doanh nghiệp siêu nhỏ

DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân không quá 10 người được đề xuất giảm thuế. Ảnh: TL.

Giảm 30% số thuế TNDN phải nộp năm 2020

Tại dự thảo nghị quyết, Chính phủ đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp (DN) có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ).

DN căn cứ quy định nêu trên để tự xác định số thuế được giảm khi kê khai tạm nộp thuế TNDN theo quý và quyết toán thuế TNDN năm 2020. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Theo Bộ Tài chính, dịch bệnh Covid-19 xảy ra trên phạm vi toàn cầu đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội thế giới và trong nước.

Thực tế trong nước thời gian qua, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất gặp khó khăn; hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều DN bị đình trệ, nhất là DN nhỏ và siêu nhỏ đã phải thu hẹp hoặc tạm ngừng hoạt động, tác động không nhỏ đến nền kinh tế và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của năm 2020.

Tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 DN đang hoạt động. Trong cơ cấu DN của Việt Nam, nhóm DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97% tổng số DN, trong đó, DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ chiếm tới hơn 93% tổng số DN.

Đây là những DN dễ bị tổn thương nhất của nền kinh tế, nên theo Bộ Tài chính, việc xem xét, ban hành nghị quyết của Quốc hội để quy định giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ và sớm đưa chính sách này vào thực tiễn là hết sức cần thiết.

Hỗ trợ DN tăng tích lũy, phát triển sản xuất kinh doanh

Trên thực tế, trong những thời điểm khó khăn như suy thoái, khủng hoảng kinh tế (từ 2008 -2015), Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết về hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho một số đối tượng DN thuộc nhóm DN quy mô nhỏ. Tại Luật thuế TNDN (sửa đổi) cũng đã xác định DN có quy mô nhỏ và siêu nhỏ được áp dụng mức thuế suất (20%) thấp hơn mức thuế suất phổ thông (25%, 22%) trong giai đoạn 2013 - 2015.

Chính sách thuế TNDN ngày càng công khai, minh bạch, đơn giản, đồng bộ với hệ thống pháp luật có liên quan và phù hợp với thực tiễn, góp phần đảm bảo quyền lợi và tạo thuận lợi cho DN, người nộp thuế.

Chính sách thuế cũng được sửa đổi, bổ sung theo hướng phù hợp thông lệ quốc tế là cho phép trừ các khoản chi thực tế phát sinh liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DN có kèm theo các hoá đơn, chứng từ hay quy định về các khoản chi được trừ khi tính thuế TNDN chặt chẽ phù hợp thực tế. Qua đó góp phần hạn chế tình trạng các DN lợi dụng để chuyển giá, trốn thuế.

Việc bỏ quy định khống chế khoản chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại, hoa hồng môi giới, tiếp tân, khánh tiết, hội nghị, hỗ trợ tiếp thị… đã đảm bảo phù hợp với thực tiễn, phản ánh đúng bản chất của khoản chi, bảo hộ hợp lý đối với các DN vừa và nhỏ, đồng thời tạo điều kiện cho các DN hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo môi trường thu hút đầu tư hấp dẫn hơn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, việc nghiên cứu giảm thuế TNDN cho đối tượng DN nhỏ và siêu nhỏ, không chỉ nhằm hỗ trợ DN mà còn thúc đẩy các DN này phát triển và mở rộng sản xuất theo mục tiêu có 1 triệu DN vào năm 2020.

Bộ Tài chính cho rằng, những giải pháp về thuế nêu trên có tác động lớn đến việc thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh đối với khu vực DN nhỏ, siêu nhỏ, tạo môi trường đầu tư thuận lợi, minh bạch và cải cách thủ tục hành chính.

Việc thực hiện các giải pháp này có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 15.840 tỷ đồng. Tuy việc giảm nghĩa vụ này trong ngắn hạn có gây áp lực lên cân đối ngân sách, nhưng về dài hạn sẽ tạo điều kiện để DN nhỏ và siêu nhỏ tăng tích tụ, tích lũy, tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu từ thuế TNDN cho ngân sách nhà nước vào những năm sau./.

Minh Anh