Đơn giản hóa tối đa thủ tục hải quan để hỗ trợ xuất khẩu nông sản
Công chức Hải quan Tân Thanh (Lạng Sơn) kiểm tra hàng nông sản xuất khẩu.

Chủ động lấp "lỗ hổng” pháp lý

Theo ông Lưu Mạnh Tưởng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, vai trò đầu mối của cơ quan hải quan được thể hiện nổi bật thông qua việc xây dựng, vận hành phần mềm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia (NSW) để tự động tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Đồng thời, cơ quan hải quan quyết định phương thức kiểm tra trên cơ sở thu thập, xử lý các dữ liệu về kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm; chuyển hồ sơ đến các cơ quan kiểm tra, tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định; đảm bảo công khai minh bạch thông tin, kết nối, chia sẻ dữ liệu với bộ, ngành và các cơ quan liên quan.

Đặc biệt, việc liên kết chia sẻ thông tin dữ liệu giúp nâng cao hiệu quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm của cơ quan kiểm tra; tăng cường vai trò quản lý nhà nước của bộ quản lý ngành, lĩnh vực do quản lý được toàn bộ thông tin dữ liệu về công tác kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm được thu thập trên mọi phương diện, từ thông tin chi tiết về từng sản phẩm, hàng hóa, số liệu nhập khẩu của tổ chức, cá nhân, kết quả chứng nhận, giám định, kiểm nghiệm, kết quả kiểm tra nhà nước, thông tin vi phạm…

Bên cạnh đó, việc vận hành và ứng dụng triệt để công nghệ thông tin cũng góp phần đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa; thực hiện kiểm tra theo mặt hàng để cắt giảm số lượng các lô hàng phải kiểm tra.

Hải quan còn là “mắt xích” kết nối các cơ quan chức năng có liên quan, thực hiện các cam kết quốc tế về hải quan và hợp tác với các cơ quan, tổ chức nước ngoài. Cơ quan hải quan đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành Xây dựng, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, lấp "lỗ hổng" pháp lý mà doanh nghiệp lợi dụng để gian lận. Qua đó, cơ quan hải quan kiến nghị trao đổi, cung cấp các thông tin liên quan đến mặt hàng, doanh nghiệp có nguy cơ cao về gian lận; phối hợp với các hiệp hội thực hiện đánh giá năng lực sản xuất, xuất khẩu nông sản, xác định các doanh nghiệp có rủi ro cao để áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thích hợp. Đồng thời, cơ quan hải quan có vai trò phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng, phát hiện sớm các trường hợp gian lận thương mại.

Việc thực hiện các cam kết quốc tế và hoạt động trao đổi thông tin trong khuôn khổ hợp tác quốc tế về kiểm soát hải quan, triển khai các hoạt động hỗ trợ trực tiếp điều tra chống buôn lậu trực tiếp thông qua việc thực hiện các yêu cầu, hỗ trợ cử cán bộ hải quan của các bên hợp tác. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện dựa trên các nguyên tắc cùng có lợi, theo chức năng, thẩm quyền và luật pháp mỗi bên cũng như các điều ước, thoả thuận hợp tác song phương đã ký kết.

Cũng theo ông Tưởng, thời gian qua, ngành Hải quan đặt mục tiêu hỗ trợ cá nhân, tổ chức có liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp nắm bắt kịp thời, đầy đủ các quy định của pháp luật hải quan, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật hải quan nói chung và các quy định liên quan đến nông sản xuất khẩu nói riêng. Với mục tiêu đó, hải quan các cấp luôn ưu tiên tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức phối hợp với cơ quan hải quan thực hiện các hoạt động cải cách thủ tục hành chính và cải cách hiện đại hóa hải quan.

Rút ngắn thời gian thông quan

Để hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động nông sản xuất khẩu, mở rộng thị trường, tăng sức cạnh tranh cho mặt hàng nông sản Việt Nam, tới đây, ngành Hải quan sẽ tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hải quan, rút ngắn thời gian thông quan, tạo điều kiện tối đa và thực hiện thông quan nhanh chóng trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu tại địa bàn; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa.

Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng cũng cho hay, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo các đơn vị hải quan địa phương nơi có hàng nông sản xuất khẩu cần tạo điều kiện và thực hiện thông quan ngay trong ngày đối với hàng hóa xuất khẩu là nông sản đến thời điểm thu hoạch chính vụ nói riêng và nông sản nói chung; giải quyết ngay các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa; phối hợp chặt chẽ, thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan kiểm dịch để thực hiện nhanh chóng thủ tục cho doanh nghiệp.

Trong giai đoạn cao điểm tại các cửa khẩu, bố trí cán bộ công chức giải quyết thủ tục thông quan và giám sát hàng hóa xuất khẩu ngoài giờ hành chính, ngày nghỉ, ngày lễ; phối hợp với các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi tại khu vực cửa khẩu bố trí địa điểm và tạo điều kiện cho việc bảo quản, phân loại chất lượng hàng hóa của doanh nghiệp trong thời gian chờ xuất khẩu; thường xuyên cập nhật tình hình, cung cấp thông tin, khuyến cáo kịp thời tới các doanh nghiệp xuất khẩu hàng nông sản qua các cửa khẩu trên địa bàn.

Đối với việc kiểm tra, giám sát hàng nông sản xuất khẩu, cơ quan hải quan đã và đang tiếp tục xây dựng và nâng cao mô hình địa điểm kiểm tra hồ sơ tập trung; chủ động phối hợp với các bộ ngành sửa đổi hệ thống văn bản pháp luật về kiểm tra chuyên ngành, chi tiết mã số HS, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra; đẩy mạnh áp dụng nguyên tắc kiểm tra theo phương pháp phân luồng quyết định kiểm tra.

Xuất khẩu nông sản tăng nhờ khơi thông thương mại biên giới

Việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc đã góp phần giúp xuất khẩu nhóm hàng nông sản của Việt Nam duy trì được tăng trưởng trong những tháng đầu năm 2023, trong khi hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam giảm mạnh. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến cuối tháng 3/2023, xuất khẩu nông sản đạt 5,01 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước.