Trước đề nghị của Bộ Công Thương về việc đảm bảo nguồn cung ứng trong dịp Tết Nguyên đán 2017 và không để xảy ra tình trạng găm hàng sốt giá, các Sở Công Thương các tỉnh, thành phố đã triển khai các giải pháp bình ổn thị trường.
Các hoạt động này tập trung vào các hoạt động như bảo đảm hàng hóa thiết yếu; tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, kích cầu tiêu dùng.
Theo Sở Công Thương Hà Nội, thành phố đã chủ động xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa cho các tháng trong năm; riêng hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán tăng từ 10 - 15% so với các tháng trong năm.
Sở Công Thương Hà Nội dự kiến, thành phố sẽ dành 23.130 tỷ đồng để chuẩn bị nguồn hàng phục vụ Tết Nguyên đán, tăng 10% so với kế hoạch dự trữ năm 2016.
Ngoài ra, để hàng hóa đến tận tay người tiêu dùng, không xảy ra tình trạng thiếu hàng, sốt giá, bên cạnh việc bảo đảm hàng hóa dồi dào tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ, Sở Công Thương Hà Nội còn tổ chức các đợt bán hàng lưu động về khu vực nông thôn, khu công nghiệp; các hội chợ hàng Việt trên địa bàn…
Đại diện cho các doanh nghiệp trên địa bàn, Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết, ngoài hàng hóa do các đơn vị thành viên trực tiếp sản xuất như thịt gia súc, gia cầm, thực phẩm đóng hộp, giò, chả, bánh chưng, rượu..., Hapro sẽ khai thác hàng hóa từ các nhà cung cấp có uy tín, bảo đảm nguồn hàng phong phú, có nguồn gốc rõ ràng, niêm yết giá đầy đủ.
Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ cung ứng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2017 sẽ tăng 5% so với năm ngoái.
Tại Tp. Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp cũng đã chuẩn bị lượng hàng tăng từ 15 - 20% so với kế hoạch thành phố giao. Tổng cộng, sẽ có hơn 17.000 tỷ đồng hàng hóa được dự trữ, sản xuất và cung ứng trong hai tháng Tết (riêng hàng bình ổn chiếm gần 7.000 tỷ đồng).
Nhiều nhóm hàng như thịt gia cầm, đường, trứng gia cầm, thực phẩm chế biến, thịt gia súc, dầu ăn, gạo… được chuẩn bị với khối lượng lớn, chi phối 35 - 52% nhu cầu thị trường.
Theo Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh, với sự chuẩn bị chu đáo như vậy, giá cả hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết sẽ ổn định.
Thành phố sẽ tổ chức hơn 1.500 đợt khuyến mãi với tổng giá trị khoảng 1.200 tỷ đồng, tập trung ở các mặt hàng nước giải khát, bánh kẹo, mứt, quần áo… để người dân được mua hàng hóa với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu dịp cuối năm.
Đặc biệt, Sở Công Thương Tp. Hồ Chí Minh còn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, ban, ngành liên quan tổ chức các hoạt động kết nối tiêu thụ giữa các cơ sở sản xuất sơ chế, chế biến đóng gói thực phẩm đã được chứng nhận áp dụng thực hành sản xuất tốt, chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm với các cơ sở kinh doanh, phân phối thực phẩm sạch .
Cùng đó, tổ chức các hội chợ thực phẩm, nông lâm thủy sản an toàn dịp giáp Tết để cung cấp và giới thiệu đến người dân những nguồn thực phẩm sạch, an toàn./.
Theo TTXVN