Vấn đề đặt ra là cần hoàn thiện chính sách pháp luật, sớm ban hành và triển khai lộ trình phát triển hoạt động đầu tư quỹ phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của nền kinh tế - xã hội đất nước và nguyện vọng của người dân.

Hiệu quả đầu tư quỹ chưa như mong muốn

Theo báo cáo của Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam, việc đầu tư Quỹ BHXH trong thời gian qua được thực hiện an toàn, hiệu quả và bảo đảm được giá trị thông qua đầu tư tăng trưởng. Công tác đầu tư quỹ trong thời gian qua đã được BHXH Việt Nam thực hiện theo đúng quy định danh mục đầu tư. Trong đó, tập trung ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ (khoảng 85% tổng số đầu tư) và các hình thức đầu tư khác như gửi tiền, mua trái phiếu chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại có chất lượng hoạt động tốt do Ngân hàng Nhà nước đánh giá.

Tính đến cuối năm 2021, tổng kết dư quỹ BHXH tăng gần 2 lần so với năm 2016 (năm bắt đầu thực hiện Luật BHXH 2014) với tỷ lệ tăng về quy mô quỹ khoảng 18%/năm. Lãi đầu tư bình quân trong cả giai đoạn đều tăng trưởng dương và cao hơn tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Quỹ BHXH đã trở thành quỹ tài chính công có quy mô đứng đầu đất nước, góp phần tích cực vào việc phát triển thị trường vốn tại Việt Nam, đảm bảo ổn định lãi suất và thanh khoản tại thị trường trái phiếu chính phủ…

Quỹ bảo hiểm xã hội luôn đảm bảo việc chi trả chế độ cho người tham gia.
Quỹ bảo hiểm xã hội luôn đảm bảo việc chi trả chế độ cho người tham gia.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động đầu tư quỹ BHXH còn có hạn chế. “Do đặc thù của quỹ an sinh xã hội, nên các hình thức đầu tư được quy định chặt chẽ, danh mục đầu tư quỹ chưa đa dạng, tập trung chủ yếu vào mua trái phiếu Chính phủ (85%) và gửi tiền, mua trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng thương mại (15%). Với danh mục và cơ cấu đầu tư như vậy, hoạt động đầu tư quỹ BHXH tuy được đánh giá là an toàn, nhưng hiệu quả đầu tư chưa cao”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cho biết.

Theo các chuyên gia, đầu tư vào trái phiếu chính phủ, gửi tiền hay mua chứng chỉ tiền gửi tại các ngân hàng là các hình thức đầu tư an toàn cao, đảm bảo theo quy định của pháp luật nhưng khó có thể đem lại hiệu quả tăng trưởng cao, dẫn tới hiệu quả đầu tư chưa như mong muốn. Bên cạnh đó, Việt Nam hiện đang bước vào quá trình già hóa dân số, nhu cầu đảm bảo an sinh xã hội ngày càng cao, đòi hỏi Quỹ BHXH phải được quản lý, sử dụng, đầu tư hiệu quả hơn nữa, đảm bảo ổn định, cân bằng, bền vững hơn trong dài hạn, đáp ứng trách nhiệm chi trả chế độ trong hiện tại và tương lai. Nghị quyết số 28-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về cải cách chính sách BHXH đã nhấn mạnh việc đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.

Sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội cho phù hợp

Nhấn mạnh khoảng thời gian này là phù hợp để Việt Nam tiến tới sửa Luật BHXH, trong đó có nội dung về đầu tư quỹ BHXH, trong một hội thảo mới đây, ông William Joseph Price - Tư vấn cấp cao về hưu trí (Ngân hàng Thế giới) cho rằng, hiện nay, tỷ suất sinh lợi giảm trên trái phiếu chính phủ và tác động của lạm phát đối với lợi nhuận thực tế đã đặt ra yêu cầu cần đảm bảo kết quả tốt nhất cho Việt Nam, để phù hợp với mức độ bao phủ ngày càng tăng và nguyện vọng về thu nhập hưu trí một cách hiệu quả nhất. Theo ông William Joseph Price, BHXH Việt Nam đang phải đối mặt với một vấn đề dài hạn là lợi suất trái phiếu Chính phủ giảm, chỉ cao hơn lạm phát một chút trong 10 năm qua và thấp hơn lạm phát trong một số năm gần đây. Vì vậy, nếu việc thay đổi các nội dung quan trọng trong Luật BHXH không được thực hiện đúng với kỳ vọng thì cuối cùng sẽ dẫn đến những vấn đề lớn hơn và thách thức hơn về mặt chính trị.

Mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao

Theo một số chuyên gia, cần tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính, hiệu quả đầu tư các quỹ Bảo hiểm xã hội; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư quỹ theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn. Đồng thời nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững.

Để giải quyết được vấn đề này, vị chuyên gia của Ngân hàng Thế giới cho rằng, cần trao quyền tự do hơn với sự giám sát chặt chẽ trong việc đầu tư quỹ hưu trí cho tổ chức có nhiệm vụ này là BHXH Việt Nam. Cùng với đó, cần tăng cường giám sát và hỗ trợ chặt chẽ hơn từ các chuyên gia, nhằm nâng cao năng lực đầu tư và khả năng sử dụng các nhà quản lý bên ngoài; cải thiện quản lý rủi ro; nâng cao năng lực quản lý cho BHXH Việt Nam. Theo đó, một số biện pháp bảo vệ bổ sung trước khi trao quyền tự do trong đầu tư quỹ hưu trí cho BHXH Việt Nam được chia sẻ gồm: Nếu BHXH Việt Nam có cơ hội đầu tư vào nhiều loại tài sản hơn, điều này luôn cần được Hội đồng quản lý BHXH Việt Nam đồng ý như một phần trong chiến lược và kế hoạch hằng năm của hội đồng. Ngoài ra, đầu tư vào các loại tài sản mới ban đầu có thể được thực hiện bằng cách sử dụng các nhà quản lý quỹ bên ngoài và sử dụng “quỹ chỉ số”- sở hữu một phần nhỏ của một trăm hoặc một nghìn công ty hoặc trái phiếu khác nhau và có thể đầu tư rất rẻ…

Tại các cuộc họp của Hội đồng quản lý Quỹ BHXH, Hội đồng quản lý quỹ đều nhấn mạnh lĩnh vực đầu tư quỹ cần tiếp tục được cải thiện trên nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả; xem xét nghiên cứu thí điểm hình thức đấu thầu tiền gửi tại 5 ngân hàng thương mại nhà nước để nâng cao hiệu quả đầu tư quỹ. Đối với việc thí điểm đấu thầu tiền gửi, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc - Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ BHXH cho rằng, đây là vấn đề mới chưa có trong quy định của pháp luật, nên Hội đồng quản lý sẽ có phương án trình cấp có thẩm quyền cho phép thí điểm đấu thầu tiền gửi để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả, khách quan, công bằng, minh bạch và thu hồi được vốn đầu tư.