Nhiều quy định chồng chéo đã được xử lý

Với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự nỗ lực triển khai của các bộ, ngành, trong thời gian qua công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã đạt được nhiều cải cách đáng kể, được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận. Có thể kể đến như: nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý và kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc ban hành mới theo hướng cải cách, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Tính đến nay, việc sửa đổi, bổ sung văn bản theo yêu cầu cơ bản gần hoàn thành.

Việc phương pháp quản lý rủi ro đã được áp dụng trong công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu ở những mức độ, hình thức khác nhau, thông qua việc áp dụng nhiều phương thức kiểm tra như: miễn kiểm tra, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm, tự công bố sản phẩm, kiểm tra xác suất, lấy mẫu xác suất… Nhiều thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành được điện tử hóa. Tính đến nay, hệ thống Cơ chế một cửa quốc gia đã có 249/261 thủ tục hành chính của 13 bộ, ngành kết nối, với trên 4,95 triệu bộ hồ sơ của hơn 55 nghìn doanh nghiệp.

Công tác xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành ngày càng được chú trọng. Ảnh: BN
Công tác xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành ngày càng được chú trọng. Ảnh: BN

Công tác xã hội hóa hoạt động kiểm tra chuyên ngành ngày càng được chú trọng. Nhiều tổ chức được chỉ định thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Nhiều quy định chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành cũng đã được xử lý. Cụ thể như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao 1 cơ quan kiểm dịch thực hiện kiểm tra đối với một mặt hàng phải áp dụng nhiều loại hình kiểm tra. Mặt hàng rađa nhập khẩu chỉ phải kiểm tra theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông thay vì phải chịu sự kiểm tra của cả Bộ Giao thông vận tải, như trước đây,…

Tỷ lệ lô hàng phải kiểm tra đã giảm còn hơn 14%. Trong lĩnh vực kiểm tra chất lượng, phần lớn hàng hóa nhóm 2 nhập khẩu được chuyển từ kiểm tra trước thông quan sang kiểm tra sau khi hàng hóa đã thông quan. Trong lĩnh vực kiểm tra an toàn thực phẩm, thực phẩm nhập khẩu chủ yếu chỉ phải kiểm tra hồ sơ thay vì lấy mẫu từng lô hàng để kiểm tra.

Ngoài ra, nhằm tạo bước đột phá trong công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, Tổng cục Hải quan đã tham mưu Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 phê duyệt đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu”.

Việc đổi mới mô hình kiểm tra chuyên ngành được kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí và thời gian, giúp tiết kiệm ngân sách thông qua việc cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm lô hàng phải kiểm tra, giảm thời gian thông quan hàng hóa; giúp nâng cao ý thức trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc tuân thủ pháp luật về chất lượng, về an toàn thực phẩm của hàng hóa.

Tiếp tục rà soát văn bản pháp luật

Theo ông Âu Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Giám sát, quản lý về hải quan (Tổng cục Hải quan), trong thời gian tới, cơ quan hải quan sẽ phối hợp với các bộ, ngành và các đơn vị liên quan tập trung rà soát văn bản pháp luật về quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu còn vướng mắc, bất cập, gây kéo dài thời gian, tăng chi phí cho hoạt động xuất nhập khẩu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung. Trong đó, cơ quan quản lý nhà nước rà soát, xem xét sửa đổi, bổ sung các luật chuyên ngành để giải quyết tận gốc vấn đề còn bất cập, vướng mắc.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan sẽ xây dựng danh mục hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý, kiểm tra chuyên ngành theo hướng: chuẩn hóa, mã hóa danh mục kèm theo mã số HS phù hợp với Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam; cắt giảm danh mục hàng hóa; rà soát, thống kê hàng hóa còn chồng chéo trong kiểm tra chuyên ngành để đề xuất biện pháp xử lý.

Khẩn trương hoàn thiện quy định kết nối và chia sẻ thông tin một cửa

Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) đang tiếp tục lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định về kết nối và chia sẻ thông tin trong lĩnh vực xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh người và phương tiện vận tải theo cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, cơ quan soạn thảo đã làm việc với 9 bộ, ngành để hoàn thiện danh mục chi tiết gồm 21 danh mục thông tin của từng bộ, ngành.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan tiếp tục triển khai các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung: hoàn thiện và triển khai dự thảo nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu; hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu triển khai mô hình mới; nâng cao nguồn lực của cơ quan hải quan để đáp ứng nhiệm vụ mới.

Đặc biệt, ngành Hải quan triển khai các thủ tục quản lý, kiểm tra chuyên ngành thực hiện thống nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cơ quan hải quan sẽ nỗ lực phối hợp với các bộ, ngành, đồng hành cùng doanh nghiệp, phấn đấu cải cách thủ tục kiểm tra chuyên ngành để giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.