Toàn cảnh hội thảo
Sáng ngày 22/12/2020, Bộ Tài chính tổ chức hội thảo trực tuyến “Công tác quản lý, kiểm soát chi ngân sách nhà nước (NSNN) qua Kho bạc Nhà nước” tại điểm cầu trung ương và 63 điểm cầu kho bạc nhà nước (KBNN) các tỉnh, thành phố. Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn chủ trì hội thảo.
Kiểm soát chi ngân sách ngày càng nề nếp
Báo cáo tại hội thảo cho biết, trong khuôn khổ triển khai thực hiện Chiến lược phát triển ngành tài chính, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Bộ Tài chính đã tiến hành từng bước cải cách nền tài chính công thông qua “Dự án Tài chính công”. Theo đó, Bộ Tài chính đã xây dựng Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), với mục tiêu thống nhất về quy trình quản lý thu – chi ngân sách, đảm bảo đồng bộ dữ liệu thu chi ngân sách giữa cơ quan thuế - kho bạc – tài chính; trực tiếp khai thác báo cáo, quản lý dự toán các cấp minh bạch và rõ rang; phân định rõ hơn chức năng, nhiệm vụ, vai trò của các cơ quan trong chấp hành ngân sách.
Đặc biệt , để góp phần tăng cường cải cách tài chính công và nâng cao hiệu quả tài chính ngân sách, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 113/2008/TT-BTC hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN. Kể từ ngày 1/6/2013, Bộ Tài chính (trực tiếp là KBNN) đã triển khai công tác quản lý kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN trên phạm vi toàn quốc cùng với việc triển khai đồng bộ các phân hệ của hệ thống TABMIS tại 63 tỉnh, thành phố. Đây được coi là bước phát triển mới trong công tác quản lý, kiểm soát thanh toán, kế toán NSNN của hệ thống KBNN.
Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện việc quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN từ năm 2013 đến nay, ông Trần Mạnh Hà - Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN cho biết, việc quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN hiện nay đã đi vào nền nếp, các đơn vị tham gia từ chủ đầu tư, đơn vị dự toán, sở tài chính và KBNN đã thực hiện tương đối tốt, đảm bảo đúng nguyên tắc và quy trình theo quy định. Hồ sơ, thủ tục đề nghị cam kết chi về cơ bản đã nhận được sự đồng thuận của đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư.
“Có thể nhận thấy, nếu triển khai, thực hiện đồng bộ từ các cơ quan có liên quan thì đây là một trong những cải cách về công tác kiểm soát chi nói riêng và cải cách tài chính công nói chung theo hướng công khai, minh bạch và phù hợp với các thông lệ, chuẩn mực quốc tế, cũng như phù hợp với lộ trình triển khai chiến lược phát triển hệ thống KBNN đến năm 2020” - ông Hà nhấn mạnh.
Ông Hà cũng cho biết, việc triển khai thực hiện quản lý cam kết chi cũng đã giúp KBNN chủ động hơn trong việc quản lý, điều hành ngân quỹ nhà nước. Đồng thời, thông qua việc quản lý nhà cung cấp trên hệ thống TABMIS, KBNN đã ngăn ngừa tình trạng rủi ro trong việc chuyển tiền thanh toán đến đối tượng thụ hưởng, nâng cao vai trò kiểm soát chi NSNN của KBNN, góp phần quản lý chặt chẽ nguồn vốn thanh toán từ NSNN cho dự án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh kinh tế năm 2020, việc giữ ổn định được ngân sách địa phương và ngân sách trung ương đã tạo ra nền tảng tốt, tạo niềm tin cho đầu tư phát triển. Thứ trưởng yêu cầu KBNN tiếp thu các ý kiến đóng góp của các bộ, ngành, địa phương cả về định hướng trước mắt và lâu dài. Đồng thời, Thứ trưởng yêu cầu cả KBNN và các bên liên quan phối hợp chặt chẽ hơn nữa để tiếp tục thực hiện tốt công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi trong thời gian tới.
Mặc dù công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi đã ghi nhận những kết quả nhất định, song cũng báo cáo từ KBNN, trong quá trình triển khai vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc.
Đơn cử như về cơ sở pháp lý, việc quản lý, kiểm soát cam kết chi mới chỉ được quy định tại các thông tư của Bộ Tài chính, chưa được quy định tại Luật NSNN và nghị định hướng dẫn Luật NSNN.
Bên cạnh đó, trong quản lý điều hành ngân sách và quy trình nghiệp vụ, việc quản lý, kiểm soát cam kết chi được KBNN thực hiện kiểm soát sau khi hợp đồng được ký kết giữa đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư với nhà cung cấp; chưa thực hiện việc quản lý, kiểm soát cam kết chi trước khi ký hợp đồng theo thông lệ quốc tế.
Hơn nữa, các quy định hiện hành của Bộ Tài chính cũng chưa có hệ thống mẫu biểu báo cáo về việc quản lý, kiểm soát cam kết chi, nên hạn chế thông tin phục vụ công tác lập ngân sách trung hạn và hàng năm của các bộ, ngành, các cấp chính quyền và đơn vị sử dụng ngân sách; hạn chế trong việc quản lý ngân quỹ và dự báo dòng tiền của KBNN...
Nhưng tồn tại lớn nhất được KBNN chỉ ra là một số đơn vị, chủ đầu tư chưa nhận thức được ý nghĩa và mục tiêu của việc quản lý, kiểm soát cam kết chi mang lại nên thời gian qua vẫn phát sinh nhiều đơn vị vi phạm nguyên tắc, quy trình thực hiện cam kết chi...
Tại hội thảo, bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được trong triển khai công tác quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN của Bộ Tài chính, đại diện Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ quốc tế khuyến nghị Bộ Tài chính, KBNN cần thiết phải hoàn thiện cơ chế quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN cho phù hợp với thông lệ quốc tế.
Theo đó, KBNN cần nâng cao vai trò và trách nhiệm để có thể kiểm soát và giám sát chặt chẽ hơn việc thực hiện ngân sách hàng năm ở tất cả các cấp.
Việc kiểm soát cam kết chi có vai trò quan trọng để kiểm soát chi tiêu, bởi lẽ tất cả các cam kết chi đều dẫn tới các khoản thanh toán trong tương lai nên việc kiểm soát chi cần nhằm mục tiêu quản lý ngay từ đầu việc phát sinh các nghĩa vụ, chứ không phải các khoản thanh toán sau này, để tránh tích tụ các nghĩa vụ vượt quá khả năng thực hiện và các hóa đơn chưa thanh toán. Do đó, KBNN cần quy định tiền kiểm dựa trên rủi ro đối với cam kết chi để thay thế cho hệ thống quản lý, kiểm soát cam kết chi hậu kiểm hiện hành.
Bên cạnh đó, việc cải cách về quản lý, kiểm soát cam kết chi nên gắn với cải cách quản lý tài chính công khác. Theo đó, cần thiết phải có sự tham gia của các bộ, ngành liên quan, gắn với việc sửa đổi về cơ chế quản lý, để đảm bảo tính pháp lý cao hơn, làm cơ sở để các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị sử dụng ngân sách có căn cứ để triển khai thực hiện…
Ông Nguyễn Việt Hồng - Phó Tổng giám đốc KBNN cho biết, các góp ý tại hội thảo đều đề cập đến những nội dung quan trọng để KBNN hướng tới mục tiêu tiếp tục tiếp tục cải cách tài chính công, dần tiếp cận với các thông lệ tốt của thế giới, đặc biệt quản lý có hiệu quả nguồn lực NSNN trong thời gian tới, gắn với việc triển khai thực hiện chính phủ điện tử.
Ông Hồng cho biết, để thực hiện được định hướng này, về lâu dài Bộ Tài chính sẽ phải hoàn thiện nâng cao cơ sở pháp lý, quy định về quản lý, kiểm soát cam kết chi NSNN qua KBNN; đồng thời tăng cường ứng dụng CNTT, xây dựng hệ thống thông tin điện tử đảm bảo kết nối liên thông dữ liệu… Tuy nhiên, trước mắt, KBNN đang xây dựng dự thảo thông tư thay thế Thông tư số 113/2008/TT-BTC và Thông tư số 40/2016/TT-BTC để khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện quản lý, kiểm soát cam kết chi trong thời gian qua.
Vân Hà