Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tăng chất lượng kế toán, kiểm toán
Quang cảnh hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2025 do Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán tổ chức ngày 10/7/2025. Ảnh: Khánh Huyền

Hoàn thiện khung khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán

Ngày 10/7, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán (Bộ Tài chính) đã tổ chức Hội nghị Sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ, giải pháp những tháng cuối năm 2025.

Hơn 400 doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán, kiểm toán

Đến ngày 10/6/2025, tổng số lượng kế toán viên đăng ký hành nghề trên cả nước là 465 người; tổng số doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kế toán trên cả nước là 172 doanh nghiệp. Trong lĩnh vực kiểm toán độc lập, tổng số lượng kiểm toán viên đăng ký hành nghề trên cả nước là 2.500 người; tổng số doanh nghiệp đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ kiểm toán trên cả nước là 233 doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội nghị, ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán cho hay, với xu hướng hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng hơn, hoạt động kế toán, kiểm toán đã phát triển mạnh mẽ về nguồn nhân lực và đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ thông tin cùng với cuộc cách mạng công nghệ 4.0.

Theo đó, yêu cầu đang đặt ra là cần phải tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về kế toán, kiểm toán trên cơ sở vận dụng thông lệ quốc tế vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, từ đó tạo môi trường pháp lý về kế toán, kiểm toán đầy đủ và phù hợp. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán; nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý hoạt động nghề nghiệp, phát triển thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán độc lập.

Trong 6 tháng đầu năm 2025, đơn vị đã có nhiều nỗ lực trong việc tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính xây dựng và trình các cấp có thẩm quyền hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về kế toán, kiểm toán, đặc biệt là chế độ kế toán doanh nghiệp Việt Nam, các văn bản quy định, hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập, dần đưa các quy định, thông lệ quốc tế vào áp dụng phù hợp với điều kiện tại Việt Nam; các quy định để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đơn vị đã xây dựng và trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán. Trong đó có Nghị định số 90/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Kiểm toán độc lập; Thông tư số 46/2025/TT-BTC ngày 20/6/2025 sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ các thông tư của Bộ trưởng Bộ Tài chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và sắp xếp tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Đơn vị cũng đã tích cực triển khai Đề án công bố hệ thống chuẩn mực kế toán công Việt Nam ban hành theo Quyết định số 1299/QĐ-BTC ngày 31/7/2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Tiếp tục tăng cường giám sát, phòng ngừa rủi ro

Cũng trong 6 tháng đầu năm 2025, Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán đã xây dựng và trình Bộ kế hoạch triển khai nghiên cứu, xây dựng, công bố 5 chuẩn mực kế toán công Việt Nam đợt 4, bao gồm: Chuẩn mực số 35 - Báo cáo tài chính hợp nhất; Chuẩn mực số 40 - Hợp nhất trong khu vực công; Chuẩn mực số 36 - Đầu tư vào đơn vị liên doanh, liên kết; Chuẩn mực số 37 - Thỏa thuận chung; Chuẩn mực số 38 - Thông tin về các bên liên quan…

Song song với đó, công tác quản lý hoạt động kế toán, kiểm toán tiếp tục được đẩy mạnh. Đồng thời, việc kiểm tra, giám sát tuân thủ pháp luật về kế toán, kiểm toán được tăng cường với các giải pháp phù hợp, hiệu quả.

Ngoài ra, Cục Quản lý Giám sát kế toán, kiểm toán cũng thường xuyên phối hợp với các doanh nghiệp và hội nghề nghiệp thúc đẩy sự phát triển, nâng cao chất lượng dịch vụ kế toán, kiểm toán; có các biện pháp tăng cường kỷ luật, trách nhiệm, nâng cao tính tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của đội ngũ kế toán viên, kiểm toán viên góp phần ổn định và phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thời gian tới, để hoàn thành kế hoạch, chương trình công tác năm 2025 với khối lượng công việc lớn và yêu cầu ngày càng cao cả về chất lượng và tiến độ, Cục Quản lý Giám sát kế toán, kiểm toán sẽ tập trung triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030 với một số nhiệm vụ trọng tâm.

Trong đó, tiếp tục tập trung theo dõi chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính để hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Kiểm toán độc lập; nghiên cứu lập đề nghị xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán (sửa đổi toàn diện), trình Bộ để đăng ký vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.

Đồng thời, tăng cường công tác rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra, theo dõi tình hình thi hành các văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời đánh giá tác động của cơ chế chính sách đã ban hành. Phát hiện kịp thời những vướng mắc, bất cập, chủ động đề xuất sửa đổi, bổ sung, tháo gỡ điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Song song với đó, đơn vị sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật kế toán, kiểm toán độc lập, trong đó kết hợp việc kiểm tra định kỳ với phòng ngừa rủi ro tại các đơn vị, tổ chức thuộc đối tượng kiểm tra; thực hiện công tác chuẩn bị và triển khai hoạt động kiểm tra trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập.

Dự kiến 6 tháng cuối năm 2025 sẽ thực hiện khoảng 35 cuộc kiểm tra trực tiếp tại các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ kế toán, doanh nghiêp kiểm toán, cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ bồi dưỡng kế toán trưởng; giám sát 2 đơn vị trong lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm.

Thêm nguồn lực thực hiện có hiệu quả hoạt động kiểm tra, giám sát

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán cho biết, lĩnh vực kế toán, kiểm toán có phạm vi rộng, với hoạt động của các đơn vị từ trung ương đến địa phương, số lượng đơn vị kế toán lớn, các hoạt động đa dạng phụ thuộc vào tổ chức bộ máy, hoạt động của từng loại hình đơn vị.

Các nội dung nghiệp vụ luôn cần được đổi mới, bám sát để phù hợp với cơ chế chính sách, pháp luật của Việt Nam, đồng thời cần phù hợp với thông lệ quốc tế. Quá trình hội nhập với sự phát triển phong phú, đa dạng về các nghiệp vụ kinh tế, các loại hình dịch vụ làm cho các quy định pháp luật, các hướng dẫn cụ thể luôn cần thích ứng, phù hợp và cải tiến thường xuyên.

Với yêu cầu nhiệm vụ tăng cường kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật kế toán, kiểm toán độc lập, đặc biệt là nhiệm vụ kiểm tra trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập, việc kiểm tra tại các đơn vị, doanh nghiệp, công ty kiểm toán cần cán bộ có chuyên môn cao, kinh nghiệm công tác..., trong khi đó, đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay còn khá mỏng.