Bộ NN&PTNT

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: NNK

>> Bộ Nông nghiệp đề nghị doanh nghiệp giảm giá lợn hơi

>> Lượng thịt lợn đủ cung ứng cho nhu cầu trong nước

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường đã cho biết như vậy khi trả lời báo chí bên lề hội nghị trực tuyến thúc đẩy sản xuất nông nghiệp trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, do Bộ NN&PTNT tổ chức chiều ngày 12/3 tại Hà Nội.

PV: Bộ NN&PTNT đã khẳng định năm nay không thiếu thịt lợn và kêu gọi các doanh nghiệp (DN) giữ giá lợn hơi quanh mức 70.000 đồng/kg. Theo Bộ trưởng, dựa trên cơ sở nào để đưa ra mức giá này?

- Ông Nguyễn Xuân Cường: Đến thời điểm này có thể khẳng định chúng ta không thiếu nguồn thịt lợn và sẽ đảm bảo đưa giá xuống quanh mức 70.000 đồng/kg lợn hơi vì một số lý do:

Thứ nhất, đến thời điểm này dịch tả lợn châu Phi cơ bản đã được khống chế, 99% số xã đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Thứ hai hiện nay đàn giống lợn cụ, kỵ, ông bà có 110 nghìn con, có 2,7 triệu lợn nái và rất nhiều địa phương đang tái đàn tích cực hiệu quả thì không có lý do gì để thiếu thịt lợn trong thời gian tới.

Bộ NN&PTNT

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường

Bộ NN&PTNT đã yêu cầu 17 DN “dẫn dắt” – DN lớn về chăn nuôi phải đưa giá lợn hơi về mức 70.000 đồng. Lý do hiện nay giá thành sản xuất của DN khoảng 40 - 45.000 đồng/kg, như vậy khi đưa giá lợn giảm xuống ở mức 70.000 đồng/kg là phù hợp, nhằm bảo vệ cho thị trường phát triển bền vững. Nếu giá cao quá thì hàng hóa ở các thị trường khác tràn vào và lúc đó chính chúng ta đánh mất thị trường của mình.

Việc đưa giá lợn xuống mức hợp lý còn thể hiện chúng ta phải có ứng xử phù hợp để người tiêu dùng thấy giá hợp lý thì mới tiêu thụ sản phẩm này. Vì vậy, hôm nay chúng tôi khuyến nghị 17 DN chăn nuôi "hạt nhân" gương mẫu, đi đầu, tiên phong có giá định hướng để những cơ sở khác cũng đi theo và như vậy, sẽ giải quyết được câu chuyện về giá thịt lợn hiện nay.

PV: Bộ trưởng đã nhận được phản hồi nào của 17 DN về việc đưa giá lợn hơi xuống mức 70.000 đồng/kg?

- Ông Nguyễn Xuân Cường: Tôi tin một khi khuyến nghị đúng, yêu cầu đúng thì các DN sẽ phải ủng hộ. Lý do không phải ủng hộ ông bộ trưởng mà ủng hộ bảo vệ thị trường chăn nuôi lợn phát triển bền vững. Đó mới là điều quan trọng.

Nếu các “ông lớn” không chung tay thì nay mai chính họ đánh mất thị trường và hóa ra lại là “gậy ông đập lưng ông”. Do đó, chúng tôi tin tưởng DN sẽ đồng hành. Tuy nhiên, cùng với giải pháp giảm giá lợn, chúng ta cũng phải thực hiện đồng bộ một số giải pháp như kiểm soát thương mại biên giới thật chặt. Bên cạnh đó, giảm bớt khâu trung gian từ khâu sản xuất đến khâu tiêu dùng thì giá tiêu dùng đến người dân mới phù hợp.

PV: Khi có diễn biến mới về dịch Covid-19, nhiều người đã vội vã đi mua lương thực, thực phẩm tích trữ. Từ câu chuyện đó, Bộ trưởng có thấy việc củng cố thị trường trong nước, đảm bảo nguồn cung lương thực thực phẩm quan trọng như thế nào và được Bộ NN&PTNT đặt ra mục tiêu ra sao?

- Ông Nguyễn Xuân Cường: Trước hết khẳng định, trước tác động, biến động của tình hình khí hậu, trước tình hình rất nhiều nguy cơ rủi ro ở thế giới phẳng này thì những vấn đề rủi ro luôn luôn có nguy cơ xảy ra. Do đó chúng ta phải chủ động và bao gồm biện pháp tổng thể.

Phía cơ quan sản xuất, chúng tôi cam đoan rằng Bộ NN&PTNT dưới sự chỉ đạo của Chính phủ sẽ tập trung cùng các DN, địa phương và các thành phần kinh tế kiên quyết khắc phục những khó khăn thách thức về dịch bệnh, thời tiết, tổ chức thị trường để sản xuất có quy mô và hiệu quả cao nhất, đặc biệt cho 2 nhóm: lương thực và thực phẩm. Hai nhóm này rất quan trọng đối với việc ứng phó Covid-19, không chỉ phạm vi của Việt Nam mà còn của toàn cầu. Việt Nam có 100 triệu dân, nhu cầu rất lớn vì vậy trước hết phải đảm bảo trong mọi hoàn cảnh. Thứ hai phải thúc đẩy sản xuất cùng các yếu tố thị trường với các bộ khác để đảm bảo cung ứng đủ lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 hiện nay.

PV: Bộ NN&PTNT đang xác định tái cơ cấu 5 sản phẩm chủ lực của nông sản Việt Nam để đưa sản phẩm nông sản xuất khẩu đạt mục tiêu 42 tỷ USD trong năm nay. Vậy đối với việc mở rộng thị trường đã được Bộ tính toán như thế nào?

- Ông Nguyễn Xuân Cường: Trước tiên chúng ta phải ý thức liên tục tái cơ cấu mở rộng các loại thị trường. Ví dụ, thị trường gạo năm 2018 Trung Quốc chiếm 50% nhưng sau đó nhu cầu từ thị trường này giảm thì lập tức chúng ta chủ động điều chỉnh thị trường. Thứ hai chúng ta phải mở rộng thị trường khác. Hiện nay chúng ta đang tập trung vào các thị trường như Nga – đây là thị trường rất lớn với 140 triệu dân, Brazil 200 triệu dân. Song song đó, triển khai trên các thị trường nền tảng như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản.

Như vậy, chúng ta vừa mở rộng thị trường mới và với từng thị trường truyền thống cũng phải khai thác chất lượng hơn. Cùng với đó, trên nền tảng tổ chức lại sản xuất theo chuỗi một cách tốt nhất, đưa ra hàng hóa chất lượng tốt nhất với giá thành cạnh tranh nhất thì chúng ta không sợ “ế” hàng. Vấn đề là có sản xuất ra các sản phẩm mà thị trường yêu cầu hay không – đấy là trách nhiệm của Bộ NN&PTNT cùng các DN, hợp tác xã, bà con nông dân cùng các thành phần kinh tế khác và bộ khác để làm tốt điều này.

PV: Ngay trong bối cảnh dịch Covid-19, có hiện tượng các DN chế biến thực phẩm tăng trưởng mạnh, thậm chí có DN tăng trưởng từ 20 - 25% do tâm lý của người dân có nhu cầu dự trữ thực phẩm chế biến để được lâu. Nhìn ở khía cạnh tích cực, đây có phải hướng để cho ngành chế biến nông sản tăng trưởng?

- Ông Nguyễn Xuân Cường: Nếu chúng ta nhìn nhận thách thức rõ nét thì sẽ tìm ra cơ hội mới. Ví dụ, trong tháng 1, 2/2020, thị trường nông sản bị gián đoạn bởi thị trường Trung Quốc, các mặt hàng như rau quả, thanh long và dưa hấu bị ách tắc… thì lập tức chúng ta không chỉ chuyển đổi thị trường mà còn chuyển đổi cơ cấu về chế biến. DN, nông dân, và các thành phần đã vào cuộc và có rất nhiều sáng kiến.

Theo đó chúng ta đã hình thành những vùng sản xuất liên kết chặt hơn với các nhà máy lớn. Chúng ta có rất nhiều sự sáng tạo như bánh mì thanh long, dưa hấu bún… Sáng tạo này không nhìn ở góc độ "giải cứu" mà những hình thức này thể hiện rõ trí tuệ, sự sáng tạo sản xuất của người Việt Nam. Đây là hình thức phối chế thức ăn tạo ra sản phẩm mới thể hiện trong thách thức có cơ hội và chúng ta nhìn rõ cơ hội để thực hiện tốt.../.

PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Khánh Linh (ghi)