Chương trình số 04-CTr/TU: Diện mạo nông thôn Hà Nội đổi thay tích cực
Chương trình số 04-CTr/TU: Diện mạo nông thôn Hà Nội đổi thay tích cực.

Đó là thông tin tại Hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội khoá XVII, tổ chức ngày 21/4.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến cho biết, để hoàn thành thực hiện các nhiệm vụ của TP. Hà Nội nửa đầu nhiệm kỳ, Hà Nội triển khai thực hiện bài bản, tích cực 10 chương trình công tác lớn toàn khóa, trong đó có Chương trình số 04 -CTr/TU về “Đẩy mạnh thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 - 2025” - (Chương trình số 04).

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, đã có 23/33 chỉ tiêu của Chương trình số 04 vượt kế hoạch, hoàn thành kế hoạch. Cụ thể, có 100% số xã (382/382 xã) đạt chuẩn nông thôn mới; đang hoàn thiện hồ sơ trình trung ương công nhận 3 huyện còn lại đạt chuẩn nông thôn mới; có 111 xã nông thôn mới nâng cao; 20 xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 0,17% ; có 2.167 sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) được công nhận; có 100% tỷ lệ các xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ

Đến nay, 100% các thôn được phủ sóng di động 3G/4G/5G hoặc internet băng rộng; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; 100% chất thải y tế được xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường; 95% cụm công nghiệp, cụm công nghiệp làng nghề có trạm xử lý nước thải; 88% gia đình được công nhận và giữ vững danh hiệu gia đình văn hóa; tốc độ tăng trưởng bình quân của giá trị sản xuất nông - lâm - thuỷ sản năm 2022 đạt 3,03%...

Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, trong hơn 2 năm qua, Hà Nội đã huy động được từ nguồn xã hội hoá 2.741,6 tỷ đồng để thực hiện Chương trình số 04-CTr/TU, trong đó kinh phí do nhân dân đóng góp là 688,2 tỷ đồng.

Thành phố phấn đấu đến năm 2025 sẽ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 100% huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu…

“Hà Nội sẽ ưu tiên bố trí vốn đầu tư cho các địa bàn khó khăn để góp phần thu hẹp khoảng cách trong xây dựng nông thôn mới giữa các địa phương, bảo đảm tính bền vững trong xây dựng nông thôn mới…” - bà Tuyến nói.

Giai đoạn 2023 - 2025, Hà Nội hướng đến mục tiêu xây dựng nông thôn hiện đại, dân chủ, văn minh; có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ theo tiêu chí đô thị; môi trường xanh, sạch, đẹp; đời sống văn hoá lành mạnh, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc.