Thanh khoản trái phiếu chính phủ thứ cấp tăng mạnh trong tuần qua Khối ngoại tiếp tục quay lại mua ròng trái phiếu chính phủ tuần qua Thị trường trái phiếu chính phủ: Huy động vốn hiệu quả cho đầu tư phát triển

Trong tháng 4/2025, thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) ghi nhận nhiều hoạt động sôi động trên cả thị trường sơ cấp lẫn thứ cấp. Trên thị trường sơ cấp, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã tổ chức 20 đợt đấu thầu TPCP do Kho bạc Nhà nước phát hành, qua đó huy động thành công 42.427 tỷ đồng.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, tổng khối lượng vốn huy động từ kênh đấu thầu TPCP đã đạt 152.867 tỷ đồng, tương ứng 30,6% kế hoạch năm.

Các trái phiếu phát hành trong tháng chủ yếu tập trung vào các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm, trong đó đáng chú ý là hai kỳ hạn 10 năm và 5 năm chiếm ưu thế với tỷ trọng lần lượt là 72,2% và 23,6%, tương đương giá trị phát hành 30.640 tỷ đồng và 10.000 tỷ đồng.

Dòng tiền ngoại cải thiện trên thị trường trái phiếu chính phủ tháng 4
Ảnh minh hoạ.

Ở phiên đấu thầu cuối tháng 4, lãi suất trúng thầu cho các kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm và 30 năm lần lượt đạt 2,31%, 3,05%, 3,10% và 3,28%. So với phiên cuối tháng 3, mặt bằng lãi suất trúng thầu đã ghi nhận xu hướng tăng nhẹ, với biên độ tăng lần lượt 16 điểm cơ bản ở kỳ hạn 5 năm, 9 điểm ở kỳ hạn 10 năm và 5 điểm ở kỳ hạn 15 năm.

Trên thị trường thứ cấp, tính đến ngày 29/4/2025, tổng giá trị niêm yết TPCP đạt 2.350.503 tỷ đồng. Thanh khoản thị trường giảm nhẹ, giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng đạt 12.513 tỷ đồng, giảm 24,29% so với tháng trước.

Trong đó, giao dịch Outright chiếm ưu thế với tỷ trọng 67,68%, trong khi giao dịch Repos chiếm 32,32%. Đáng chú ý, hoạt động của khối nhà đầu tư nước ngoài trong tháng có dấu hiệu cải thiện, khi tỷ trọng giao dịch tăng lên mức 4,3% tổng giá trị toàn thị trường, dù vẫn ghi nhận trạng thái bán ròng 522 tỷ đồng.

Diễn biến lợi suất trên thị trường thứ cấp tiếp tục phản ánh sự phân hóa theo kỳ hạn. Cụ thể, lợi suất TPCP tăng mạnh nhất ở nhóm kỳ hạn 15-20 năm và 3-5 năm, với mức lợi suất bình quân lần lượt đạt khoảng 3,0026% và 2,5656%.

Ngược lại, lợi suất ở nhóm kỳ hạn dài 25-30 năm và trung hạn 10-15 năm lại ghi nhận xu hướng giảm, với mức bình quân tương ứng là 3,1895% và 3,0816%.

Về cơ cấu giao dịch, các kỳ hạn trung và dài hạn tiếp tục chiếm ưu thế trong tổng giá trị giao dịch toàn thị trường. Đáng chú ý, các kỳ hạn được giao dịch nhiều nhất trong tháng gồm kỳ hạn 10 năm (chiếm 32,09%), 5 năm (12,43%) và nhóm 10-15 năm (11,98%). Khối ngân hàng thương mại vẫn giữ vai trò chủ đạo trong thị trường TPCP, khi chiếm tỷ trọng lớn trong cả hai hình thức giao dịch: Outright với 50,23% và Repos với 81,29% tổng giá trị giao dịch./.