Thực hiện đúng mục tiêu “khách hàng là trọng tâm phục vụ”
Là khách hàng gắn bó với Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Nguyên từ nhiều năm nay, chị Đỗ Thị Quỳnh Mai - cán bộ tài chính - kế toán thuộc UBND phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên có ấn tượng rất tốt với dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của KBNN.
Chị Mai cho biết, thực hiện 2 nghiệp vụ kế toán (chi thường xuyên và chi đầu tư) chị đã gặp không ít áp lực trong công việc. Nhưng DVCTT của kho bạc đã giúp chị không còn phải chờ đợi, xếp hàng hoặc phải "chạy đi, chạy lại" để bổ sung thêm hồ sơ, chứng từ như trước đây.
“Nhờ DVCTT, tôi có thể ngồi ngay tại trụ sở cơ quan hoặc tại nhà vào bất kỳ thời gian nào để gửi hồ sơ thanh toán vốn tới kho bạc. Do đó, tôi đã có thêm thời gian để trau dồi nghiệp vụ và nghiên cứu những cơ chế, chính sách mới” - chị Mai chia sẻ.
Đối với chị Phạm Như Phương - Kế toán trưởng Quận ủy quận 6, TP. Hồ Chí Minh, những cải cách, hiện đại hóa của KBNN thời gian qua đã giúp chị, cũng như đơn vị của mình thuận lợi hơn rất nhiều trong công việc. Chị cho biết: “DVCTT đã giúp cho đơn vị tiết giảm tối đa chi phí và thời gian đi lại, đồng thời tăng tính công khai, minh bạch của thủ tục hành chính công và nâng cao trình độ chuyên môn, các kiến thức về công nghệ thông tin của công chức đơn vị".
Cũng theo chị Phương, việc ứng dụng cảnh báo rủi ro giúp thủ trưởng đơn vị và những người trực tiếp làm công tác kế toán nắm bắt nhanh hơn tình hình biến động số dư tài khoản để có kế hoạch chi tiêu hợp lý. "Việc tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt thời gian qua của kho bạc đã giúp đơn vị thực hiện các khoản thanh toán nhanh chóng, an toàn, chính xác và tiết kiệm” - chị Phương nói.
Công chức Kho bạc Nhà nước Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện đối soát dữ liệu chi ngân sách. Ảnh: Thùy Linh |
Nhận xét này đã minh chứng cho những nỗ lực, cố gắng của toàn hệ thống KBNN trong suốt thời gian qua cho mục tiêu chung đó là "khách hàng là trọng tâm phục vụ"...
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tiếp tục mở ra nhiều cánh cửa mới cho việc quản lý và điều hành ngân sách nhà nước (NSNN) theo hướng hiện đại hơn, thay đổi phương thức quản lý từ chứng từ giấy sang phương thức quản lý trên nền tảng số. Không dừng lại ở đó, với vai trò là trung tâm kết nối các hoạt động quản lý quỹ NSNN, KBNN tiếp tục tham gia vào việc chuyển đổi số.
Theo đó, toàn hệ thống đã triển khai thí điểm công nghệ ký số từ xa, giúp cho các đơn vị sử dụng ngân sách không phải phụ thuộc vào thiết bị USB tocken (chữ ký số), cho phép kiểm tra sinh trắc học (khuôn mặt hoặc vân tay), chống việc cho mượn USB tocken nhằm tăng cường tính bảo mật. Đồng thời, KBNN đã thực hiện thí điểm kết nối dữ liệu với các nhà cung cấp dịch vụ điện, nước và viễn thông để chủ động thanh toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo ủy quyền điện tử của đơn vị tại KBNN TP. Hà Nội và KBNN TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, KBNN đã hoàn thành việc triển khai diện rộng chương trình ĐTKB (chương trình quản lý, kiểm soát chi đầu tư xây dựng cơ bản qua KBNN). Các đơn vị KBNN đã khai thác sử dụng chương trình phục vụ cho việc kiểm soát chi đầu tư từ khâu tổng mức đầu tư, kế hoạch vốn trung hạn, kế hoạch vốn hàng năm, các hạng mục dự án, công trình và theo từng hợp đồng A - B, thực hiện cam kết chi và kiểm soát thanh toán. Đồng thời, dữ liệu được tổng hợp kịp thời để lên báo cáo định kỳ theo Thông tư số 15/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính…
Bên cạnh việc nâng cấp, xây dựng các hệ thống, chương trình phần mềm ứng dụng, KBNN chú trọng xây dựng thiết kế tổng thể hệ thống an toàn công nghệ thông tin KBNN theo chuẩn thông lệ quốc tế và chính sách an toàn thông tin; hoàn thành việc xây dựng môi trường dự phòng thảm họa cho các hệ thống công nghệ thông tin. Việc làm này đã giúp hạn chế tối đa các nguy cơ gây mất an toàn thông tin, giúp cho các hệ thống ứng dựng công nghệ thông tin của KBNN hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.
Tập trung cải cách hành chính, hiện đại hóa
Với đích đến là kho bạc số vào năm 2030, cải cách hành chính, hiện đại hóa các nghiệp vụ tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống KBNN trong giai đoạn phát triển mới. Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, phát huy những kết quả đã đạt được trong cải cách hành chính, KBNN tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách và quy trình nghiệp vụ, nhất là các đề án, chính sách thuộc Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 của Bộ Tài chính để tạo cơ sở pháp lý đồng bộ, nhằm tiếp tục cải cách công tác quản lý quỹ NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước.
Kho bạc số là Xu hướng tất yếu Phát triển kho bạc số là xu hướng tất yếu để phát triển hệ thống kho bạc nhà nước hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi Chiến lược tài chính đến năm 2030, đã được phê duyệt tại Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 18/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ và đồng bộ với chiến lược phát triển của các ngành, lĩnh vực liên quan; phù hợp với nhu cầu, lợi ích của cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và quá trình chuyển đổi công nghệ số ở Việt Nam. |
Bên cạnh đó, KBNN tập trung cải cách thủ tục hành chính theo hướng giảm thành phần hồ sơ, đơn giản hóa quy trình, thực hiện giao dịch hoàn toàn trên môi trường điện tử. Để cho công cuộc chuyển đổi số được nhiều thuận lợi, góp phần xây dựng chính phủ số, KBNN cho biết, trước mắt, đơn vị sẽ phối hợp với các bên có liên quan tổ chức nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ chuỗi khối (Blockchain) vào hoạt động nghiệp vụ. Kết quả thử nghiệm sẽ là cơ sở để KBNN đề ra lộ trình tiếp tục nghiên cứu ứng dụng cho giai đoạn tiếp theo.
Đồng thời, KBNN sẽ phối hợp với một số đối tác công nghệ nghiên cứu, thử nghiệm công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) vào hoạt động nghiệp vụ như tư vấn, trả lời chính sách, pháp luật trong lĩnh vực kho bạc; lĩnh vực hỗ trợ, vận hành; lĩnh vực quản lý rủi ro.
Để thực hiện thành công kế hoạch đã đặt ra, KBNN đang tiếp tục yêu cầu các đơn vị KBNN trực thuộc xác định rõ nội dung, yêu cầu, tiến độ thực hiện và trách nhiệm thực hiện đối với từng nhiệm vụ; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu đối với việc tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính; tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai nhiệm vụ cải cách hành chính tại các đơn vị.
6 nhóm nhiệm vụ trong chuyển đổi số của Kho bạc Nhà nước Tại Quyết định số 6219/QĐ-KBNN ngày 1/12/2022 của Tổng giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) về việc phân công thực hiện các nhiệm vụ, đề án triển khai Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030, KBNN đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ cụ thể từ nay đến năm 2030 đó là: Cải cách, hiện đại hóa các chức năng quản lý quỹ ngân sách nhà nước (NSNN) và các quỹ tài chính nhà nước, quản lý ngân quỹ nhà nước, huy động vốn và tổng kế toán nhà nước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cách mạng công nghiệp 4.0, từng bước hình thành kho bạc số; sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy và phát triển nguồn nhân lực; chuyển đổi phương thức quản lý và cung cấp dịch vụ kho bạc; hiện đại hóa công tác thanh tra - kiểm tra; triển khai kiểm toán nội bộ và các nhiệm vụ khác. Hiện nay, KBNN đang ở giai đoạn đầu của công cuộc chuyển đổi số. Hệ thống KBNN đã và đang triển khai các nhiệm vụ, đề án theo từng giai đoạn gắn với 6 nhóm nhiệm vụ này như: Định danh từng khoản thu NSNN; mở rộng sự tham gia của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán; đổi mới cơ chế quản lý cam kết chi NSNN; số hóa công tác kiểm soát, thanh toán các khoản chi NSNN qua KBNN, thực hiện chia sẻ và liên thông dữ liệu số trong toàn bộ quá trình quản lý chi NSNN; phân cấp kiểm soát chi NSNN theo mức độ rủi ro; đẩy mạnh ứng dụng các hình thức, phương thức thanh toán điện tử trong chi trả NSNN cho các đối tượng thụ hưởng, đặc biệt là các phương thức áp dụng đối với các đối tượng thụ hưởng ở vùng sâu, vùng xa hoặc không có tài khoản ngân hàng; hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN; hoàn thiện quy trình tổng hợp, lập và trình báo cáo tài chính nhà nước; hoàn thiện cơ chế, quy trình tổng hợp, lập và trình báo cáo quyết toán NSNN… |