![]() |
Giảm thuế giá trị gia tăng vừa giảm áp lực chi tiêu cho người dân, vừa tiếp động lực cho doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Đức Thanh |
Trợ lực cho sản xuất, kinh doanh
Ngày 30/6/2025, Chính phủ ban hành Nghị định số 174/2025/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 204/2025/QH15 ngày 17/6/2025 của Quốc hội (Nghị định 174). Nghị định có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đến hết ngày 31/12/2026.
Cụ thể, Nghị định 174 quy định giảm thuế giá trị gia tăng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: Viễn thông, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, sản phẩm kim loại, sản phẩm khai khoáng (trừ than); sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng).
Nghị định cũng nêu rõ, việc giảm thuế giá trị gia tăng cho từng loại hàng hóa, dịch vụ được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I và II ban hành kèm theo nghị định này thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng hoặc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 5% theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng, thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và không được giảm thuế giá trị gia tăng.
Về mức giảm thuế giá trị gia tăng, Nghị định nêu rõ: Cơ sở kinh doanh tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định nêu trên.
Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế giá trị gia tăng theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế giá trị gia tăng quy định nêu trên.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm thuế giá trị gia tăng lần này sẽ giảm thu ngân sách nhà nước khoảng trên 121.000 tỷ đồng. Trong đó, 6 tháng cuối năm 2025 sẽ giảm trên 39.540 tỷ đồng đã được cân đối trong dự toán thu và năm 2026 sẽ giảm thêm trên 82.000 tỷ đồng. Mặc dù việc thực hiện giảm thuế từ năm 2022 tác động làm giảm nguồn thu, nhưng ngân sách nhà nước thu năm sau tăng hơn năm trước và đều thu vượt dự toán nhờ việc giảm thuế đã hỗ trợ được sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế trong 3 năm qua.
Tạo “cú huých kép” cho cả người dân và doanh nghiệp
Nêu quan điểm về vấn đề giảm thuế giá trị gia răng 2%, đại biểu Quốc hội Trần Khánh Thu (đoàn Thái Bình) khẳng định, việc giảm thuế giá trị gia tăng sẽ là liều thuốc kích thích hoạt động sản xuất, kinh doanh, là sự động viên của Đảng và Nhà nước với người dân và doanh nghiệp khi bắt tay vào thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới, tiến tới hoàn thành chiến lược phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2030.
Còn ông Võ Thành Đàng - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế còn đối diện với những diễn biến khó lường, quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng lần này được kéo dài đến 31/12/2026 là chủ trương rất đúng đắn. Việc giảm thuế kéo dài 1,5 năm, so với mỗi 6 tháng như trước đây sẽ giúp doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể hoạch định chiến lược sản xuất, kinh doanh rõ ràng, từ đó khai thác hiệu quả chính sách ưu đãi.
Thông qua việc thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2%, giá cả các mặt hàng được giảm và ổn định, qua đó thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người lao động.
“Chính sách giảm thuế sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa, giảm bớt áp lực chi phí sản xuất cho doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân mở rộng sản xuất để "lớn lên". Điều này cũng đáp ứng đúng chủ trương mà Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ đề ra tại các Nghị quyết 68-NQ/TW, Nghị quyết 198/2025/QH15 và Nghị quyết số 138/NQ-CP về phát triển kinh tế tư nhân; lấy kinh tế tư nhân là một động lực phát triển quan trọng của nền kinh tế quốc gia” - ông Võ Thành Đàng nhấn mạnh.
Theo ông Phan Văn Dũng - Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản Vissan, với 2% thuế giá trị gia tăng được giảm, doanh nghiệp sẽ xây dựng các chương trình khuyến mãi sản phẩm để người tiêu dùng được hưởng thụ trực tiếp từ chính sách, qua đó kích cầu tiêu dùng cho toàn xã hội. Chính sách giảm thuế không chỉ tạo dư địa cho doanh nghiệp giảm giá bán, tăng sức cạnh tranh, giữ chân khách hàng mà còn tạo ra sự tự tin cho doanh nghiệp hoạch định chiến lược kinh doanh dài hạn.
Theo chị Anh Nguyễn (Hà Nội) chia sẻ, trên mỗi hóa đơn mua hàng, mức giảm 2% thuế giá trị gia tăng tuy nhỏ, nhưng với mỗi người tiêu dùng thì đây là một khoản tiết kiệm đáng kể khi cộng dồn các hóa đơn tiêu dùng lại. Chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% trên hàng hóa tiêu dùng của người dân là chính sách rất thiết thực được rất nhiều người dân mừng vui.
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, việc kéo dài lộ trình giảm thuế giá trị gia tăng 2% đến hết năm 2026, không chỉ là chính sách hỗ trợ ngắn hạn mà được kỳ vọng là trợ lực dài hơi, tạo ra cú huých kép vừa giảm áp lực chi tiêu cho người dân, vừa tiếp động lực cho doanh nghiệp phát triển, hướng tới tăng trưởng bền vững.
Việc được cộng hưởng các chính sách đồng hành của Nhà nước và nỗ lực bứt phá của cộng đồng doanh nghiệp, được xem là nền tảng then chốt để góp phần vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm 2025; đồng thời tạo tiền đề vững chắc cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2026 - 2030.
Thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng, việc giảm thuế giá trị gia tăng chắc chắn sẽ có tác động đến giảm thu ngân sách, nhưng đổi lại có tác động tích cực cho kích thích và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. |