9 năm, chỉ có 83 DN được phá sản

Ngày 13/9, UBTVQH đã cho ý kiến về dự án Luật phá sản sửa đổi. Kể từ khi được ban hành năm 2004, sau gần 9 năm thực hiện, Luật đã bộc lộ nhiều bất cập nên số lượng các vụ phá sản do Tòa án thụ lý chưa nhiều. Tổng số có 336 đơn yêu cầu tuyên bố phá sản, Tòa án đã ra 236 Quyết định mở thủ tục phá sản và trong đó ra 83 Quyết định tuyên bố phá sản.

Vì vậy, tại phiên họp đa số ý kiến đại biểu (ĐB) tán thành sự cần thiết sửa đổi Luật phá sản như Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao. Các ĐB cũng tham gia cho ý kiến về một số điểm mới trong dự thảo luật. Cụ thể như việc khoanh vùng đối tượng được phá sản là DN, HTX, hay là đối với tất cả các đối tượng có đăng ký kinh doanh.

Phung Quoc Hien

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển phát biểu tại phiên họp ngày 13/9. Ảnh: TTXVN

Theo Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, nếu mở rộng các đối tượng thuộc phạm vi áp dụng của Luật này thì sẽ khó khả thi, do hiện nay lực lượng cán bộ còn mỏng dẫn đến việc quá tải cho ngành Tòa án. Do vậy, nhất trí với dự thảo Luật quy định về đối tượng áp dụng chỉ là các DN, HTX. Đối với cá nhân, tổ hợp tác, hộ gia đình có đăng ký kinh doanh thì áp dụng thủ tục giải quyết các tranh chấp về dân sự, kinh tế đã được quy định.

Các ĐB nhất trí với dự thảo cho rằng không nên có sự phân biệt giữa DNNN và DN thuộc các thành phần kinh tế khác. Nếu quy định riêng về phá sản cho DNNN sẽ dẫn tới tình trạng đảo nợ, giấu nợ, bơm thêm vốn duy trì DN kém hiệu quả, phản ánh không trung thực thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của DNNN.

Đa số ý kiến tán thành việc sửa đổi Điều 1 về việc mở rộng quyền nộp đơn yêu cầu phá sản cho tất cả các chủ nợ, bao gồm cả người lao động khi không được DN thanh toán lương, thưởng.

Ngoài ra, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về quyền nộp đơn mở thủ tục phá sản của các cơ quan có thẩm quyền như: Ngân hàng nhà nước VN, Bảo hiểm tiền gửi, Ủy ban chứng khoán nhà nước, vì các cơ quan giám sát DN trong lĩnh vực này sớm phát hiện nguy cơ mất khả năng thanh toán của DN.

99% DN Việt Nam có thể phá sản?

Một trong những quy định khiến các ĐB tranh luận nhiều là tiêu chí nợ quá hạn từ 200 triệu đồng trở lên trong thời gian 3 tháng trở lên thì chủ nợ có quyền yêu cầu phá sản.

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện cho rằng, không thể căn cứ vào tiêu chí số nợ cụ thể vì có những DN nhỏ, vốn ít nhưng cũng có những DN lớn vốn đến vài trăm tỷ, hàng nghìn tỷ thì không thể lâm vào phá sản vì 200 triệu đồng nợ chưa thanh toán. Vì vậy, đề nghị quy định số nợ mất khả năng thanh toán phải căn cứ vào số vốn đăng ký, tính toán theo tỷ lệ phù hợp, chứ không nên quy định vào số nợ cụ thể. Về thời hạn 3 tháng cũng phải cân nhắc lại, kéo dài thêm để chủ nợ và DN có thể làm việc với nhau.

Giải thích về tiêu chí này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho rang, vấn đề ở đây không phải là 200 triệu đồng là lớn hay nhỏ, vốn nghìn tỷ hay vài trăm triệu. Nếu DN vốn lớn thì tại sao lại có món nợ quá hạn vài trăm triệu. Nếu thiếu vốn ngắn hạn, DN có thể đến ngân hàng. Khi đó ngân hàng sẽ đánh giá DN có khả năng thanh toán hay không để cho vay và nếu ngân hàng không cho vay thì chứng tỏ DN đó thực sự không có khả năng thanh toán. Ông Đông cho rằng đây là câu chuyện của thị trường và sự vận hành của hoạt động kinh tế.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Kim Ngân cho biết, UBTVQH tán thành với những nội dung cơ bản trong Tờ trình và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, cần làm rõ hơn quan điểm xây dựng luật Phá sản phù hợp kinh tế thị trường, bảo vệ lợi ích thoả đáng của các bên liên quan, đặc biệt là người lao động./.

Hoàng Yến