Đây là chia sẻ của Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Nguyễn Thành Long khi trao đổi về các vấn đề liên quan tới định hướng về tài chính xanh và các sản phẩm tài chính xanh tại Việt Nam.

* PV: Tài chính xanh là một khái niệm mới trên thị trường chứng khoán, cũng như tại Việt Nam. Ông có chia sẻ gì về điều này?

Việt Nam là nước đi sau và trong quá trình hội nhập đã bắt đầu tiếp cận vấn đề này, nên cần có thời gian để triển khai thực hiện đồng bộ. Điều rất mừng là Việt Nam không thua kém các quốc gia khác trong việc nâng cao nhận thức cũng như có các bước đầu tiên triển khai phát triển tài chính xanh.

Nguyễn Thành Long

Ông Nguyễn Thành Long

Ông Nguyễn Thành Long: Tài chính xanh đúng là một khái niệm rất mới, không chỉ mới trên thị trường mà còn với cả cơ quan quản lý nhà nước. Tuy nhiên, chúng ta cũng vui mừng nhận thấy là những định hướng lớn về phát triển xanh được xem là bệ đỡ cho phát triển bền vững của nền kinh tế Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Tài chính triển khai bằng các quyết định rất cụ thể.

Từ những thông tin ban đầu như thế này, chúng ta sẽ có những lộ trình, bước đi, giải pháp cụ thể để triển khai trong thực tế.

Có một điều đáng mừng hiện nay là dù khái niệm tài chính xanh còn rất mới, nhưng một số doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đã có sự chuẩn bị nhất định về vấn đề này. Điều đó được thể hiện qua báo cáo tài chính, báo cáo thường niên của một số doanh nghiệp đã có đề cập đến phát triển bền vững, phát triển xanh.

Bên cạnh đó, hiện nay, chúng ta có thể thấy một số sản phẩm trái phiếu chính phủ hoặc trái phiếu phát hành bởi chính quyền địa phương là có nhằm mục đích huy động vốn nhằm phục vụ cho các dự án kinh tế xanh; hoặc cũng có một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp để phục vụ cho các dự án xanh.

Đây là những bước đi ban đầu cho thấy sự manh nha của các sản phẩm tài chính xanh trong nền tài chính tổng thể tại Việt Nam.

* PV: Về phía cơ quan quản lý, lộ trình cơ chế hỗ trợ chính sách dự kiến sẽ được triển khai thế nào, thưa ông?

* Ông Nguyễn Thành Long: Tôi nghĩ rằng, trước mắt chúng ta cần có nhận thức về tài chính xanh; sau đó mới từng bước thể chế hóa. Ở đây có nhiều nội dung chúng ta cần phải làm. Theo đó, cần luật hóa các khái niệm: Thế nào là tài chính xanh? Thế nào là trái phiếu xanh, cổ phiếu xanh, chỉ số xanh...

Khi chúng ta có được các khái niệm luật hóa thì sẽ xây dựng được các tiêu chuẩn, điều kiện niêm yết, quy định khác cụ thể hơn về chứng khoán xanh. Những điều kiện này có thể khác với doanh nghiệp thông thường, để làm sao khuyến khích và hỗ trợ cho các doanh nghiệp phát triển xanh có cơ hội huy động được vốn cho đầu tư xanh. Bởi đầu tư xanh thường đòi hỏi chi phí ban đầu lớn hơn.

Hơn nữa, khi chúng ta sẽ có được khái niệm về đầu tư xanh, để có thể khuyến khích nhà đầu tư đầu tư vào sản phẩm đó. Và muốn khuyến khích được nhà đầu tư thì chúng ta phải có những ưu đãi nhất định, chẳng hạn như về thuế.

Đấy là những nội dụng mà chúng ta phải từng bước đưa vào Luật và các văn bản dưới luật.

* PV: Đối với các doanh nghiệp trong nước, theo ông đâu là cơ hội để thu hút các nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài?

Ông Nguyễn Thành Long: Hiện nay, các quỹ đầu tư xanh hay những tổ chức tài chính xanh của thế giới đã có một bề dày và quy mô rất lớn. Chính vì vậy, đối với những doanh nghiệp trong nước nếu có hoạt động đầu tư xanh hoặc phát triển các dự án xanh, thì chúng tôi khuyến khích doanh nghiệp công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động ấy trên cơ sở các báo cáo thường.

Hiện nay, Thông tư 155/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính vừa ban hành thay thế cho Thông tư 52 về công bố thông tin cũng đã có những hướng dẫn để doanh nghiệp công bố thông tin và minh bạch hóa các hoạt động về tài chính xanh. Khi mà các quỹ đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài chuyên về đầu tư xanh nhận thấy được đâu là những công ty chuyên phục vụ và phát triển các dự án xanh, thì đó là cơ hội để các doanh nghiệp trong nước có thể huy động thêm được các nguồn vốn nước ngoài.

* PV: Vậy khó khăn hiện nay có thể cản trở doanh nghiệp phát triển, phát hành các sản phẩm tài chính xanh là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Thành Long: Tôi nghĩ rằng, khó khăn đầu tiên hiện nay là khái niệm rất mới mà chúng ta chưa có quy định, hướng dẫn. Ngoại trừ các nước rất phát triển tại châu Âu, châu Mỹ đã đề cập tới vấn đề này, còn ngay bản thân tại nhiều nước phát triển khác đây cũng là khái niệm mới.

Do vậy, chúng ta là nước đi sau và trong quá trình hội nhập đã bắt đầu tiếp cận vấn đề này; nên cần có thời gian để triển khai thực hiện đồng bộ. Điều rất mừng là Việt Nam không thua kém các quốc gia khác trong việc nâng cao nhận thức cũng như có các bước đầu tiên triển khai phát triển tài chính xanh.

Tiếp đó, cần thống nhất về mặt nhận thức và sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nói chung, cũng như của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm đặt khu vực tài chính xanh là một trong những mục tiêu để hỗ trợ phát triển.

* PV: Xin cảm ơn ông!

Duy Thái