Hà Nội có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200-300 ha
Bí thư Thành ủy Hà Nội và các đại biểu dự hội nghị tiếp xúc cử tri. Ảnh: VT

Đó là thông tin tại chương trình tiếp xúc với cử tri nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khoá XV do ông Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội cùng các đại biểu Quốc hội đã tiếp xúc với cử tri quận Hoàng Mai chiều 12/10.

Nêu ý kiến, kiến nghị liên quan đến vấn đề nhà ở xã hội, cử tri Trịnh Văn Bảy (phường Hoàng Liệt) kiến nghị cho phép chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có quyền lựa chọn việc sử dụng 20% quỹ đất dự án để xây dựng nhà ở xã hội hoặc chuyển đổi quỹ đất 20% dành cho phát triển nhà ở xã hội sang một khu vực khác nhưng vẫn bảo đảm tính đồng bộ về không gian, cảnh quan, phân khúc khách hàng.

Ngoài ra, cho phép các dự án xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị có thể lựa chọn việc dành 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội hoặc đổi quỹ đất 20% trong dự án bằng tiền để nộp ngân sách Nhà nước để địa phương sử dụng phát triển nhà ở xã hội.

Ông Trịnh Văn Bảy kiến nghị cho phép UBND cấp tỉnh quyết định % diện tích đất dành cho phát triển nhà ở xã hội trong dự án thương mại, khu đô thị để phù hợp với quy hoạch, định hướng phát triển của địa phương từng khu vực; cho phép UBND cấp tỉnh xem xét việc bố trí quỹ nhà ở xã hội vào một ô đất độc lập, đơn lẻ theo quy hoạch để làm khu nhà ở xã hội.

Theo Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng, phát triển nhà ở xã hội là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, tuy nhiên trong quá trình thực hiện còn có nhiều bất cập, trong đó có việc sử dụng quỹ đất 20% của các khu đô thị. Nếu khu đô thị chỉ có khoảng 2 héc ta thì 20% sẽ rất nhỏ, việc đầu tư nhà ở xã hội dễ manh mún, thiếu động bộ. Do đó, hiện nay, thành phố đã kiến nghị với Chính phủ cho phép xây dựng các khu nhà ở xã hội tập trung.

Đây cũng là hướng thành phố điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, trong đó có thể bố trí những khu nhà ở xã hội tập trung với diện tích lên tới 200 - 300 ha. Thành phố còn dự định sẽ chi ngân sách để đầu tư các công trình hạ tầng xã hội như trường học, trạm y tế vừa bảo đảm đồng bộ, vừa giúp hạ giá thành nhà ở cho người dân...

Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, năm 2022, TP. Hà Nội đã đẩy mạnh phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội. 9 tháng qua, các chỉ số kinh tế đều đạt mức cao, trong đó tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 9,69% (cả nước tăng 8,83%), thu ngân sách nhà nước trên địa ước đạt 78,3% so với dự toán, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2021. Kết quả của thành phố có phần đóng góp quan trọng của Đảng bộ và nhân dân quận Hoàng Mai đã hoàn thành toàn diện trên các lĩnh vực.