Khu di tích lịch sử Miếu Ông - Miếu Bà tại xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh (cách Quốc lộ 18A khoảng 1 km) có niên đại được xác định từ thế kỷ XIII, nằm sát bên cửa sông Ba Chẽ với vẻ đẹp nguyên sơ sơn thủy hữu tình.
Đây là khu di tích có quy mô lớn, có giá trị khoa học quan trọng gắn liền với sự ra đời và phát triển của hệ thống thương cảng cổ Vân Đồn và lịch sử phát triển của triều đại nhà Trần.
Theo Giáo sư sử học Lê Văn Lan: Ấy là "Tam Trĩ nguyên", nơi Thái Thượng Hoàng và vua Trần Nhân Tông lãnh đạo quân và dân Nhà Trần từng thực hiện cuộc rút lui chiến lược chống quân Nguyên - Mông năm 1284, 1285 để sau đó giành thắng lợi oanh liệt.
Trải qua thăng trầm của thời gian, Miếu Ông – Miếu Bà đã xuống cấp. Do đó để bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị khu di tích này và nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương, đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ. Năm 2014, công trình di tích Miếu Bà đã được xây dựng lại và hoàn thành đưa vào sử dụng với diện tích trên 200m2, quy mô 3 gian 2 chái.
Tiếp đó, năm 2015, Miếu Ông được khởi phục xây dựng trên nền móng miếu cổ với tổng diện tích 500m2, công trình được xây dựng theo kiến trúc chữ Đinh truyền thống, 3 gian 2 chái, mái lợp ngói ngũ hài, với nguồn kinh phí trên 6 tỷ đồng, chủ yếu huy động từ nguồn xã hội hóa. Hiện nay công trình đã hoàn thành và chuẩn bị đưa vào sử dụng.
![]() |
Miếu Ông được khởi phục xây dựng lại đến nay đã hoàn thành. |
Cũng theo Bí thư Huyện ủy Ba Chẽ, với du khách vào thăm di tích, đầu tiên làm lễ thắp hương Miếu Ông (Tam trĩ linh từ) sau đó xuống thuyền sang thắp hương Miếu Bà. Sau phần lễ tâm linh cầu phúc an lành du khách có thể du thuyền ngược thăm sông Ba Chẽ với cảnh đẹp nên thơ hùng vĩ, làn nước trong xanh, cảnh đẹp hữu tình nguyên sơ, tiếp đó du khách đi thăm Lò Gốm cổ có niên đại cách đây hơn 300 năm sẽ thấy được trình độ chế tác sứ của người xưa.
Khu bao gồm đầy đủ hệ thống chế tác đồ sứ như: Khu chế biến nguyên liệu, dãy bể ngâm nguyên liệu, sân tập kết nguyên liệu, xưởng chế tác sản phẩm, bãi chứa sản phẩm phế thải... Đặc biệt, tại khu chế tác đã phát hiện lò nung sứ cổ có quy mô lớn: dài gần 60m, rộng khoảng 15m. Lò được xây dựng theo kiểu lò rồng, gồm 16 bầu lò xếp liên tiếp. Đây được coi là loại hình lò có trình độ vào loại tiên tiến vì tiết kiệm được nhiên liệu và thời gian nung.
Điều đặc biệt là tại đây còn phát hiện khá nhiều bát, đĩa cốt trắng men ngọc màu xanh nhạt - một loại gốm sứ quý trong lịch sử. Đây là loại gốm sứ đã được phát hiện tại các bến cảng, bến thuyền cổ ở vùng Móng Cái, Vân Đồn. Phía trong bầu lò đều được phủ một lớp men màu xanh ngọc rất đẹp.
Đoàn khảo sát còn tìm được nhiều con kê, mảnh bát đĩa sứ. Một điều bất ngờ khác là lò gốm nằm ngay trên một mỏ sét trắng có chiều dày vỉa khoảng 60m, dài khoảng 20km, trữ lượng rất lớn. Theo một chuyên gia địa chất trong đoàn, loại sét này không chỉ cần thiết cho sản xuất các mặt hàng gốm sứ cao cấp, mà còn có thể dùng cho công nghiệp mỹ phẩm hoặc nghiền làm chất tắm bùn, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng và du lịch...trong thời hiện đại.
Để phát huy giá trị văn hóa lịch sử thiêng liêng của khu di tích, theo quy hoạch, ngoài di tích Miếu Ông - Miếu Bà, một số công trình khác cũng sẽ được xây dựng như chùa, hệ thống đường giao thông và một số công trình phụ trợ khác huyện đang từng bước xây dựng…Nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng, văn hóa, tâm linh cho nhân dân và du khách thập phương đồng thời giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ./.
Lan Hương