Chú trọng giảm phát thải khí nhà kính tại các khu, cụm công nghiệp

Diễn đàn Năng lượng sạch Việt Nam lần thứ hai do Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam và Trung tâm Thông tin năng lượng Việt Nam phối hợp với Cục Biến đổi khí hậu - Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Năng lượng - Bộ Công thương đồng tổ chức vào đầu tháng 4 vừa qua. Tại đây, ông Phạm Văn Tấn - Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu cho biết, đơn vị đang hoàn thiện Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu (BĐKH) đến năm 2050, trong đó sẽ cụ thể hóa mục tiêu đưa phát thải ròng về “0” vào năm 2050 theo đúng những gì Việt Nam đã cam kết tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26).

Giảm phát thải khí nhà kính để phát triển xanh bền vững
Giảm phát thải khí nhà kính để phát triển xanh bền vững. Ảnh TL minh họa.

Ông Tấn cũng nhấn mạnh, ngay từ bây giờ, Chính phủ cũng như các bộ, ngành, địa phương đã vào cuộc với quyết tâm rất cao nhằm đề xuất cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch; thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường thuận lợi, tận dụng các cơ hội huy động nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển hạ tầng biến đổi khí hậu, phát triển năng lượng tái tạo.

Tỉnh Hà Nam có 8 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với tổng diện tích trên 2.500ha, 7 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; 15 cụm công nghiệp với tổng diện tích 314ha, 13 cụm công nghiệp đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy 100%.

Để giảm phát thải khí nhà kính trong các khu, cụm công nghiệp, tỉnh Hà Nam đã dừng các dự án phát thải lớn gây ô nhiễm môi trường; không triển khai các dự án phát thải lớn như nhiệt điện; đôn đốc, hướng dẫn các nhà máy xi măng lắp đặt hệ thống thu hồi nhiệt phát điện.

Tỉnh Hà Nam cũng chú trọng công tác quan trắc môi trường; đôn đốc các cơ sở có nguồn thải lớn lắp đặt hệ thống quan trắc tự động và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Thời gian tới, tỉnh Hà Nam đang hướng tới triển khai dự án nghiên cứu các giải pháp chuyển đổi công nghệ sạch trong sản xuất công nghiệp. Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp trồng thêm nhiều cây xanh, nhất là các doanh nghiệp sản xuất xi măng, khai thác chế biến khoáng sản.

Đối với khu, cụm công nghiệp mới, tỉnh chú trọng đầu tư theo hướng hiện đại, sinh thái, chỉ thu hút doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường, ít gây ô nhiễm; xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải, không thải chất thải ra môi trường; nghiên cứu phát triển mô hình khu công nghiệp thân thiện với môi trường.

Với đường bờ biển dài trên 65km cùng hệ thống sông ngòi chằng chịt, Bến Tre là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề trước áp lực của BĐKH và nước biển dâng.

Để giảm phát thải khí nhà kính, tỉnh Bến Tre đã đưa 19 dự án điện gió bổ sung vào quy hoạch, với tổng công suất trên 1.000MW. Hiện đã có 5 dự án với công suất hơn 93MW được đưa vào vận hành thương mại. Bến Tre cũng đã trình bổ sung 26 dự án điện gió tổng công suất 6.418MW và dự án điện khí LNG 3.000MW vào Quy hoạch phát triển Điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, có xét đến năm 2045.

Thời gian tới, tỉnh Bến Tre sẽ triển khai các hoạt động giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực phù hợp với điều kiện của tỉnh, tận dụng các cơ hội của BĐKH để phát triển nền kinh tế theo hướng carbon thấp. Trong đó, tỉnh sẽ đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực năng lượng, đầu tư phát triển theo quy hoạch các nhà máy phát điện gió nối lưới, khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo trong sinh hoạt; thực hiện các giải pháp bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững đất rừng.

Giảm phát thải khí nhà kính từ xử lý rác thải và tiêu thụ điện năng

Ngoài việc giảm phát thải khí nhà kính tại các khu, cụm công nghiệp, tại nhiều địa phương cũng chú trọng việc giảm phát thải khí nhà kính từ việc tiêu thụ điện năng, xử lý rác thải, phương tiện tham gia giao thông chạy bằng xăng, dầu…

Là thành phố công nghiệp và đô thị lớn nhất cả nước, TP. Hồ Chí Minh có lượng tiêu thụ điện rất lớn. Theo đánh giá của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), mức tiêu thụ điện của các tòa nhà thương mại tại TP. Hồ Chí Minh đến năm 2030 có thể lên tới 14 tỷ kWh, tương đương với mức phát thải khí CO2 gần 12 triệu tấn. Cùng với đó, trong 5 năm gần đây, mỗi năm, TP. Hồ Chí Minh ghi nhận gần 10.000 tấn chất thải rắn được thải ra từ nhiều nguồn khác nhau nhưng chỉ có hơn 70% lượng chất thải này được thu gom, xử lý đúng quy trình, lượng chất thải còn lại không được xử lý triệt để đã trở thành nguồn phát sinh khí độc hại.

Bên cạnh đó, với tốc độ đô thị hóa cao, lượng xe cá nhân tham gia giao thông ngày càng đông đúc cũng đã tác động tiêu cực đến chất lượng không khí của thành phố này.

Theo kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu đến năm 2030 giảm 10% phát thải và tiến tới nền kinh tế carbon thấp. Do đó, TP. Hồ Chí Minh đang từng bước triển khai nhiều nhiệm vụ, kế hoạch thực hiện công tác quản lý về phát thải khí nhà kính. Cụ thể, thành phố thực hiện kiểm kê phát thải khí nhà kính trên 5 lĩnh vực, gồm: năng lượng cố định; giao thông; chất thải; quá trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; nông nghiệp, rừng và sử dụng đất.

Để đạt được những mục tiêu trên, TP. Hồ Chí Minh đã đặt ra nhiệm vụ trọng tâm cho từng ngành, nghề. Trong đó, thành phố đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong thu gom, xử lý nước thải, chất thải theo hướng tái sinh nhằm giảm phát thải khí nhà kính; quản lý, kiểm kê phát thải khí nhà kính; xây dựng kế hoạch giảm nhẹ phát thải khí nhà kính theo ngành và lĩnh vực…

Cùng với giảm phát thải khí nhà kính, Việt Nam cũng đang triển khai xây dựng các công cụ quản lý môi trường mạnh mẽ như hệ thống thông tin quản lý môi trường, các công cụ dự báo ô nhiễm - cảnh báo sự cố, ứng dụng công nghệ thời kỳ cách mạng 4.0 trong quản lý, phân tích và kiểm soát ô nhiễm môi trường… Với tất cả các giải pháp đã và đang thực hiện, Việt Nam đang hướng tới sự phát triển xanh bền vững trong tương lai.