Ngày 14/4/2015, Hội Doanh nghiệp khai thác và chế biến quặng sắt (DNKT&CBQS) - gồm 8 đơn vị là Công ty CP Khoáng sản và Luyện kim Thăng Long; Công ty CP Vương Anh; Công ty CP Hà Quang; Công ty TNHH MTV Long Thành Trung; Công ty Phát triển số 1-TNHH MTV; Công ty CP phát triển đầu tư An Khánh; Công ty TNHH XD Lan Anh; Công ty CP Khai khoáng Minh Đức) - đã có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ về việc tháo gỡ khó khăn cho các DN khai thác quặng sắt.

Theo đại diện Hội DNKT&CBQS, hiện ở Việt Nam, các mỏ quặng sắt chủ yếu là quặng nghèo (hàm lượng Fe thấp). Để tận thu tránh lãnh phí tài nguyên, nhiều doanh nghiệp đã đổ vốn đầu tư khai thác, chế biến vào các mỏ này. Tuy nhiên, hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoặc dừng hẳn do càng làm càng lỗ.

xuat khau

Ảnh: Minh họa

Theo công văn, 90% DN khai thác quặng sắt đã phá sản; 10% hoạt động cầm chừng và nguy cơ phá sản cao. Đơn cử, Yên Bái có 30/33 DN đã dừng hoạt động hoặc phá sản. 11 DN tại Phú Thọ đều đã phá sản hoặc dừng hoạt động. Như vậy, khối thiết bị đã đầu tư cho nhà máy nghiền tuyển quặng trị giá hàng chục, hàng trăm tỷ nay thành phế liệu.

Sau gần 3 năm thực hiện Chỉ thị 02/CT-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, trong đó có quy định về việc cấm xuất khẩu quặng sắt, các doanh nghiệp khai thác quặng đã để dành quặng cho việc chế biến sâu trong nước.

Cũng từ đó, thị trường của các doanh nghiệp khai quặng chỉ còn bó hẹp cho 3 công ty, chủ yếu là cung cấp cho Công ty CP Thép Hòa Phát. Do không còn đường xuất khẩu, hoặc chỉ được phép xuất khẩu với lượng giới hạn, nên các công ty thu mua như Hòa Phát đã trục lợi chính sách, quay lại ép giá các doanh nghiệp khai khoáng theo kiểu “không bán cho tôi thì anh cũng chẳng bán được cho ai”.

Theo công văn trên, trong khi giá thế giới vào khoảng 48 USD/tấn thì công ty thu mua trong nước chỉ mua với giá dưới 42USD/tấn. Cụ thể, theo đơn chào hàng ngày 1/4/2015, Thép Hòa Phát mua quặng Fe63% giá 1,1 triệu đồng/tấn; Fe65% giá 1,16 triệu đồng/tấn (giá đã bao gồm VAT và cước vận tải). Đơn giá này, sau khi trừ VAT và cước vận tải (từ 220.000-500.000 đồng/tấn tùy cự ly các mỏ), giá trị thực của quặng sắt loại Fe65% mà Hòa Phát mua chỉ còn 824.000 đồng/tấn, tương đương 41 USD, thấp hơn nhiều so với giá thế giới.

Công văn trên cho biết, trung bình cứ 1,6 tấn quặng sắt (hàm lượng Fe 65%) cho ra 1 tấn thép, tương đương giá trị quặng sắt/1 tấn thép chỉ là 1.856 triệu đồng. Trong khi đó, giá thép bán ra là 12 triệu đồng/tấn. Như vậy, tỷ suất quặng/thép (1.856.000 đồng/12.000.000đồng) chỉ có 15%. Tỷ lệ này là chưa từng có trong lịch sử ngành luyện kim thế giới bởi trên thế giới, tỷ lệ tối thiểu là 30%. Theo mức hiện nay, giá 1 tấn quặng sắt (loại Fe65%) không bằng giá 1 tạ thép. Tức là, DN thép mua quặng với giá rất rẻ song lại bán thép thành phẩm giá cao hơn nhiều giá thế giới. Tình trạng này khiến DN quặng và người tiêu dùng bị thiệt thòi.

Trước tình hình nguy cấp, Hội đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét giảm một số loại thuế, phí liên quan đến khai thác quặng sắt tại các mỏ nghèo và tăng hạn ngạch xuất khẩu để mở rộng thị trường, tránh bị lệ thuộc hoàn toàn vào một số doanh nghiệp, đồng thời kiến nghị xin được giảm thuế xuất khẩu quặng sắt.

PV