Đầu tư kết cấu hạ tầng cảng biển miền Trung thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội Hơn 77.000 tỷ đồng đầu tư Cảng biển Thành phố Hồ Chí Minh tới năm 2030 Ngành Cảng biển Việt Nam tìm cơ hội trong thách thức trước làn sóng thuế quan Mỹ

Phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển

Quảng Ninh có 250km bờ biển với trên 6.000 km2 diện tích mặt biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển cảng biển và dịch vụ hậu cần. Thời gian qua, tỉnh đã đạt được nhiều thành tựu trong việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển.

Từ năm 2019, tỉnh đã triển khai Nghị quyết số 15-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030". Nghị quyết này không chỉ xác định mục tiêu rõ ràng để phát triển ngành cảng biển, mà còn đặt nền móng cho sự thay đổi trong hệ thống cảng biển của tỉnh Quảng Ninh.

Cảng biển Quảng Ninh tăng cường năng lực, mở lối cho kinh tế biển
Hoạt động xuất nhập khẩu tại cảng Cái Lân (TP Hạ Long). Ảnh T.D

Trong giai đoạn 2019-2024, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh thu hút đầu tư vào hệ thống cảng biển và dịch vụ cảng biển. Việc phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển được thực hiện qua nhiều dự án lớn như: Cảng Cái Lân, Cảng Cửa Ông, Cảng Hòn Gai, Cảng Km6 và các cảng tàu khách quốc tế. Tỉnh cũng đặc biệt chú trọng đến phát triển các cảng phục vụ du lịch, như Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu và Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long.

Riêng trong quý I/2025, các cảng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã đón trên 34.000 lượt phương tiện tàu biển đến làm hàng, sản lượng hàng hóa đạt trên 40 triệu tấn, tăng 7,07% so với cùng kỳ năm 2024.

Trong đó, gia tăng mạnh nhất là mặt hàng than nhập khẩu, dăm gỗ, hàng khô, thiết bị máy móc và hàng tổng hợp. Đặc biệt, hoạt động vận chuyển hành khách du lịch quốc tế đến tỉnh thông qua các cảng biển đạt gần 73.000 người.

Những dự án này không chỉ phục vụ nhu cầu vận chuyển hàng hóa mà còn giúp phát triển ngành du lịch, đặc biệt là du lịch biển. Các cảng đã đón hàng nghìn lượt tàu khách quốc tế, mang lại cơ hội phát triển kinh tế lớn cho tỉnh.

Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là công trình giao thông bến cảng cấp đặc biệt, là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam. Cảng này có các khu vực dành cho du thuyền quốc tế siêu sang và tàu khách tham quan Vịnh Hạ Long, một điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

Chiến lược phát triển cảng biển đến năm 2030

Trong giai đoạn tiếp theo, Quảng Ninh đang tập trung vào việc phát triển các cảng biển lớn, nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa và du lịch ngày càng tăng. Tỉnh đặt mục tiêu tăng trưởng mạnh mẽ trong ngành cảng biển, đóng góp vào tăng trưởng GRDP của tỉnh, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của các ngành công nghiệp, thương mại, du lịch và dịch vụ.

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang triển khai một số dự án trọng điểm, bao gồm Bến cảng tổng hợp Vạn Ninh tại TP Móng Cái. Dự án này được xây dựng trên diện tích 82,79 ha và có tổng mức đầu tư lên đến 2.248 tỷ đồng. Bến cảng sẽ có bến cầu dài 500m, cho phép tiếp nhận tàu trọng tải lớn lên đến 20.000DWT và một khu kho bãi được trang bị hiện đại.

Đây sẽ là một trong những cảng lớn tại Quảng Ninh, phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa và phát triển logistics.

Cùng với dự án này, Quảng Ninh cũng đang triển khai các dự án khác như Cảng Con Ong - Hòn Nét ở TP Cẩm Phả. Cảng này được đánh giá có nhiều lợi thế, như luồng nước sâu và ít bị tác động của sóng lớn, thuận lợi cho việc bốc xếp hàng hóa. Dự án Cảng Con Ong - Hòn Nét có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải từ 100.000 tấn trở lên, góp phần lớn vào phát triển kinh tế của khu vực.

Cảng biển Quảng Ninh tăng cường năng lực, mở lối cho kinh tế biển
Năm 2024, các cảng trên địa bàn Quảng Ninh đón hơn 161.000 lượt phương tiện tàu các loại. Ảnh T.D

Để hỗ trợ các dự án này, Quảng Ninh đang cải thiện cơ sở hạ tầng giao thông kết nối, bao gồm các tuyến đường cao tốc như Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái. Các tuyến đường này không chỉ kết nối các khu vực cảng biển trong tỉnh mà còn tạo điều kiện cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách giữa Quảng Ninh và các tỉnh, thành phố lân cận.

Tỉnh cũng chú trọng đến việc phát triển các dịch vụ cảng biển, đặc biệt là các dịch vụ hậu cần, kho bãi và logistics. Với hơn 17 doanh nghiệp tham gia hoạt động bốc xếp hàng hóa bằng đường biển, Quảng Ninh đang xây dựng một hệ thống logistics đồng bộ, giúp giảm chi phí vận tải và nâng cao hiệu quả của hệ thống cảng biển.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh cho biết, đơn vị đang tích cực hỗ trợ, đồng hành với các nhà đầu tư trong việc triển khai đầu tư hệ thống các bến cảng tại KKT ven biển Quảng Yên. Hệ thống các bến cảng tại đây khi được đầu tư đảm bảo trung chuyển, lưu kho, XNK hàng hóa, phục vụ toàn bộ hoạt động của các KCN tại địa bàn Quảng Yên, qua đó góp phần giảm chi phí logistics của các doanh nghiệp.

Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, Quảng Ninh vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong việc phát triển cảng biển. Một trong những vấn đề lớn là việc thiếu các hãng tàu lớn và chủ đạo, thiếu sự kết nối và liên kết giữa các cảng biển trong khu vực, làm hạn chế khả năng thu hút hàng hóa và du khách. Các cảng vẫn chủ yếu phục vụ hàng hóa thô, chưa phát triển mạnh các cảng container lớn với trữ lượng hàng hóa lớn.

Theo thống kê, trong 5 năm qua, sản lượng hàng hóa thông qua các bến cảng tại Quảng Ninh đạt khoảng 627,7 triệu tấn, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ổn định. Tổng lưu lượng hành khách vận tải biển, đặc biệt là khách du lịch, đạt gần 300.000 lượt khách, đóng góp lớn vào nền kinh tế tỉnh.

Các chỉ tiêu về doanh thu dịch vụ cảng biển cũng có xu hướng tăng đều, từ năm 2019 đến nay, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển vào GRDP của tỉnh đã tăng lên rõ rệt, từ 0,43% năm 2019 lên 0,58% năm 2024.