Giảm thuế, phí - “liều thuốc” hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế
Nguồn: Quốc hội. Đồ họa: Phương Anh

PV: Để tiếp tục hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế, mới đây, Chính phủ tiếp tục đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng 2% trong 6 tháng đầu năm 2024. Ông đánh giá tác động của chính sách này hỗ trợ tăng trưởng kinh tế những tháng đầu năm 2024 ra sao?

Giảm thuế, phí - “liều thuốc” hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Có thể thấy, dự báo tình hình doanh nghiệp còn nhiều khó khăn trong năm 2024, tuy lạm phát trên thế giới đã giảm, nhưng giảm chậm, lãi suất vẫn cao... Vì thế, hoạt động giao thương quốc tế sẽ gặp không ít thách thức, mặc dù các doanh nghiệp trong nước đã có thời gian để tìm kiếm thị trường, mở rộng hoạt động xuất nhập khẩu.

Trước thực trạng đó, Chính phủ trình Quốc hội tiếp tục giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong 6 tháng đầu năm 2024, việc giảm thuế GTGT sẽ giúp giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng trong nước.

Trong năm 2024, việc giảm thuế GTGT 2%, cùng với giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu giúp cho doanh nghiệp ổn định phát triển và tăng trưởng kinh tế tốt hơn. Tuy nhiên, Chính phủ cần xem xét cụ thể để hỗ trợ các doanh nghiệp ở cả góc độ chính sách tài khóa, cũng như chính sách tiền tệ.

Tôi cho rằng, việc ổn định kinh tế vĩ mô, ổn định tỷ giá rất quan trọng, giúp xuất nhập khẩu và sản xuất kinh doanh trong nước có thể ổn định cung - cầu, cũng như đẩy mạnh được tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm 2024.

PV: Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 với mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%. Theo ông, mục tiêu tăng trưởng này có khả thi trong bối cảnh nền kinh tế trong nước và thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, thách thức?

Chính phủ và doanh nghiệp phải đẩy mạnh chuyển đổi số

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, về dài hạn, Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó, góp phần tiết kiệm chi phí cũng như tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho nền kinh tế. Đồng thời, doanh nghiệp phải đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh xanh, sạch theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trong năm 2024, nền kinh tế thế giới dự báo vẫn còn nhiều khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, điều này đòi hỏi sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Về phía Chính phủ, cần hỗ trợ một cách tối đa cho hoạt động phục hồi và tăng trưởng của doanh nghiệp.

Đến nay, các doanh nghiệp đã có thời gian để nắm bắt lại thị trường trong nước, đáp ứng được mong muốn của người tiêu dùng. Đồng thời, các doanh nghiệp xuất khẩu dần lấy lại thị trường truyền thống, mở rộng thị trường xuất khẩu với những quốc gia mà Việt Nam ký Hiệp định thương mại tự do và các quốc gia khác trên thế giới.

Theo tôi, so với khó khăn của nền kinh tế trong nước năm 2023 và khả năng đạt được mức tăng trưởng GDP năm 2023 tương đối tốt, thì có thể tin tưởng mục tiêu tăng trưởng GDP 6 - 6,5% năm 2024 có thể thực hiện được, giúp cho nền kinh tế bắt nhịp giai đoạn của năm tiếp theo để hoàn thành mục tiêu giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2021 - 2030 mà Quốc hội, Chính phủ đã đề ra.

PV: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2024 theo mục tiêu đề ra, cần chú trọng những động lực nào, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Trước hết, về dài hạn, để tăng trưởng và phát triển bền vững hơn, tôi cho rằng, Chính phủ cũng như doanh nghiệp cần phải đẩy mạnh chuyển đổi số. Từ đó, góp phần tiết kiệm chi phí, cũng như tạo động lực tăng trưởng và phát triển mới cho nền kinh tế. Thứ hai, doanh nghiệp cần phải bảo vệ môi trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh xanh, sạch theo tiêu chuẩn của các quốc gia phát triển. Hiện nay, xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn, vì chưa đáp ứng được những yêu cầu sản xuất xanh, sạch, bảo vệ môi trường.

Giảm thuế, phí - “liều thuốc” hiệu quả hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Tiếp theo, phải tạo ra được những mặt hàng mang tính thuần Việt, qua đó kết nối doanh nghiệp lớn với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, để có những sản phẩm “made in Vietnam” đáp ứng được yêu cầu về chất lượng, hình thức mẫu mã để thâm nhập được vào thị trường thế giới.

Cùng với đó, phát triển khoa học công nghệ, ứng dụng và nâng cao hiệu quả máy móc, thiết bị công nghệ trở thành một trong những động lực quan trọng để nâng cao năng suất lao động, vượt qua mức thu nhập trung bình, đây là một trong những đòi hỏi đối với tất cả các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…

Còn trong ngắn hạn, cần kết nối giữa doanh nghiệp FDI với doanh nghiệp Việt Nam để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu mà các doanh nghiệp FDI đang có. Từ đó phát huy được thế mạnh của các doanh nghiệp Việt Nam trong các chuỗi giá trị đó. Đồng thời, tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô để giúp cho hoạt động xuất nhập khẩu, cũng như các cân đối lớn của nền kinh ổn định thì mới có thể phát triển trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn.

Bên cạnh đó, ổn định giá trị VND và nâng cao giá trị so với đồng USD. Đây là điều kiện để thu hút đầu tư nước ngoài nhiều hơn, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ lạm phát ở mức thấp.

Ngoài ra, nắm bắt lại thị trường xuất khẩu truyền thống và mở rộng thị trường xuất khẩu, đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng trong nước. Hiện nay, nhu cầu thị trường trong nước rất lớn, với 100 triệu dân, đây là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt. Cuối cùng, cần xem xét ứng dụng và thực hiện Việt Nam hóa các nguồn nguyên vật liệu trong nước cho hoạt động sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề, trở thành một trong những đòi hỏi mạnh mẽ trong thời gian tới để thực hiện việc bảo vệ môi trường, thực hiện phát triển kinh tế tuần hoàn cũng như đáp ứng được các yêu cầu về nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chính sách thuế, phí được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao

PGS.TS Trọng Thịnh cho hay, trong năm 2023, các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều khó khăn, một số ngành hàng không có đơn hàng và một số mặt hàng xuất khẩu giảm so với năm trước. Chính vì vậy, những tháng cuối năm, các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhưng tăng trưởng vẫn thấp hơn năm 2022. Bên cạnh đó, có thể thấy tiêu dùng trong nước năm 2022 tăng trưởng ở mức cao, nhưng bước sang năm 2023, tiêu dùng rất thấp, cho thấy đầu ra của các doanh nghiệp rất khó khăn. Vì vậy, trong năm 2023, Chính phủ và Quốc hội đã có những chính sách tài khóa để hỗ trợ trực tiếp cho các doanh nghiệp sản xuất cũng như kích cầu tiêu dùng và hỗ trợ hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ 10% xuống 8% cho nhiều mặt hàng; giảm 36 loại phí, lệ phí; giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước… qua đó, giúp giảm chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, hạ giá thành sản phẩm, kích cầu tiêu dùng. Đồng thời, Chính phủ tăng lương cho công chức, viên chức, trên cơ sở đó tạo điều kiện để người dân có thêm thu nhập và đẩy mạnh chi tiêu cho nền kinh tế, hỗ trợ trực tiếp doanh nghiệp, tạo vòng quay vốn và giảm chi phí sản xuất kinh doanh. Có thể nói, chính sách miễn giảm thuế, phí được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá rất cao.