dạy nghề nông thôn

Trong 10 năm qua, kinh phí từ các nguồn cho đào tạo nghề đã bố trí được 17.107 tỷ đồng. Ảnh: Minh Anh

PV: Được biết, Tổng cục giáo dục nghề nghiệp vừa tổng kết 10 năm triển khai để án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Ông có thể cho biết một vài kết quả nổi bật của công tác đào tạo nghề nông thôn trong giai đoạn vừa qua?

Ông Đào Văn Tiến: Trong vòng 10 năm qua đã có gần 10 triệu người được học nghề các trình độ, trong đó có 5,6 triệu người được đào tạo trình độ sơ cấp, đạt 85% kế hoạch, đưa tỷ lệ lao động được đào tạo chung cả nước từ 28% năm 2009 tăng lên đạt gần 60% vào thời điểm hiện nay. Nếu so với mục tiêu đặt ra là vào năm 2020, số lao động có văn bằng chứng chỉ đạt 25%, thì bây giờ đã đạt 23%.

Tất cả các địa phương đều hoàn thành và vượt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm qua đào tạo (một trong những tiêu chí đánh giá kết quả thực hiện nông thôn mới) từ 15-20%, đặc biệt các vùng như Đồng bằng sông Hồng, Đông Nam Bộ, mức vượt từ 30-40% so với tiêu chí đặt ra.

Đào Tiến
      Ông Đào Văn Tiến  

Về chuyển dịch cơ cấu lao động xã hội, năm 2009, lao động làm nông nghiệp chiếm tỷ lệ 51,5%, đến thời điểm hiện nay, số lao động làm nông nghiệp xuống còn 35,4%. Đây là sự chuyển dịch tích cực, nhờ sự chuyển dịch này mà thu nhập của người dân tăng lên.

Bên cạnh đó, công tác truyền thông về đào tạo nghề đã phát huy hiệu quả, làm thay đổi nhận thức của người dân, người dân đã hiểu được học để có việc chứ không để lấy bằng, nên số người tham gia đào tạo tăng cao. Nhiều trường hợp tốt nghiệp đại học đi học sơ cấp để có việc làm.

Về nguồn lực, trong vòng 10 năm, kinh phí từ các nguồn đã bố trí được 17.107 tỷ đồng, đạt 65,8% mức dự kiến 11 năm của Đề án 1956. Trong giai đoạn 2010-2015, tổng kinh phí thực hiện trên 8000 tỷ đồng, đạt 61,2% kế hoạch kinh phí giai đoạn. Trong giai đoạn này ngân sách trung ương bố trí nhiều, chiếm 72% . Giai đoạn 2016-2019, tổng kinh phí bố trí đạt hơn 8000 tỷ, bằng 73% kế hoạch, trong đó, ngân sách trung ương chỉ bố trí chiếm 35%, còn lại ngân sách địa phương và các nguồn khác chiếm 65%.

PV: Trong quá trình triển khai công tác đào tao nghề cho lao động nông thôn, có những khó khăn gì phát sinh, thưa ông?

Ông Đào Văn Tiến: Trong giai đoạn 2010-2015, ngân sách nhà nước phân bổ riêng cho chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Tuy nhiên trong giai đoạn 2016-2019, kinh phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn được bố trí trong chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, phương thức phân bổ không được ghi chi tiết các nội dung mà giao cho chính quyền địa phương quyết định. Chính vì lý do này mà nhiều địa phương phân bổ kinh phí đào tọa nghề cho lao động nông thôn với mức rất thấp, chỉ là mức hỗ trợ. Trong khi đó, Quyết định 46/QĐ-TTg và Thông tư 152/2016/TT-BTC đã quy định rất rõ phân bổ kinh phí cho đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ. Để thực hiện đặt hàng, giao nhiệm vụ thì phải xây dựng được định mức kinh tế-kỹ thuật, sau đó áp đơn giá vào làm cơ sở đặt hàng, giao nhiệm vụ. Nhưng hầu hết các địa phương đều lấy mức hỗ trợ để áp vào làm chi phí.

Ngoài ra, ngành nghề đào tạo cho lao động nông thôn còn dàn trải. Nhiều địa phương còn quá chú trọng vào đào tạo tiếp tục làm nghề cũ, trang bị thêm kiến thức, kỹ năng.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã ban hành chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời, có nhiều chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với DN, nhưng chưa có nhiều DN đầu tư vào liĩnh vực này, do đó, chưa tạo ra nhiều việc làm cho người dân.

PV: Vậy, để giải quyết những khó khăn đó, theo ông cần có giải pháp gì?

Ông Đào Văn Tiến: Vấn đề đặt ra hiện nay là phải rà soát lại danh mục đào tạo nghề nông nghiệp. Bộ NN&PTNT đang chỉ đạo vẫn tiếp tục đào tạo nghề gắn với vị trí làm việc của DN nông nghiệp, nhưng bên cạnh đó phải có cơ chế, chính sách thu hút DN vào nông nghiệp, gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Khi DN vào đầu tư, DN đưa khoa học, kỹ thuật vào, tổ chức sản xuất, đảm bảo đầu ra, ký hợp đồng với hộ nông dân, hoặc tuyển nông dân vào làm việc, lúc đó xuất hiện ứng dụng khoa học, kỹ thuật, cần gì đào tạo đó thì mới có hiệu quả.

Một hướng đi nữa là đào tạo nghề nông thôn gắn với chuỗi giá trị thông qua phát triển hợp tác xã kiểu mới. Nhưng vấn đề là xác định nghề thế nào, nếu làm lệch, mất chữ tín thì rất khó thuyết phục bà con nông dân. Nếu xác định đúng thì sẽ huy động được các nguồn lực khác, DN và người dân sẽ cùng tham gia đào tạo.

Đối với nghề phi nông nghiệp, tập trung đào tạo theo vị trí làm việc trong doanh nghiệp. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp làm việc trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Mở rộng việc giao cho doanh nghiệp trực tiếp thực hiện đào tạo và tuyển dụng lao động sau đào tạo, gắn tuyển sinh với tuyển dụng.

Trong giai đoạn tới sẽ có 3 chương trình mục tiêu quốc gia là chương trình giảm nghèo bền vững, chương trình nông thôn mới và chương trình phát triển triển kinh tế xã hội vùng dân tộc, vùng núi. Như vậy, cần phải đào tạo nhóm nhân lực để thực hiện chương trình mục tiêu. Trong quá trình thực hiện, cần ngành nghề gì sẽ triển khai đào tạo theo nguyên tắc chỉ đào tạo cho lao động nông thôn khi xác định được việc làm và mức thu nhập. Ngoài ra, cần thông tin cụ thể đến người dân về công việc sau khi đào tạo, mức lương thì người dân mới đăng ký học.

Chỉ khi xác định được hướng đi đúng thì mới huy động được các nguồn lực các hội cùng chung tay vào công tác đào tạo nghề./.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bùi Tư (thực hiện)