![]() |
Nguồn: Kho bạc Nhà nước Đồ họa: Phương Anh |
Chịu tác động từ thị trường tài chính tiền tệ
Trong 2 tháng đầu năm 2025, thị trường tài chính - tiền tệ trong nước diễn biến theo xu hướng không thuận lợi đối với công tác phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP). Trước áp lực tỷ giá USD/VND tăng cao, Ngân hàng Nhà nước đã phải tăng cường điều tiết thanh khoản trên thị trường.
Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước phát hành tín phiếu với tổng khối lượng là 226.748 tỷ đồng, lãi suất ở mức 4%/năm (kỳ hạn 7 ngày), gây áp lực lên thanh khoản ngắn hạn trên thị trường, đồng thời tác động đến chi phí vốn của nhóm nhà đầu tư lớn là các ngân hàng thương mại. Điều này phần nào đã ảnh hưởng đến công tác phát hành TPCP. Theo đó, nhu cầu đầu tư TPCP trên toàn thị trường giảm, lãi suất dự thầu tăng, việc huy động vốn TPCP gặp nhiều khó khăn. Tính đến hết tháng 2/2025, mặt bằng lãi suất giao dịch trên thị trường thứ cấp có xu hướng tăng ở tất cả các kỳ hạn với mức tăng từ 0,1 - 0,3%/năm tùy từng kỳ hạn.
Tuy nhiên, kể từ đầu tháng 3 đến nay, để thực hiện ưu tiên của Chính phủ trong thúc đẩy kinh tế, ổn định mặt bằng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước đã tăng thanh khoản trên thị trường tiền tệ, giảm dần lãi suất (từ 4%/năm xuống 3,1%/năm, kỳ hạn 7 ngày), sau đó, dừng phát hành tín phiếu kể từ ngày 5/3/2025. Theo đó, mặt bằng lãi suất thị trường giảm dần và duy trì ổn định cho đến nay. Công tác phát hành TPCP dần được cải thiện do nhu cầu đầu tư TPCP của các nhà đầu tư tăng dần, đặc biệt là nhóm các ngân hàng thương mại.
Trên thị trường TPCP thứ cấp, mặt bằng lãi suất giao dịch có xu hướng hạ nhiệt ở tất cả các kỳ hạn với mức giảm từ 0,04 - 0,16%/năm. Trên thị trường sơ cấp, nhu cầu đầu tư TPCP có xu hướng tăng trở lại, tuy nhiên, vẫn duy trì ở mức thấp.
Huy động hơn 110.400 tỷ đồng qua đầu thấu trái phiếu chính phủ
Kế hoạch phát hành TPCP năm 2025 Bộ Tài chính giao Kho bạc Nhà nước là 500.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, tăng 25% so với kế hoạch năm 2024 (400.000 tỷ đồng). Trong bối cảnh thu ngân sách trung ương đạt khá (hết tháng 3/2025 khoảng 32% dự toán), tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công chưa cao (ước đến hết tháng 3/2025 đạt khoảng 9,7% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), Kho bạc Nhà nước đã tổ chức phát hành TPCP với khối lượng phù hợp, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn của ngân sách trung ương.
Theo đó, trong quý I/2025, Kho bạc Nhà nước đã thực hiện huy động TPCP với tổng khối lượng là 110.440 tỷ đồng, bằng 99,5% so với kế hoạch quý I/2025 Bộ Tài chính giao (111.000 tỷ đồng) và 22,1% kế hoạch năm 2025 (500.000 tỷ đồng). Khối lượng huy động TPCP trong quý I/2025 đã đáp ứng nhu cầu chi đầu tư phát triển và trả nợ gốc ngân sách trung ương. Toàn bộ TPCP được phát hành bằng đồng nội tệ thông qua phương thức đấu thầu điện tử qua Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội.
Kỳ hạn TPCP phát hành từ 5 - 30 năm, tập trung chủ yếu vào các kỳ hạn 5, 10 và 15 năm với tỷ trọng 98,4% tổng khối lượng phát hành ra thị trường. Tính đến hết quý I/2025, kỳ hạn phát hành bình quân là 10,23 năm, phù hợp với mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 23/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội về kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó, duy trì thời gian đáo hạn bình quân của danh mục TPCP ở mức 8,95 năm, góp phần tái cơ cấu danh mục nợ TPCP, giảm áp lực trả nợ trong ngắn hạn cho ngân sách trung ương.
Lãi suất phát hành TPCP được điều hành phù hợp với tình hình thị trường và quan điểm điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Cụ thể, trước tình hình thị trường quý I/2025 nêu trên, để đáp ứng nhu cầu vốn của ngân sách trung ương, Kho bạc Nhà nước đã điều chỉnh tăng dần lãi suất phát hành TPCP với mức tăng từ 0,06 - 0,19%/năm trong 2 tháng đầu năm và duy trì ổn định kể từ đầu tháng 3/2025. Theo đó, lãi suất phát hành TPCP bình quân 3 tháng đầu năm 2025 là 2,91%/năm.
Duy trì ổn định, phát triển thị trường
Trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều bất ổn, biến động khó lường, để đáp ứng nhu cầu vốn vay của ngân sách trung ương, đồng thời, đảm bảo hiệu quả vay, sử dụng vốn vay, tiếp tục thực hiện các mục tiêu cơ cấu lại nợ công và duy trì ổn định, phát triển thị trường TPCP, Kho bạc Nhà nước tiếp tục triển khai các giải pháp huy động vốn TPCP được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trong đó, bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ giữa điều hành chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cụ thể, Kho bạc Nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan trong việc rà soát, đánh giá tình hình thu, chi ngân sách nhà nước (NSNN) và giải ngân vốn đầu tư công để triển khai tổ chức phát hành TPCP với khối lượng phù hợp nhu cầu vốn của ngân sách trung ương và tình hình thị trường, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ phát hành TPCP năm 2025 được Bộ Tài chính giao.
Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước chủ động điều hành lãi suất phát hành phù hợp với điều kiện thị trường, định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục phát hành đa dạng các loại kỳ hạn, đảm bảo mục tiêu kỳ hạn phát hành được Quốc hội giao và phù hợp với nhu cầu thị trường. Tiếp tục gắn kết chặt chẽ công tác huy động vốn TPCP với quản lý ngân quỹ nhà nước để tiết kiệm chi phí vay nợ, nâng cao hiệu quả quản lý NSNN, quản lý ngân quỹ nhà nước và quản lý nợ công.
Tăng khối lượng phát hành trái phiếu chính phủ Kế hoạch phát hành trái phiếu chính phủ năm 2025 Bộ Tài chính giao Kho bạc Nhà nước là 500.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước tới nay, tăng 25% so với kế hoạch năm 2024 (400.000 tỷ đồng). |