Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu (XK) loại 5% tấm của Việt Nam đã điều chỉnh tăng nhẹ 5 USD/tấn, lên mức 618 - 622 USD/tấn kể từ phiên giao dịch ngày 19/9 đến nay. Riêng giá gạo loại 25% tấm vẫn giữ ổn định ở mức 603 - 607 USD/tấn.

Gạo xuất khẩu của Việt Nam tăng giá trở lại
Bốc xếp gạo phục vụ xuất khẩu. Ảnh: TL minh hoạ

Với mức giá hiện nay, gạo của Việt Nam tiếp tục giữ ngôi đầu thế giới khi cao hơn gạo cùng loại của Thái Lan 10 USD/tấn (gạo 5% tấm của Thái Lan hiện có mức 608 - 612 USD/tấn) và cao hơn gạo cùng chủng loại của Pakistan 20 USD/tấn (gạo Pakistan ở mức 598 - 602 USD/tấn).

Thống kê cho thấy, đến hết tháng 8/2023, Việt Nam XK 5,81 triệu tấn gạo, trị giá 3,16 tỷ USD, tăng 21,4% về lượng và tăng 35,7% về trị giá so với cùng kỳ. Giá XK bình quân đạt 543,9 USD/tấn, tăng 11,8% so với cùng kỳ.

Dự báo từ nay đến hết năm 2023 và thậm chí là sang năm 2024, tình hình XK gạo của Việt Nam vẫn sẽ được thúc đẩy bởi số lượng đơn hàng tốt từ nhiều thị trường mới. Theo đánh giá của nhiều DN thì mức giá hiện nay khá ổn định và được coi là mức giá mới cho mặt hàng này.

Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho biết, Philippines vẫn đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 40,3% tổng lượng XK gạo của cả nước; tiếp đến là thị trường Trung Quốc chiếm 13,5%; Indonesia đứng thứ 3 chiếm 12,4%. Ngoài ra khu vực thị trường EU (Ba Lan, Hà Lan, Tây Ban Nha, Bỉ,..), châu Phi (Ghana, Angola, ...) cũng ghi nhận sự tăng trưởng tích cực.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, nhìn chung, giá gạo XK từ nay đến cuối năm vẫn sẽ duy trì ở mức cao do nhu cầu nhập khẩu gạo của các thị trường tiêu thụ lớn vẫn còn, trong khi nguồn cung gạo từ các quốc gia XK gạo hàng đầu thế giới như Ấn Độ, Pakistan còn hạn chế. Ngoài ra, mức độ biến động của giá gạo XK sẽ còn phụ thuộc vào các biến số như thời tiết, chính trị (phản ứng chính sách) của các nước xuất khẩu lớn như Ấn Độ, Thái Lan… trong thời gian tới.