Chú thích ảnh
Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo gây ảnh hưởng đến an ninh lương thực toàn cầu.

Theo AP, giá gạo ở Kenya đã tăng vọt cách đây một thời gian vì giá phân bón cao hơn và hạn hán kéo dài hàng năm ở vùng Sừng châu Phi đã làm giảm sản lượng. Trong giai đoạn đầu, gạo giá rẻ nhập khẩu từ Ấn Độ đã lấp đầy khoảng trống, đảm bảo cuộc sống cho nhiều người trong số hàng trăm nghìn người dân ở khu ổ chuột Kibera của Nairobi, những người đang sống với chưa đầy 2 USD/ngày.

Nhưng điều đó đang thay đổi. Giá 1 bao gạo 25 kg đã tăng 20% kể từ tháng 6. Các nhà bán buôn vẫn chưa nhận được hàng dự trữ mới kể từ khi Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới cho đến nay, cho biết vào tháng trước rằng họ sẽ cấm một số lô hàng xuất khẩu gạo.

Đó là nỗ lực của quốc gia đông dân nhất thế giới nhằm kiểm soát giá cả trong nước trước 1 năm bầu cử quan trọng, nhưng đã gây thiếu hụt nguồn cung lớn. Theo số liệu của Bộ Công thương Ấn Độ, trong năm tài chính 2022 – 2023, Ấn Độ đã xuất khẩu hơn 22 triệu tấn gạo trong tổng số 55 triệu tấn gạo xuất khẩu của toàn cầu.

Như vậy, lượng gạo xuất khẩu của Ấn Độ chiếm hơn 40% tổng lượng xuất khẩu gạo của thế giới. Do đó, bất kỳ động thái hạn chế xuất khẩu nào của Ấn Độ đều có tác động tới thị trường gạo của thế giới.

Francis Ndege làm nghề kinh doanh gạo đã 30 năm, nói: “Tôi thực sự hy vọng hàng nhập khẩu sẽ tiếp tục đến". Ông Ndege cho biết hiện không chắc liệu khách hàng của mình ở khu ổ chuột lớn nhất châu Phi có đủ khả năng tiếp tục mua gạo hay không.

An ninh lương thực toàn cầu cũng đang bị ảnh hưởng kể từ khi Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc Biển Đen và hiện tượng thời tiết El Nino cản trở sản xuất lúa gạo. Giờ đây, giá gạo đang tăng vọt, khiến những người dễ bị tổn thương nhất ở một số quốc gia nghèo nhất gặp rủi ro.

Beau Damen, một quan chức tài nguyên thiên nhiên của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp quốc có trụ sở tại Bangkok, cho biết thế giới đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực. Ngay cả trước những hạn chế của Ấn Độ, các quốc gia đã tăng cường mua gạo khi dự đoán về khan hiếm nguồn cung do El Nino, tạo ra một cuộc khủng hoảng nguồn cung và giá cả tăng vọt.

Điều có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn là nếu lệnh cấm gạo của Ấn Độ tạo ra hiệu ứng domino, khiến các nước khác làm theo. Hiện tại, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất đã tạm dừng xuất khẩu gạo để duy trì lượng gạo dự trữ trong nước. Một mối đe dọa tiếp theo là trong trường hợp thời tiết khắc nghiệt gây thiệt hại cho mùa màng ở các quốc gia khác.

Theo đó, tác động từ tình trạng thiếu gạo, giá tăng có nguy cơ lan rộng trên toàn thế giới. Tiêu thụ gạo ở châu Phi đang tăng đều đặn và hầu hết các quốc gia đều phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu. Trong khi các quốc gia có dân số ngày càng tăng như Senegal đang tìm cách trồng nhiều lúa hơn thì nhiều quốc gia khác đang gặp khó khăn.

Người phát ngôn Bộ Nông nghiệp Mamadou Aïcha Ndiaye cho biết, Senegal sẽ chuyển sang các đối tác thương mại khác như Thái Lan hoặc Campuchia để nhập khẩu gạo, mặc dù quốc gia Tây Phi này sắp có thể tự cung tự cấp, khi hơn một nửa nhu cầu được sản xuất ở trong nước.

Các nước châu Á, nơi 90% lượng lúa trên thế giới được trồng và tiêu thụ, cũng đang phải vật lộn với sản xuất. Philippines đang quản lý nguồn nước một cách cẩn thận với dự đoán sẽ có ít mưa hơn trong bối cảnh El Nino. Cơn bão Doksuri cũng đã tấn công khu vực sản xuất lúa gạo phía bắc của nước này, gây thiệt hại cho vụ lúa trị giá 32 triệu USD - ước tính chiếm 22% sản lượng hàng năm của Philippines.

Philippines là nhà nhập khẩu gạo lớn thứ 2 sau Trung Quốc và Tổng thống Ferdinand Marcos đã nhấn mạnh cần thiết phải đảm bảo đủ lương thực.

Chuyên gia chính sách lương thực Ấn Độ Devinder Sharma cho biết hạn chế gạo của Ấn Độ cũng do thời tiết thất thường: Gió mùa không đều cùng với El Nino đang xuất hiện có nghĩa là lệnh cấm một phần là cần thiết để ngăn giá lương thực trong nước tăng cao.

Về phần mình, Ashok Gulati thuộc Hội đồng Nghiên cứu về Quan hệ Kinh tế Quốc tế của Ấn Độ cho biết, các hạn chế này sẽ khiến gần một nửa lượng gạo xuất khẩu thông thường của nước này bị đình trệ trong năm nay.

Ông nói thêm rằng những biện pháp cấm xuất khẩu lặp đi lặp lại khiến Ấn Độ trở thành một nhà xuất khẩu "không đáng tin cậy". “Điều đó không tốt cho hoạt động kinh doanh xuất khẩu vì phải mất nhiều năm để phát triển những thị trường này” - chuyên gia Gulati kết luận.