Đây là khuyến nghị của ông Andrew Jefffries - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, trong cuộc trao đổi với phóng viên về chính sách tiền tệ ứng phó với lạm phát hiện nay của Việt Nam.

PV: Ông đánh giá như thế nào về chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát của Việt Nam tại thời điểm hiện tại?

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam: Việt Nam luôn cần “để mắt” tới lạm phát
Ông Andrew Jefffries

Ông Andrew Jefffries: Tính đến thời điểm hiện tại, Chính phủ Việt Nam đang kiểm soát các hoạt động tín dụng bằng cách đặt ra mức trần tín dụng cho các ngân hàng. Ngoài ra, Việt Nam đang hỗ trợ duy trì tỷ giá VNĐ so với USD bằng cách hút bớt nguồn ngoại tệ trôi nổi ngoài thị trường.

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã tăng một số lãi suất điều hành lên 1% điểm cơ bản. Tôi cho rằng, đây là một quyết định tương đối quyết liệt. Song, điều này cũng có thể lý giải là do ảnh hưởng của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) nhiều lần tăng lãi suất điều hành khiến nhiều nước cũng phải điều chỉnh theo. Tôi nghĩ rằng, cho đến thời điểm tại, chúng ta cần phải dành lời khen cho Ngân hàng Nhà nước vì đã xoay sở rất tốt trong hoàn cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, cụ thể là vấn đề lạm phát chịu ảnh hưởng nhiều bởi các yếu tố ngoại cảnh nằm ngoài tầm kiểm soát của Việt Nam.

Việt Nam đang hỗ trợ duy trì tỷ giá VNĐ so với USD bằng cách hút bớt nguồn ngoại tệ trôi nổi ngoài thị trường.
Việt Nam đang hỗ trợ duy trì tỷ giá VNĐ so với USD bằng cách hút bớt nguồn ngoại tệ trôi nổi ngoài thị trường.

Hơn thế nữa, Việt Nam vẫn tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh tế duy trì và phục hồi sau đại dịch. Tôi phải nói rằng, bối cảnh thế giới hiện tại đang rất phức tạp, nhưng Việt Nam đã làm rất tốt.

PV: Những động thái trên thị trường tiền tệ trong thời gian qua cho thấy sự quyết liệt của Chính phủ trong việc kiềm chế lạm phát, ổn định nền kinh tế. Tuy nhiên, có 1 số ý kiến cho rằng, chính sách tiền tệ thắt chặt có thể kìm hãm sự phát triển của kinh tế Việt Nam. Về vấn đề này quan điểm của ông thế nào, thưa ông?

Chính sách kiềm chế lạm phát chưa ảnh hưởng lớn tới tăng trưởng

“Mối nguy về hậu quả lâu dài của lạm phát toàn cầu đối với Việt Nam vẫn chưa thực sự xuất hiện và tăng trưởng GDP Việt Nam trong 9 tháng 2022 đạt 8,83% (mạnh hơn cả mức trước đại dịch),.. nên tôi nghĩ hiện tại, các chính sách thắt chặt hiện tại chưa gây ra nhiều ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế” - ông Andrew Jefffries nhận định.

Ông Andrew Jefffries: Như tôi đã nói, đây là một tình thế khó cho Việt Nam, bởi muốn kiểm soát lạm phát thì cần thắt chặt các chính sách tiền tệ. Điều này sẽ gây ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế cũng như làm chậm lại sự phát triển. Nhưng đồng thời, nếu để cho lạm phát tiếp tục tăng thì có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng hơn về lâu dài cho nền kinh tế.

Các biện pháp thắt chặt tín dụng hiện tại và những lần tăng lãi suất gần đây của Ngân hàng Nhà nước nhằm giữ cho mức lạm phát trong nước trong tầm kiểm soát và hiện tại lạm phát tại Việt Nam là khá thấp so với Mỹ và các quốc gia trong khu vực châu Âu và các nền kinh tế khác.

Tuy vậy, Việt Nam vẫn rất cần cảnh giác vì lạm phát vẫn đang có diễn biến phức tạp với những tác động từ căng thẳng địa chính trị trên thế giới và nhiều yếu tố bất ổn không thể lường trước được. Vì phải thắt chặt tín dụng như vậy, đối tượng vay vốn trong nước sẽ gặp khó khăn trong việc phát triển hoạt động kinh doanh trong giai đoạn vừa phục hồi từ đại dịch. Quả không phải là một vấn đề dễ để giải quyết một cách hài hòa cho tất cả các bên.

Mối nguy về hậu quả lâu dài của lạm phát toàn cầu đối với Việt Nam vẫn chưa thực sự xuất hiện. Tăng trưởng GDP Việt Nam trong 9 tháng 2022 đạt 8,83% (cao hơn cả mức trước đại dịch),... nên tôi nghĩ hiện tại, các chính sách thắt chặt chưa tạo ra nhiều ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế.

Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tình hình lạm phát thế giới tiếp tục tăng cao, đặc biệt tại khu vực châu Âu và Mỹ. Trong tháng 8/2022, lạm phát của khu vực đồng Euro tăng lên mức cao kỷ lục 9,1% so với cùng kỳ năm trước. Lạm phát tháng 8/2022 của Mỹ tăng 8,3%, tuy thấp hơn mức tăng 8,5% của tháng trước nhưng cao hơn kỳ vọng làm FED tiếp tục tăng lãi suất lần thứ 5 vào ngày 21/9/2022 để thắt chặt chính sách tiền tệ. Tại châu Á, lạm phát tháng 8/2022 của Thái Lan tăng 7,9%; Hàn Quốc tăng 5,7%; Indonesia tăng 4,7%; Nhật Bản tăng 3%; Trung Quốc tăng 2,5%. Việt Nam tiếp tục thuộc nhóm các nước có mức tăng lạm phát thấp so với mặt bằng chung khi CPI tháng 9/2022 tăng 3,94% so với cùng kỳ năm trước.

PV: Vậy theo ông, nếu như lạm phát vẫn tiếp tục đi lên, liệu Việt Nam có nên tiếp tục áp dụng được những chính sách này?

Ông Andrew Jefffries: Theo tôi, câu trả lời là có. Tăng trưởng kinh tế, cũng như sự phục hồi mạnh mẽ của các ngành công nghiệp quan trọng như sản xuất chế biến - chế tạo và xuất khẩu đều cho thấy những tín hiệu tích cực bất chấp các biến động trên thị trường quốc tế.

Song nên nhớ rằng, Việt Nam phải nhập khẩu rất nhiều nguyên liệu thô về để lắp ráp và sản xuất. Do đó, điều quan trọng là duy trì ổn định giá trị đồng tiền VND. Việc VND mất giá sẽ khiến nhập khẩu các nguyên, nhiên liệu đầu vào trở nên đắt đỏ hơn, đặc biệt là xăng dầu. Điều đó không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp, mà còn là nỗi lo của người tiêu dùng nội địa. Vì thế, Việt Nam cần rất thận trọng trong việc nắm bắt tình hình thị trường trong và ngoài nước, cũng như luôn ưu tiên cho việc kiềm chế lạm phát.

PV: Xin cảm ơn ông!

Giá USD tăng vọt sau khi Ngân hàng Nhà nước nới biên độ tỷ giá lên 5%

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức +/-3% lên +/-5%, áp dụng từ ngày 17/10/2022.

Theo Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và nhiều ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga-Ukraine làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.

Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động, linh hoạt áp dụng đồng bộ các công cụ, giải pháp, can thiệp để duy trì hoạt động ổn định, thông suốt của thị trường tiền tệ, ngoại hối, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ.

Để chủ động thích ứng trước diễn biến khó lường của thị trường quốc tế và định hướng tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất của Fed và các ngân hàng trung ương trên thế giới, Ngân hàng Nhà nước ban hành Quyết định số 1747/QĐ-NHNN quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép. Theo đó, biên độ tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam và Đô la Mỹ (USD) được điều chỉnh từ +/-3% lên +/-5%.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết, sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, sẵn sàng bán ngoại tệ can thiệp để để ổn định thị trường.

Sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước, trên thị trường tiền tệ trong nước ngày 18/10, tỷ giá USD trung tâm được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố ở mức 23.637 đồng/USD, tăng thêm 51 đồng mỗi USD so với phiên hôm trước.

Tỷ giá USD tại Vietcombank sáng ngày 18/10 cũng tăng 50 đồng mỗi USD so với phiên hôm trước, ghi nhận mức 24.130/24.160/24.440 đồng/USD (mua tiền mặt/mua chuyển khoản/bán ra)..