Tăng trưởng kinh tế được củng cố từ nội lực và dòng vốn ngoại
Nguồn: Cục Thống kê Đồ họa: Đồ họa: PHƯƠNG ANH

Kinh tế tăng trưởng trên nền cao

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu tại Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), tăng trưởng GDP quý II/2025 đạt 7,96%, mức cao nhất trong nhiều năm, nếu không tính giai đoạn phục hồi sau đại dịch năm 2022. Đáng chú ý, đây là mức tăng trưởng trên nền quý II/2024 đã đạt 7,9%, cho thấy đà phục hồi hiện nay mang tính thực chất hơn.

Dòng vốn ngoại gia tăng, cơ hội cho sự phục hồi kinh tế

Trong hai tuần đầu tháng 7, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mạnh mẽ với giá trị mua ròng hơn 11.000 tỷ đồng, tạo điểm sáng cho thị trường. Ông Nguyễn Hoàng Linh, Giám đốc Nghiên cứu tại Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank nhận định rằng, nếu chính sách ổn định từ Mỹ, đặc biệt là về thuế quan được củng cố, dòng vốn FDI và đầu tư gián tiếp sẽ quay lại mạnh mẽ hơn. Cùng với việc thị trường chứng khoán Việt Nam được nâng hạng, dòng vốn ngoại này sẽ là một trong những yếu tố hỗ trợ ổn định tỷ giá và thúc đẩy sự phục hồi bền vững cho nền kinh tế Việt Nam.

Ba khu vực kinh tế chủ lực đều có sự cải thiện rõ rệt so với bình quân trước đại dịch. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 10,7%, cao nhất trong 3 quý gần đây nhờ doanh nghiệp đẩy mạnh giao hàng trước thời điểm Hoa Kỳ áp thuế. Khu vực xây dựng tăng 9,8%, mức cao nhất kể từ quý IV/2019 (nếu không tính năm 2022) nhờ thị trường bất động sản khởi sắc và giải ngân đầu tư công tăng tốc. Dịch vụ tăng 8,5%, cũng là mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Chuyên gia từ VCBF cũng chỉ ra rằng, giải ngân đầu tư công là động lực quan trọng trong quý II. Riêng khu vực Nhà nước đã có sự cải thiện mạnh mẽ so với quý đầu năm. Tổng vốn đầu tư công giải ngân 6 tháng đầu năm tăng hơn 42% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 32,5% kế hoạch Thủ tướng giao, vượt xa tỷ lệ 28,2% của năm 2024. Vốn FDI, sau khi có sự chững lại vào tháng 4 do chính sách thuế đối ứng từ Hoa Kỳ, đã phục hồi trong tháng 5 và 6, với tháng 6 ghi nhận giá trị giải ngân cao nhất từ đầu năm.

Tuy nhiên, mức đầu tư toàn xã hội hiện vẫn chưa đạt kỳ vọng, phản ánh sự phục hồi còn dè dặt từ khu vực tư nhân và dân cư. Tăng trưởng đầu tư trong nhóm này chậm hơn đáng kể so với giai đoạn trước đại dịch, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn còn hiện hữu. “Vốn FDI đăng ký vào lĩnh vực sản xuất trong quý II giảm, chỉ bằng 68% quý I và thấp hơn 35% so với cùng kỳ năm 2024. Điều này phản ánh sự thận trọng trong việc đầu tư dài hạn, đặc biệt là vào các ngành sản xuất” - ông Linh đánh giá.

Ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup cũng nhận định rằng, bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 có nhiều điểm sáng, từ GDP đến tín dụng. Diễn biến tích cực này giúp thị trường chứng khoán tăng trưởng mạnh mẽ, với sự hỗ trợ từ dòng vốn ngoại và sự trở lại của dòng tiền trong nước.

“Đà phục hồi này vẫn mang tính cục bộ và chưa lan tỏa rộng rãi trên toàn bộ nền kinh tế. Thực tế, một số doanh nghiệp và người dân vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay và ngay cả khi có thể vay được, khả năng tiêu thụ sản phẩm vẫn chưa thuận lợi” - ông Báu nhận định.

Thị trường tài chính khởi sắc rõ nét

Cũng theo ông Báu, tăng trưởng kinh tế quý II cho thấy sự đóng góp quan trọng của khu vực công trong việc hỗ trợ quá trình phục hồi. Khu vực này không chỉ đẩy mạnh các khoản đầu tư phát triển, mà còn gia tăng đáng kể các chi tiêu thường xuyên cho hành chính công, giáo dục và y tế, nhờ vào các cải cách trong quản lý tài chính công và cải cách tiền lương. Trong khi khu vực tư nhân phục hồi với tốc độ chậm, khu vực công đã có những tác động tích cực giúp duy trì ổn định và tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển tiếp theo.

Một điểm đáng chú ý là khu vực xây dựng dân dụng và bất động sản đã ghi nhận tín hiệu hồi phục, với mức tăng 4 - 5%. Theo ông Báu, mặc dù thấp hơn mức tăng trưởng chung, sự cải thiện này cho thấy tín hiệu tích cực so với mức tăng trưởng âm trong những năm trước. Cùng với FDI và đầu tư công, đây là ba trụ cột quan trọng giúp duy trì đà tăng trưởng trong quý II. Tuy nhiên, khu vực hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân - dù vẫn là nền tảng quan trọng của nền kinh tế - vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc cải thiện thu nhập và tiêu dùng.

Bên cạnh đó, tín dụng tuy có tăng trưởng, nhưng phần lớn lại tập trung vào bất động sản và các lĩnh vực liên quan, thay vì các ngành sản xuất. “Cấu trúc dòng vốn đang có sự lệch pha, khiến các ngành tạo giá trị sản xuất thực gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn lực phục hồi. Ngành bất động sản, từng phụ thuộc vào trái phiếu, giờ đây chuyển sang vay ngân hàng, gây gia tăng áp lực lên hệ thống tín dụng. Tổng giá trị trái phiếu bất động sản đã giảm mạnh từ gần 600.000 tỷ đồng xuống chỉ còn hơn 100.000 tỷ đồng, buộc các doanh nghiệp phải tìm cách đảo nợ” – ông Báu phân tích.

Dự báo rằng mỗi quý sẽ có khoảng 30.000 - 50.000 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong hai năm tới, xu hướng tín dụng đổ vào bất động sản sẽ khó có sự thay đổi lớn trong ngắn hạn. Điều này khiến các ngành sản xuất, đặc biệt là tiêu dùng nội địa, tiếp tục gặp khó khăn trong việc khơi thông vốn, ảnh hưởng đến tốc độ phục hồi của nền kinh tế.

Diễn biến trên cũng phản ánh rõ nét trên thị trường chứng khoán, với dòng tiền chủ yếu tập trung vào các cổ phiếu ngân hàng và bất động sản, trong khi các ngành khác như thép, phần mềm tuy có sự cải thiện nhưng vẫn mang tính cục bộ, chủ yếu nhờ vào các doanh nghiệp lớn như Hòa Phát, VNG.

Nhìn chung, nửa đầu năm 2025, nền kinh tế ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực, với tăng trưởng GDP cao, thị trường tài chính khởi sắc và đầu tư công giữ vai trò ổn định. Tuy nhiên, cấu trúc phục hồi vẫn chưa đồng đều khi khu vực công và FDI tiếp tục dẫn dắt, trong khi tiêu dùng nội địa và đầu tư tư nhân còn thận trọng. Thực tế này đòi hỏi chính sách điều hành linh hoạt hơn trong nửa cuối năm để bảo đảm tăng trưởng bền vững và cân đối giữa các khu vực.

Tăng trưởng bền vững từ thị trường tài sản và tiêu dùng

Theo ông Trần Ngọc Báu, Tổng Giám đốc Công ty Dữ liệu Kinh tế Tài chính WiGroup, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Việt Nam cần kích thích cả cung và cầu đồng thời. Trong đó, ba khu vực trọng yếu cần được kích hoạt là thị trường bất động sản, tài sản tài chính (cổ phiếu, trái phiếu) và sản xuất.

Vì vậy, chính sách hiện tại cần tập trung vào việc kích hoạt thị trường bất động sản và tài sản tài chính để cải thiện mức độ giàu có và thúc đẩy tiêu dùng. Khi các tài sản này được phục hồi, người dân sẽ có khả năng chi tiêu nhiều hơn, từ đó hỗ trợ nền kinh tế.

Tuy nhiên, chuyên gia từ WiGroup cũng nhấn mạnh rằng, nếu không chuyển dòng tiền vào sản xuất trong 2-3 năm tới, Việt Nam có thể đối mặt với rủi ro tái diễn "bong bóng tín dụng", làm tăng trưởng trở nên không bền vững.