NVM

ĐB Ngô Văn Minh đề nghị cần cân nhắc kỹ về dự án, có thể trình Quốc hội trong 2 kỳ họp.

"Dự báo khách trên trời"?

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) băn khoăn về dự báo lượng khách thu hút đến với sân bay Long Thành. “Tôi cho rằng đây là dự báo “khách trên trời”, liệu có đúng như thế không?”, ĐB nói.

Đề nghị phải cân nhắc tính khả thi và hiệu quả của dự án, ĐB nêu ý kiến chúng ta làm sân bay hiện đại nhưng lại là sân bay trung chuyển khách quốc tế cạnh tranh với các nước láng giềng như sân bay của Singapore, của Malaysia. Nếu chúng ta đưa ra lý do vị trí địa lý thuận lợi, thì họ có tiêu chí này không?

Liên quan tới tổng mức đầu tư, dự kiến trong phương án bồi thường làm thành 2 giai đoạn, ĐB cho rằng phải hết sức cân nhắc khi bồi thường giá đất theo Luật đất đai 2013 theo giá thị trường, phân kỳ tới 2026, có thể ảnh hưởng lớn tới tổng mức đồng tư. Hơn nữa, Luật đầu tư công đã quy định dự án phải đưa ra tổng mức đầu tư, nhưng cũng chưa thấy cam kết của Chính phủ về tăng tổng mức đầu tư của dự án để ĐB Quốc hội yên tâm.

Về ý kiến của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải cho biết phải phê duyệt chủ trương mới biết tổng mức đầu tư ra sao, ĐB Ngô Văn Minh cho rằng: "Khi ĐB Quốc hội bấm nút quyết định một chủ trương đầu tư thì phải biết tương đối cụ thể, do vậy cần phải bổ sung làm rõ nội dung này".

Đồng ý về chủ trương đầu tư, nhưng ĐB đề nghị phải theo quy trình thông qua trong hai kỳ họp. Tại kỳ họp này có thể đồng ý để Chính phủ lập đề án khả thi, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp sau để xem xét cho thận trọng và khách quan hơn.

Cơ chế đặc thù cũng là tiền ngân sách

Đặc biệt, ĐB đề nghị phải thận trọng với nội dung xin một số cơ chế đặc biệt của Bộ Giao thông Vận tải, bởi cơ chế đặc biệt này cũng chính là ngân sách nhà nước đầu tư vào. Cụ thể như nhập khẩu một số thiết bị xây dựng cảng hàng không, dùng tiền cổ phần hóa của Tổng công ty Hàng không để đầu tư vào dự án... “Chú ý sử dụng đồng tiền nhà nước như thế nào cho hiệu quả, nhất là tới đây khi Quốc hội sẽ thông qua luật quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh”, ĐB nói.

Về nợ công, theo báo cáo bổ sung của Chính phủ, tỷ lệ nợ công của dự án này là 0,091% GDP. Theo ĐB, đây là con số khá thấp và tính toán này phải hết sức cân nhắc.

Một băn khoăn nữa của ĐB là đời sống người dân vùng giải tỏa, khi dự kiến thu hồi khoảng 5.000 ha đất, khoảng hơn 4.000 hộ dân với hơn 14.000 người. Nhiều dự án công trình quốc gia đã thông qua khi đi vào triển khai tới giờ đã thấy hệ lụy về sinh kế. “Không phải chúng ta giải tỏa, di dời xong là xong, mà sau đó là đời sống của người dân vùng giải tỏa như thế nào, sinh kế lâu dài sẽ như thế nào?”.

Địa phương đề nghị sớm triển khai dự án

Trong khi đó, ĐB Trương Văn Vở (Đồng Nai) đánh giá sân bay Long Thành có ý nghĩa rất quan trọng về nhiều mặt, vì vậy cần tính toán kỹ nhưng không nên lo lắng, băn khoăn để rồi chậm triển khai. Đánh giá cao hiệu quả của dự án, ĐB cho rằng không nên để lỡ cơ hội đầu tư và thu hút đầu tư, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của đất nước.

TVV
ĐB Trương Văn Vở khẳng định tính cấp thiết của dự án.

Đối với ý kiến lo lắng về ngân sách, ĐB cho rằng phương án về vốn trong báo cáo của Chính phủ là rất phù hợp với các cơ chế chính sách đặc thù, như là dùng tiền cổ phần hóa của Tổng công ty hàng không, góp vốn đầu tư bằng quyền sử dụng đất….

Là ĐB của địa bàn sẽ triển khai dự án, ĐB Trương Văn Vở cho biết, việc giải phóng mặt bằng ở tỉnh đã sẵn sàng, người bị giải tỏa đều thống nhất cao và đề nghị sớm triển khai vì quy hoạch đã được phê duyệt từ lâu.

Khẳng định không vì lợi ích cục bộ của địa phương khi ủng hộ dự án, ĐB cho biết trên quan điểm vùng phát triển kinh tế động lực mà Chính phủ đã xác định, Đồng Nai, TP.HCM và các tỉnh lân cận nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hệ thống hạ tầng đường bộ kết nối cho dự án hầu như đã hoàn thành, nếu chậm tiến độ sẽ lỡ nhịp và sẽ không bảo đảm tiến độ. “Tất nhiên là có lợi ích của Đồng Nai, nhưng phải nhìn trong tổng thể quy hoạch vùng”, ĐB Trương Văn Vở cho biết./.

Hoàng Yến