cao tốc hà nội lào cai

Đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai là một trong những công trình góp phần thúc đẩy KT-XH vùng Tây Bắc. Ảnh: TL.

PV: Thưa ông, các tỉnh Tây Bắc những năm gần đây đã có những khởi sắc về kinh tế - điều này đã thể hiện qua các Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc. Xin ông cho biết một số thông tin cụ thể để người đọc hình dung rõ hơn về sự phát triển này?

- Ông Trương Xuân Cừ: Hội nghị xúc tiến đầu tư, an sinh xã hội vùng Tây Bắc được Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức định kỳ 3 năm trở lại đây, đã đạt được những thành công bước đầu hết sức phấn khởi. Thông qua các hội nghị này đã góp phần thu hút được nguồn vốn lớn từ các nhà đầu tư, đưa khoa học công nghệ vào phát triển nông nghiệp và du lịch tương đối hiệu quả. Các sản phẩm chất lượng cao từ Tây Bắc như: Bò sữa, chè, cây ăn quả, hoa… đã được các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất và đưa ra thị trường, được người dân đánh giá cao.

Các cơ sở hạ tầng về giao thông vận tải cũng được đầu tư phát triển nhanh chóng. Tây Bắc còn có 8 cửa khẩu quốc tế đang tiếp tục được đầu tư với tổng kim ngạch xuất khẩu qua các cửa khẩu này đạt hơn 1.5 tỷ USD. Việc xóa đói giảm nghèo cũng đạt được những thành tựu đáng kể. Mỗi năm đã giảm được tới 6% tỉ lệ hộ nghèo trong vùng. Hiện chỉ còn 18,2% hộ nghèo so với đầu nhiệm kỳ là 48%. Vấn đề an ninh biên giới cũng được tăng cường…

PV: Như ông vừa nói thì việc thu hút các nhà đầu tư có vai trò hết sức quan trọng. Vậy đâu là những khó khăn, vướng mắc trong việc thu hút vốn đầu tư vào Tây Bắc hiện nay?

Giải pháp nào để hấp dẫn vốn đầu tư đến với Tây Bắc?
Cần có giải pháp tổng thể để thu hút nhiều hơn nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước vào địa bàn.   Ông Trương Xuân Cừ

- Ông Trương Xuân Cừ: Hiện nay Tây Bắc chưa thực sự là một địa điểm hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đầu tiên là vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực ở các tỉnh Tây Bắc còn có những điểm hạn chế. Giao thông Tây Bắc rất khó khăn, tác động bất lợi tới chi phí đầu tư, kinh doanh. Ngay cả đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đã kéo Tây Bắc về gần với các trung tâm phát triển kinh tế, song chưa đủ tạo nên đột phá khi việc đấu nối tuyến đường này với các tỉnh còn lại vẫn đang là phương án.

Thứ nữa, Tây Bắc là vùng nghèo nhất trong cả nước. Nhìn vào danh sách 12 tỉnh Tây Bắc - phạm vi chỉ đạo trực tiếp của Ban Chỉ đạo Tây Bắc, có thể thấy, hầu hết các địa phương vẫn còn phải trông chờ vào “bầu sữa” nhà nước. Sự chủ động trong các kế hoạch cải thiện cơ sở hạ tầng, chính sách thu hút đầu tư của chính quyền các địa phương còn rất hạn chế. Các doanh nghiệp, đa số thực chất mới chỉ dừng ở mức quan tâm chứ chưa mặn mà với việc đầu tư.

PV: Thưa ông, vậy Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã có những đề xuất, tham mưu như thế nào để thúc đẩy việc đầu tư vào Tây Bắc?

- Ông Trương Xuân Cừ: Trước hết về mặt cơ chế, chính sách, Ban Chỉ đạo Tây Bắc tập trung chỉ đạo quyết liệt trong việc đổi mới, cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thông thoáng giúp các doanh nghiệp dễ dàng hơn trong việc đầu tư vào các địa phương.

Bên cạnh đó, Ban Chỉ đạo cũng tập trung cho công tác tuyên truyền, làm cho các doanh nghiệp nhận thấy rõ hơn những điều kiện thuận lợi, những lợi ích nếu đầu tư vào Tây Bắc, chỉ ra những tiềm năng to lớn của Tây Bắc, đặc biệt là trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, kinh tế biên mậu… Đồng thời chú trọng công tác quy hoạch, đặc biệt là quy hoạch theo từng tiểu vùng để tạo ra chiều sâu, tăng cường liên kết vùng...

PV: Theo ông, thì đâu là giải pháp tổng thể đối với việc thu hút nguồn vốn đầu tư vào Tây Bắc?

- Ông Trương Xuân Cừ: Tuy còn nhiều khó khăn, nhưng Tây Bắc có những tiềm năng lợi thế không phải vùng nào cũng có. Trong đó phải kể đến sự đa dạng về các loại hình kinh tế như thủy sản, du lịch, kinh tế rừng, kinh tế biên mậu... Vì vậy, bên cạnh việc thu hút vốn trong nước, cần chú trọng các nguồn vốn bên ngoài như: Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA); viện trợ của các tổ chức phi chính phủ (NGO)...

Nhằm cụ thể hóa Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội của cả nước giai đoạn 2011 - 2020, thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của Bộ Chính trị, Ban Chỉ đạo Tây Bắc đã xác định những mục tiêu, nhiệm vụ mang tính cấp bách, lâu dài. Một là, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển kinh tế, gắn với tăng cường an sinh xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh.

Hai là, phát huy có hiệu quả việc liên kết giữa các địa phương trong vùng, lựa chọn những ngành, lĩnh vực và lãnh thổ có vai trò động lực, để tập trung phát triển, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển cho cả vùng.

Ba là, tiếp tục xây dựng các chương trình, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư, cung cấp những căn cứ, thông tin, tiềm năng và cơ hội đầu tư, yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng để thu hút các nhà đầu tư trong, ngoài nước.

PV: Xin cảm ơn ông!

Minh Nhật - Bá Định (thực hiện)