det

Khi CPTPP có hiệu lực hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ, điển hình như dệt may có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 8,3% - 10,8%.

Tuy nhiên, CPTPP cũng đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ phía nhà nước cũng như DN, để ứng phó với những thách thức khi tham gia sâu vào “sân chơi” này.

Cơ hội phát huy thế mạnh sẵn có

Theo các chuyên gia, khi CPTPP có hiệu lực hầu hết các ngành công nghiệp nhẹ, điển hình như dệt may có thể đạt tốc độ tăng trưởng từ 8,3% - 10,8%. Bên cạnh đó, ngành da giày cũng sẽ được hưởng lợi không kém, cơ hội mở ra rất lớn để các DN có thể tăng tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường như Úc, Newdilan, Mexico, Canada…bởi dường như Việt Nam không có đối thủ cạnh tranh về ngành hàng này trong các nước CPTPP.

Còn theo ông Phí Ngọc Thịnh, Tổng Giám đốc Công ty CP may Hồ Gươm, năm 2018 xuất khẩu hàng hóa của Công ty CP may Hồ Gươm đạt kết quả khá tốt với mức tăng trưởng khoảng 15% so với năm ngoái. Đây cũng là nền tảng tốt để DN chúng tôi đạt được con số xuất khẩu cao hơn trong năm 2019, nhất là khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, cơ hội mở rộng xuất khẩu vào các thị trường nội khối đang rất thuận lợi.

“Hiện tại thị trường Nhật Bản, hàng dệt may Việt Nam cũng đã có ưu thế nhất định đến từ FTA giữa Việt Nam – Nhật Bản. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa tận dụng được nhiều do vẫn có quy định nguyên liệu vải phải có xuất xứ từ Việt Nam. Do đó, DN ngành dệt may rất mong chờ và hy vọng vào CPTPP với những quy định mở hơn để có thể mở rộng thị phần xuất phẩu thị trường tiềm năng này, cũng như tại Úc và Canada”, ông Thịnh cho biết thêm.

Ngoài ra, các mặt hàng khác như hải sản (tôm, cá ngừ đại dương…), đồ gỗ của nước ta cũng được nhận định là có rất nhiều tiềm năng để xuất khẩu sang các nước nội nhóm CPTPP, vì nhu cầu lớn trong khi đối thủ cạnh tranh không nhiều.

Mặt khác, theo Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh, tham gia CPTPP sẽ giúp Việt Nam có được các cơ hội từ chuỗi cung ứng mới hình thành sau khi có hiệu lực. Đây là điều kiện quan trọng để nâng tầm trình độ phát triển của nền kinh tế, tăng năng suất lao động, giảm dần việc gia công lắp ráp, tham gia vào các công đoạn sản xuất có giá trị gia tăng cao hơn, từ đó bước sang giai đoạn phát triển các ngành điện tử, công nghệ cao, sản phẩm nông nghiệp xanh...

Nhận định về vấn đề này, ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Hà Nội cho biết, đa số các DN xuất khẩu đều nhìn thấy những cơ hội đến từ CPTPP và phấn khởi khi hiệp định thương mại này được thông qua nhanh chóng. DN kỳ vọng năm 2019 sẽ là năm mà xuất khẩu đạt được những con số tăng trưởng mới, những bước tiến mới cả về chất và lượng cũng như giá trị. Bên cạnh đó, DN cũng mong chờ những mô hình mới, những làn sóng đầu tư mới vào thị trường Việt Nam với sự ưu đãi, ưu tiên hợp tác đối với khu vực DNNVV.

Doanh nghiệp cần làm gì?

Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, thuận lợi thì CPTPP cũng sẽ đòi hỏi sự nỗ lực rất nhiều từ phía nhà nước cũng như DN. Bởi hội nhập kinh tế quốc tế luôn đi kèm với các rủi ro và thách thức, Việt Nam sẽ phải đối mặt với một số thách thức lớn, nhất là việc hoàn thiện khung khổ pháp luật, thể chế...

Đặc biệt, DN sẽ phải đối mặt với thách thức đến từ sức ép cạnh tranh của hàng hóa nhập khẩu các nước đối tác. Việc mở cửa thị trường, cắt giảm thuế sâu sẽ là cơ hội cho hàng hóa nhập khẩu tăng lên, cạnh tranh với hàng hóa trong nước vốn chất lượng chưa cao. Do đó, nếu như không có sự chuẩn bị tốt, một số ngành sản xuất có thể sẽ gặp khó khăn rất lớn ngay tại sân nhà”.

Vì vậy, theo các chuyên gia kinh tế, để có thể tận dụng được tốt nhất cơ hội từ CPTPP, điều tiên quyết là bản thân các DN cần chủ động tìm hiểu thông tin về CPTPP để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm, nhất là các ưu đãi thuế quan đối với những mặt hàng có thế mạnh, có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới.

Bên cạnh đó, DN cũng cần thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chủ động đáp ứng với những thay đổi về môi trường kinh doanh, xây dựng và điều chỉnh kế hoạch kinh doanh cho giai đoạn trung và dài hạn để phù hợp với bối cảnh mới.

“DN cần chủ động tìm hướng hợp tác với các thị trường trong khu vực CPTPP để thu hút mạnh mẽ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam nhằm tận dụng hiệu quả nguồn vốn và việc chuyển giao công nghệ từ các tập đoàn lớn. Đây cũng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp của ta tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu”, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Mặt khác, theo ông Đàm Quang Hùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP quốc tế Sơn Hà, tham gia các FTA nói chung và CPTPP nói riêng, một trong những sức ép mà DN sẽ gặp phải trong tương lai không xa, đó là nguồn lao động chất lượng cao đang có xu hướng chuyển dịch sang các DN FDI.

“Trước thách thức đó, DN cần có chiến lược làm sao để thu hút cũng như giữ chân nguồn lao động chất lượng cao, đổi mới và nâng cao trình độ quản trị, quản lý”, ông Hùng cho biết thêm.


Tố Uyên