Cầu Long Biên

Cầu Long Biên. Ảnh: ST

Tổng Công ty đường sắt Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị chỉ định thầu để cấp bách triển khai gia cố, sửa chữa cầu Long Biên đảm bảo tuyệt đối an toàn cho người và các phương tiện lưu thông với tổng kinh phí 298 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty đường sắt Việt Nam Trần Ngọc Thành cho biết, Cầu Long Biên được xây dựng và đưa vào khai thác đến nay đã hơn 112 năm (hoàn thành năm 1902), trải qua thời gian và 2 cuộc chiến tranh phá hoại, nhiều nhịp cầu được thay bằng dầm tạm, các trụ bị rỉ, đường bộ hành nhiều nhịp bị võng, xệ. Hiện nay, cầu xuống cấp nghiêm trọng, nguy hiểm an toàn chạy tàu và giao thông trên cầu.

Trước đó, Cầu Long Biên đã được gia cố sửa chữa hai lần từ năm 1995-2010 với tổng mức đầu tư là 116 tỷ đồng với mục tiêu đảm bảo chạy tàu an toàn đến năm 2010. Dự án đã hoàn thành được hơn 4 năm, từ đó đến nay chưa được đầu tư gì thêm ngoài kinh phí bảo trì hàng năm ít ỏi. Do đó, tình trạng hư hỏng và xuống cấp của cầu Long Biên ngày càng gia tăng.

Vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông đường sắt và giao thông đô thị đến năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải đã nghiên cứu lập dự án khôi phục cầu Long Biên và phân kỳ đầu tư dự án thành 2 giai đoạn.

Giai đoạn 1 gia cố đảm bảo an toàn cầu Long Biên phục vụ vận tải đường sắt đến năm 2020. Giai đoạn 2 đầu tư khôi phục, cải tạo cầu Long Biên phục vụ đường bộ đô thị sau khi dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) hoàn thành và đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, do tình trạng mất an toàn giao thông nên Bộ Giao thông Vận tải giao Tổng công ty đường sắt Việt Nam khẩn trương tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt dự án khôi phục cầu Long Biên giai đoạn 1.

Với yêu cầu gia cố, sửa chữa, Tổng công ty đường sắt Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm cho phép chỉ định thầu đối với các gói Tư vấn, xây lắp, bảo hiểm, kiểm toán, lựa chọn các nhà thầu đủ điều kiện về năng lực, kinh nghiệm trong công tác thiết kế và thi công công trình chuyên ngành đường sắt đang khai thác vì yêu cầu vừa tổ chức thi công, vừa chạy tàu đảm bảo giao thông vận tải đường sắt, đường bộ liên tục, thông suốt./.

Trí Dũng