VINARE – 30 năm đồng hành và phát triển cùng thị trường bảo hiểm Việt Nam VINARE cam kết tiếp tục “Gắn kết sức mạnh, cộng hưởng giá trị” với cổ đông, đối tác, khách hàng Kỳ vọng sức bật khả quan từ khối doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ

Ngày 28/4, Tổng công ty cổ phần Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam (VINARE - Mã Ck: VNR) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025.

Đảm bảo lãi từ kinh doanh, không chạy đua theo doanh số

Đại hội thông qua nhiều nội dung quan trọng như điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024, báo cáo kết quả kinh doanh năm 2024 và kế hoạch kinh doanh năm 2025, định hướng mục tiêu kế hoạch giai đoạn 2025 - 2029, phương án phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2024, bầu thành viên Hội đồng Quản trị và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2025 - 2030.

Trình bày phương hướng nhiệm vụ, hoạt động kinh doanh năm 2025 tại đại hội, lãnh đạo VINARE cho biết, thị trường bảo hiểm Việt Nam có cơ hội phát triển nhờ nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chiến lược phát triển mới và khuôn khổ pháp lý hoàn thiện.

Dự kiến tổng doanh thu phí bảo hiểm sẽ tăng nhẹ so với năm 2024, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ tăng 10% và bảo hiểm nhân thọ tăng 3%. Tuy nhiên, thị trường đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt, đặc biệt trong nghiệp vụ bảo hiểm tài sản sau khi áp dụng Nghị định 67/2023/NĐ-CP, khiến phí bảo hiểm bắt buộc đã giảm đáng kể so với trước đây. Vì vậy, các doanh nghiệp bảo hiểm gặp khó khăn trong việc đàm phán và duy trì mức phí, đồng thời hạn chế cơ hội tăng trưởng.

Thêm vào đó, thiên tai ngày càng nghiêm trọng và xu hướng giảm giá trên thị trường tái bảo hiểm quốc tế cũng sẽ tác động nhiều chiều đến hoạt động kinh doanh.

Phấn đấu doanh thu tăng trưởng đều đặn 8% hàng năm

Kế hoạch kinh doanh năm 2025 của VINARE đặt mục tiêu tổng doanh thu 3.594 tỷ đồng, tăng 8% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế tăng 8,1%, đạt 503 tỷ đồng và vượt mức đỉnh lợi nhuận từng đạt được năm 2023 (499,9 tỷ đồng). Từ 2026 - 2029, phấn đấu tăng trưởng tổng doanh thu 8%/năm, hàng năm căn cứ tình hình thực tế để rà soát, báo cáo Đại hội đồng cổ đông.

Trong năm 2025, VINARE đặt trọng tâm vào việc hoàn thành kế hoạch kinh doanh, triển khai đề án tái cấu trúc, phát triển sản phẩm dịch vụ mới, tăng cường năng lực tái bảo hiểm, chuỗi cung ứng giá trị cho khách hàng, quản lý chặt chẽ chi phí, rủi ro và nâng hạng tín nhiệm quốc tế.

Theo đó, VINARE tiếp tục chủ trương tăng cường quản trị rủi ro, mở rộng thị trường tái bảo hiểm, nâng cao năng lực cung cấp giá trị gia tăng như quản lý rủi ro, đào tạo, phát triển sản phẩm mới.

Trong lĩnh vực kinh doanh tái bảo hiểm, VINARE tuân thủ kỷ luật khai thác, lựa chọn rủi ro thận trọng, đảm bảo có lãi từ kinh doanh nghiệp vụ, không chạy đua theo doanh số.

Đại hội đồng cổ đông VINARE: Đưa lợi nhuận vượt mốc 500 tỷ đồng, giữ đà tăng trưởng 5 năm tới
Đồ hoạ: Ánh Tuyết.

Về đầu tư, VINARE tập trung nâng cao chất lượng danh mục, đảm bảo an toàn, thanh khoản và hiệu quả; giám sát chặt chẽ hoạt động ủy thác đầu tư và thường xuyên đánh giá rủi ro các khoản mục.

Về phương án phân phối lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ năm 2024 đạt 388,9 tỷ đồng, sau khi trích lập các quỹ và chi trả cổ tức, lợi nhuận lũy kế còn lại 710,8 tỷ đồng. Công ty dự kiến chi trả cổ tức năm 2024 với tỷ lệ 10% bằng tiền mặt và 10% bằng cổ phiếu.

Bão Yagi khó cản đà tăng trưởng của VINARE

Nhìn lại giai đoạn 2020 - 2024, Đại hội đồng cổ đông và Hội đồng quản trị của Tổng công ty thông qua mục tiêu tăng trưởng doanh thu tập trung vào các nghiệp vụ cốt lõi và chỉ triển khai nghiệp vụ bảo hiểm liên kết với các tổ chức tín dụng khi đảm bảo có lãi.

Kết quả, Tổng công ty đạt mức tăng trưởng bình quân của các nghiệp vụ cốt lõi là 11,8%, vượt kế hoạch đề ra là 9%. Về vốn điều lệ, tính đến cuối năm 2024, vốn điều lệ của VINARE đạt 1.823,9 tỷ đồng. Tổng công ty tiếp tục đề xuất Đại hội đồng cổ đông thông qua việc tăng vốn thêm 10%, tương đương với việc tăng vốn điều lệ lên 2.006 tỷ đồng, hoàn thành mục tiêu đạt 2.000 tỷ đồng.

Đại hội đồng cổ đông VINARE
Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 của Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia VINARE. Ảnh: Ánh Tuyết.

Nhìn lại dấu ấn năm 2024, theo Chủ tịch VINARE Nguyễn Anh Tuấn, Hội đồng Quản trị đã chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung được Đại hội đồng cổ đông giao, bao gồm việc chi trả cổ tức bằng tiền với tỷ lệ 10% và chi trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 10%, đồng thời đăng ký tăng vốn với Bộ Tài chính và sửa đổi điều lệ.

Cùng với đó, dù ngành bảo hiểm nói chung và VINARE đối mặt với những thách thức từ bão Yagi, nhưng Tổng công ty linh hoạt điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận trước thuế 2024 theo nguyên tắc đảm bảo hoàn thành kế hoạch kinh doanh 5 năm 2020 - 2024 đã được đại hội thông qua.

Lợi nhuận có thể vượt mốc 700 tỷ đồng nếu không ảnh hưởng bởi bão Yagi

"Vào tháng 9/2024, thị trường hứng chịu tổn thất nặng nề từ cơn bão Yagi – tổn thất thiên tai lớn nhất từ trước đến nay ảnh hưởng đến thị trường bảo hiểm Việt Nam, với số ước tổn thất lên đến hơn 400 triệu USD, tương đương nửa phí bảo hiểm nghiệp vụ tài sản trong năm tài chính. Lợi nhuận trước thuế VINARE đạt 465,3 tỷ đồng, bằng 100,5% kế hoạch, phản ánh nỗ lực đáng kể của Tổng công ty. Nhiều ý kiến cho rằng nếu không có bão Yagi, lợi nhuận có thể đạt hơn 700 tỷ đồng. Ngoài trừ bão Yagi, không có tổn thất nào đáng kể" - ông Dũng chia sẻ.

Về vấn đề này, theo Tổng Giám đốc VINARE Mai Xuân Dũng, ngay sau bão, lãnh đạo VINARE và lãnh đạo một số doanh nghiệp bảo hiểm đối tác đã tới hiện trường, phối hợp với các khách hàng mua bảo hiểm và các đơn vị giám định động viên, chỉ đạo công tác giám định để sớm khắc phục các thiệt hại do bão gây ra.

VINARE kịp thời cập nhật số liệu ước bồi thường các tổn thất do bão số 3 gây ra và phản ánh kết quả trên báo cáo tài chính quý III/2024.

Tính chung cả nền kinh tế, bão Yagi gây thiệt hại lên tới hơn 81.000 tỷ đồng. Mặc dù tổng bồi thường thuộc trách nhiệm nhận tái bảo hiểm của VINARE do bão Yagi gây ra là 570 tỷ đồng và bồi thường thuộc trách nhiệm giữ lại là 288 tỷ đồng và được ghi nhận đầy đủ phản ánh trên báo cáo tài chính nhưng Tổng công ty đạt được lợi nhuận trước thuế hơn 465 tỷ đồng.

Cũng theo ông Dũng, trong tổng số 7 tổn thất lớn, bão Yagi gây ra 5 vụ trong số đó, chủ yếu ảnh hưởng đến nghiệp vụ bảo hiểm tài sản và kỹ thuật do các đối tượng bảo hiểm cố định. Trong khi đó, bảo hiểm hàng hải chỉ ghi nhận tổn thất nhỏ, khoảng 16 tỷ đồng.

Điểm đáng chú ý, bảo hiểm thân tàu biển năm 2024 đã đạt được điểm hòa vốn dù chưa thể xác định liệu tổn thất từ bảo hiểm thân tàu biển thời gian tới có tăng hay không và việc cạnh tranh cắt giảm phí liệu có tiếp diễn./.