa phương và doanh nghiệp đã tích cực chủ động tìm giải pháp tiêu thụ sản phẩm rau quả trong bối cảnh dịch Covid-19 nói chung và dịp Tết Nguyên đán sắp tới nói riêng.

Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, một trong những nông sản chủ lực của tỉnh Gia Lai là thanh long, từ nay đến Tết dự kiến có hơn 3.000 tấn, chủ yếu xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, sở đã chủ động phối hợp với các sàn thương mại điện tử, siêu thị vào cuộc nên “không gặp nhiều khó khăn".

Tương tự, diện tích trồng cây ăn quả của tỉnh Đồng Nai thuộc mức trung bình so với khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Địa bàn tỉnh có 46 mã số đóng gói xuất khẩu sang Trung Quốc, Mỹ, New Zealand…, đồng thời có 131 đơn vị chế biến được cấp chứng nhận. Thời gian qua, tỉnh có nhiều phương án chủ động tiêu thụ nông sản cho người dân ở các vùng sản xuất tập trung bằng cách liên kết 177 hợp tác xã nông nghiệp, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho bà con.

Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Nai, cho biết: “Các khâu đầu vào sản xuất của người dân được quan tâm từ sớm. Hiện tỉnh đang xây dựng hai cụm chế biến sâu cho nông nghiệp với diện tích khoảng 100 ha tại huyện Cẩm Mỹ và Định Quán” - ông Thắng nói.

Nâng cao năng lực chế biến sâu

Để giải quyết vấn đề tiêu thụ rau quả một cách căn cơ, cùng với việc chủ động đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nội địa, các địa phương bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục hỗ trợ trong xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, đồng hành với người nông dân trong xây dựng chuỗi liên kết bền vững, bởi đầu tư sâu vào khâu chế biến sẽ giúp tiêu thụ sản phẩm rau quả đạt hiệu quả cao.

Ở góc độ cơ quan quản lý, Cục trưởng Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh, thời gian tới cần tăng cường kết nối sản phẩm đầu vào chế biến nông sản đạt chuẩn.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam chỉ rõ, nhiều khi chúng ta quá tập trung xuất khẩu sản phẩm tươi, nhưng lại chưa chú trọng nhiều trong xây dựng chuỗi cung ứng đưa các sản phẩm vào các nhà máy chế biến để mở rộng kênh tiêu thụ.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, năng lực sản xuất rau quả hàng năm của Việt Nam là 28 triệu tấn, trình độ công nghệ chế biến rau, quả ở mức trung bình tiên tiến, nhưng thực tế vẫn chưa đáp ứng yêu cầu hiện nay.

Thống kê của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho thấy, giai đoạn 2018 - 2020 đã có 70 tổ hợp, nhà máy chế biến với tổng vốn đầu tư hơn 20 tỷ USD được xây dựng. Năm 2019, xuất khẩu thô là 90%, đến năm 2020 - 2021 xuất khẩu qua chế biến là 30%. Các nhà máy sơ chế, chế biến trong nước hiện mới chỉ đang hoạt động ở mức 60% công suất.

Trước thực tế đó, ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh: "Việc nâng cao năng lực sơ chế sẽ giúp gia tăng lợi nhuận một cách bền vững, tạo đà cho xuất khẩu chính ngạch. Vì vậy, cần tập trung hơn nữa để cân bằng hai năng lực này".

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Quốc Toản, mấu chốt để giải quyết vấn đề này nằm ở chính các doanh nghiệp, các hiệp hội và người sản xuất. Để chế biến đạt kết quả như mong muốn, nguyên liệu đầu vào cũng cần phải đạt chuẩn. Do đó, sự hợp tác giữa doanh nghiệp, nhà máy chế biến và người dân cần phải được khởi tạo ngay từ khâu sản xuất ban đầu.

“Chuẩn hóa là con đường duy nhất để đương đầu với những khó khăn, ngặt nghèo hiện tại. Những doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thương trường hãy giữ kết nối, chia sẻ kinh nghiệm để đưa rau, quả Việt Nam tới xa hơn trên trường thế giới. Hy vọng, công nghệ chế biến rau củ quả sẽ chiếm một thị phần ngày càng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu, phấn đấu đạt 30 - 40% tổng giá trị” - ông Toản nhấn mạnh.

Dưới góc độ là một doanh nhân có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, ông Nguyễn Lâm Viên - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vinamit (Công ty Vinamit), đề xuất để đẩy mạnh tiêu thụ rau quả, các địa phương cần hướng tới xây dựng hệ thống thông tin minh bạch.

"Việc phát triển xây dựng hệ thống chế biến không khó, cái khó là kết nối thị trường. Do đó, cần xây dựng trung tâm đầu mối tiếp nhận, phân bổ thông tin tại các vùng trồng, qua đó có thể kiểm soát vùng trồng tốt hơn, rồi có thể kiểm soát được thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, các địa phương cần xây dựng, đầu tư nâng cao năng lực sơ chế, chế biến. Như vậy, xuất khẩu trái cây mới thành công" - ông Viên phân tích.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nguồn cung các sản phẩm nông sản nói chung trong dịp Tết Nguyên đán tăng hơn so với năm ngoái. Cụ thể: Lúa gạo đạt 43,86 triệu tấn (tăng 2%), thịt các loại 6,2 triệu tấn (tăng 14,8%), trứng 16 tỷ quả (tăng 10%), thủy sản 8,73 triệu tấn (tăng 1%), rau 1,8 triệu tấn (tăng 1,7%), đậu các loại tăng 4%... Về nhu cầu thực phẩm dịp Tết Nguyên đán trung bình tăng từ 15 - 20% tùy từng sản phẩm.