ky

Đại diện doanh nghiệp Việt Nam và Hàn Quốc ký kết các thỏa thuận hợp tác tại buổi giao thương. Ảnh: LV

Ngày 22/3/2018, Phòng Thương mại Đại sứ quán Hàn Quốc – Kotra Hà Nội đã tổ chức chương trình “Hội nghị Giao thương Việt – Hàn”, nhằm thúc đẩy hợp tác kinh tế song phương trong lĩnh vực thương mại và đầu tư giữa hai nước.

Sự kiện lần này có sự tham dự của 60 DN Hàn Quốc hoạt động trong các lĩnh vực đa dạng như điện - điện tử, công nghệ thông tin - an toàn thông tin, công nghệ y tế - sinh học, xây dựng cơ bản và xây dựng nhà máy, năng lượng, môi trường, hàng tiêu dùng, trang thiết bị… Thông qua Kotra, các DN này đã có cơ hội gặp gỡ với hơn 200 DN Việt Nam để trao đổi thông tin về cơ hội hợp tác trong thương mại, đầu tư, xúc tiến dự án...

KVFTA mang lại cơ hội lớn hơn cho các DN hai bên

Theo bà Eunsil Park - Chuyên gia của Trung tâm hỗ trợ FTA Hàn - Việt, hiện tại hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Hàn Quốc đang trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ nhất từ trước tới nay. Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Hàn Quốc đã tăng hơn 100 lần kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao, đạt mốc 64 tỷ USD năm 2017. Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp lớn nhất tại Việt Nam; còn Việt Nam đang là đối tác thương mại số 1 của Hàn Quốc trong số các nước Đông Nam Á.

Việt Nam hiện đã ký 10 FTA, trong đó với Hàn Quốc có 2 hiệp định là KVFTA và FTA Hàn Quốc - ASEAN. Bà Eunsil Park cho rằng, so với FTA Hàn Quốc - ASEAN thì KVFTA mang lại lợi ích lớn hơn cho DN cả hai bên.

Theo đó, so với FTA Hàn Quốc – ASEAN thì với KVFTA, biểu thuế cắt giảm cũng có lợi hơn. Đặc biệt, các DN khi xuất nhập khẩu phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ trong vòng 30 ngày, nhưng KVFTA ưu đãi cho các DN có thể nộp giấy chứng nhận xuất xứ trong vòng một năm kể từ ngày xuất nhập khẩu.

Liên quan đến vấn đề miễn giấy nộp giấy chứng nhận xuất xứ thì KVFTA cũng có nhiều ưu đãi hơn. Theo đó, cho phép hàng hóa không quá 600 USD được miễn nộp giấy chứng nhận xuất xứ thay vì hàng có giá trị 200 USD như trong FTA Hàn - ASEAN đang quy định.

Do đó, đối với các hàng hóa nhập khẩu từ Hàn Quốc sang Việt Nam, DN nên tích cực thẩm định để áp dụng KVFTA, như vậy sẽ có lợi hơn.

Những lưu ý đối với DN

Giới thiệu về cách vận dụng KVFTA, Trung tâm hỗ trợ FTA Hàn - Việt cũng đưa ra các lưu ý đối với DN hai bên.

Theo bà Eunsil Park, kiểm chứng xuất xứ là quá trình quan trọng để căn cứ xác định chính xác tỷ lệ nộp thuế trong FTA. Việc kiểm chứng xuất xứ của thuế quan Việt Nam được dựa trên các điều kiện về mặt hình thức của giấy chứng nhận xuất xứ. Hiện tại, nội dung ghi trên giấy chứng nhận xuất xứ tùy thuộc vào nội dung mà hiệp định yêu cầu và cần phải kiểm tra xem nội dung đó có được ghi chính xác hay không. Nếu trường hợp không được ghi chính xác thì phải áp dụng quy định tăng thuế.

Do đó, khi xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ, các DN cần phải thẩm định và kiểm tra lại xem nội dung có ghi trên giấy chứng nhận hay không, đặc biệt là địa chỉ công ty, để có thể tránh được các rắc rối khi khai xuất nhập khẩu.

Bà Eunsil Park cũng lưu ý các DN về mã HS (mã số phân loại hàng hóa xuất nhập khẩu). Mã HS không thống nhất với nhau khiến cho việc thông quan hàng nhập khẩu sẽ phát sinh nhiều trở ngại, có trường hợp yêu cầu giấy tờ từ phía Hàn Quốc nhiều. Điều này sẽ làm ảnh hưởng tới thời gian thông quan, gây lãng phí về thời gian cho các DN.

Vì vậy, khi khai báo nhập khẩu các DN cần phải vận dụng các quy định tiền thẩm định các loại hàng hóa của nhau và xác nhận mã HS trước đó. Nếu mã HS của Việt Nam và Hàn Quốc có sự khác biệt thì khi nộp hồ sơ giấy chứng nhận xuất xứ phải xin bằng mã xác nhận mã HS đã được xác nhận từ trước…

Mai Lâm