PGS.TS Lê Xuân Trường

PV: Từ 0h ngày 11/7, liên Bộ Công thương - Tài chính đã điều chỉnh giảm đồng loạt giá bán lẻ xăng và dầu diesel ở mức hơn 3.000 đồng/lít, trong đó, việc giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn theo nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH). Ông đánh giá như thế nào về tác động của việc giảm thuế xăng, dầu đến việc thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế của năm 2022?

PGS .TS Lê Xuân Trường: Xăng, dầu là một trong những yếu tố đầu vào quan trọng của nhiều lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Giá xăng dầu có ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải và các lĩnh vực sản xuất khác có sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Xăng dầu cũng là mặt hàng thiết yếu đối với đại bộ phận dân chúng khi phương tiện di chuyển là xe máy, ô tô hầu hết sử dụng loại nhiên liệu này.

Khi giá xăng dầu tăng quá cao do bị ảnh hưởng bởi thị trường thế giới thì tạo ra áp lực lạm phát. Hiển nhiên, giảm thuế BVMT đối với xăng dầu có tác động trực tiếp làm giảm giá xăng dầu. Điều này chắc chắn sẽ góp phần kiềm chế lạm phát. Việc lạm phát được kiềm chế sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, để xác định đóng góp cụ thể của yếu tố này có thể góp phần kiềm chế lạm phát và tăng trưởng kinh tế là bao nhiêu, cần có nghiên cứu cụ thể với cơ sở dữ liệu đầy đủ, có tính đến tác động của thuế trong cân bằng tổng thể của nền kinh tế.

Giảm giá xăng, dầu tác động tích cực đến ổn định giá hàng hóa, kiểm soát lạm phát. Ảnh: Tuấn Nguyễn
Giảm giá xăng, dầu tác động tích cực đến ổn định giá hàng hóa, kiểm soát lạm phát. Ảnh: Tuấn Nguyễn

PV: Cùng với giảm thuế BVMT, Bộ Tài chính cũng đang đề xuất điều chỉnh mức thuế suất thuế nhập khẩu MFN (tối huệ quốc) đối với xăng từ 20% xuống 12%, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với xăng và giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với xăng dầu. Ông có bình luận gì về các đề xuất giải pháp này của Bộ Tài chính?

PGS .TS Lê Xuân Trường: Với giải pháp giảm thuế BVMT đã thực hiện, thì thuế BVMT đã giảm kịch khung. Như vậy, nếu thấy cần thiết tiếp tục giảm thuế để thực hiện mục tiêu bình ổn giá thì đương nhiên chỉ còn dư địa về thuế nhập khẩu, thuế TTĐB và GTGT. Trong đó, dư địa nằm chủ yếu ở thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT, bởi lẽ, tuy thuế suất thuế nhập khẩu MFN còn khá cao có thể giảm sâu, nhưng tỷ trọng xăng dầu nhập khẩu có xuất xứ từ nước áp dụng thuế suất MFN rất nhỏ, chỉ khoảng 10% lượng xăng dầu nhập khẩu. Xăng dầu thành phẩm vẫn nhập khẩu chủ yếu từ ASEAN và Hàn Quốc (vốn đã áp dụng thuế suất thuế nhập khẩu 0%).

Nếu như cân đối tổng thể nhiều yếu tố (tác động kiềm chế lạm phát, tác động đến thu ngân sách nhà nước, vấn đề chênh lệch giá xăng dẫn đến áp lực chống buôn lậu…) thì thấy rằng, tiếp tục giảm thuế TTĐB và thuế GTGT đương nhiên là giải pháp rất đáng hoan nghênh. Điều này thể hiện trách nhiệm rất cao của Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu áp dụng chính sách tài khóa có lợi nhất cho tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội.

Giá xăng dầu đồng loạt giảm kể từ 0h ngày 11/7

Liên Bộ Công thương - Tài chính quyết định giảm mạnh giá xăng đến hơn 3.000 đồng/lít, kể từ 0h ngày 11/7, kéo giá xăng xuống dưới ngưỡng 30.000 đồng/lít.

Cụ thể, xăng E5RON92 giá bán không cao hơn 27.788 đồng/lít (giảm 3.103 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 1.886 đồng/lít. Xăng RON95-III giá bán không cao hơn 29.675 đồng/lít (giảm 3.088 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Dầu diesel 0.05S giá bán không cao hơn 26.593 đồng/lít (giảm 3.022 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Dầu hỏa giá bán không cao hơn 26.345 đồng/lít (giảm 2.008 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành). Dầu mazut 180CST 3.5S giá bán không cao hơn 17.712 đồng/kg (giảm 2.010 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

PV: Với việc giảm các loại thuế như nêu trên sẽ tác động không nhỏ đến thu ngân sách nhà nước. Cụ thể như giảm thuế BVMT với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn sẽ giảm thu hơn 7.000 tỷ đồng; hay giảm thuế TTĐB, thuế GTGT sẽ làm giảm thu thêm khoảng 38.000 tỷ đồng nữa. Trong điều kiện chúng ta cần nguồn lực lớn để khôi phục, phát triển kinh tế, điều này có đáng lo ngại không, thưa ông?

PGS .TS Lê Xuân Trường: Điều này sẽ đáng lo ngại nếu như chúng ta không có giải pháp đồng bộ và phù hợp để đảm bảo bù đắp nguồn thu bị giảm này. Ngược lại, sẽ không đáng lo ngại nếu như chúng ta có giải pháp đồng bộ và phù hợp để bù đắp nguồn giảm thu, chẳng hạn như mở rộng cơ sở thuế bằng cách khai thác các nguồn thu tiềm năng, tăng cường chống thất thu thuế…

Đồng thời, cần lưu ý rằng, khi giá dầu thô trên thị trường thế giới tăng thì chúng ta cũng tăng nguồn thu từ dầu thô. Như vậy, một phần hụt thu từ giảm thuế đối với xăng dầu đã tự động được bù đắp lại do tăng thu từ dầu thô. Mặc khác, giảm thuế cũng được xem là động thái nuôi dưỡng nguồn thu (nếu giảm phù hợp), sẽ tạo điều kiện tăng trưởng kinh tế, qua đó, tạo nguồn thu ngân sách trong tương lai.

PV: Trong bối cảnh giá xăng dầu còn diễn biến phức tạp và khó đoán định do những bất ổn của tình hình địa chính trị thế giới, chúng ta vẫn phải “co kéo” giữa nhiều mục tiêu, vừa phải kiểm soát lạm phát, vừa thúc đẩy tăng trưởng và ổn định đời sống cho người dân. Vậy theo ông, phải làm gì để bình ổn được giá xăng dầu trong nước để đạt được các mục tiêu đã đặt ra?

PGS .TS Lê Xuân Trường: Muốn bình ổn được giá xăng dầu trong nước thì việc quan trọng đầu tiên là phải làm tốt công tác dự báo. Dự báo càng sát với diễn biến của thị trường thế giới thì càng chủ động sử dụng các công cụ phù hợp, ở mức độ phù hợp và trong thời kỳ hoặc thời điểm phù hợp.

Tất nhiên, đây là một công việc vô cùng khó khăn do những diễn biến phức tạp của nhiều yếu tố tác động đến giá xăng dầu trên thị trường thế giới. Trên cơ sở dự báo diễn biến giá xăng dầu trên thị trường thế giới, chúng ta có thể sử dụng biện pháp về thuế hoặc sử dụng quỹ bình ổn (tăng, giảm, dừng trích lập quỹ bình ổn hoặc xác định mức độ sử dụng quỹ bình ổn phù hợp trong trường hợp giá tăng). Khi áp dụng biện pháp giảm thuế thì cần lưu ý áp dụng đồng thời các giải pháp khai thác tăng thu nguồn khác và giải pháp về chi ngân sách một cách thích hợp.

PV: Xin cảm ơn ông!