Hoàn thiện pháp lý để Quỹ Phát triển đất hoạt động ổn định
Quỹ Phát triển đất có vai trò tích cực trong tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh tư liệu

Tuy nhiên, hoạt động của Quỹ Phát triển đất thời gian qua đã bộc lộ nhiều khó khăn. Để khắc phục những hạn chế này, cũng như để thực hiện Luật Đất đai năm 2024 sắp có hiệu lực tới đây, Bộ Tài chính đáng lấy ý kiến rộng rãi dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ Phát triển đất.

Quỹ sẽ được sử dụng vào 4 mục đích

Việc duy trì hoạt động của Quỹ phát triển đất sẽ giúp các địa phương thuận lợi hơn trong việc triển khai các dự án vốn đầu tư công. Ảnh: Doãn Thành

Thực tế hiện nay cho thấy, công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tạo quỹ đất sạch là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, chịu sự tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan. Nếu không có một nguồn lực sẵn sàng chi trả để thực hiện các công việc này sẽ ảnh hưởng lớn tới tiến độ thực hiện các dự án, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. Quỹ được thành lập theo quy định của pháp luật đất đai năm 2003 đã đáp ứng được các yêu cầu nêu trên.

57 địa phương đã thành lập Quỹ phát triển đất

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến thời điểm năm 2023, có 57 địa phương đã thành lập Quỹ phát triển đất, trong đó có 27 Quỹ hoạt động theo mô hình độc lập, 30 Quỹ hoạt động theo mô hình ủy thác.

Tuy nhiên, tổ chức và hoạt động của Quỹ trong thời gian qua còn nhiều vướng mắc. Đơn cử như chưa quy định rõ nguồn vốn để đảm bảo hoạt động; thực hiện cấp vốn điều lệ hay đưa vào dự toán ngân sách để chi bổ sung vốn hoạt động hàng năm; mô hình tổ chức… Đặc biệt là quy định hoàn trả vốn ứng cho quỹ theo Quyết định số 40/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế mẫu về quản lý, sử dụng quỹ không còn phù hợp với quy định của Luật NSNN và nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất... Do đó, việc xây dựng nghị định nhằm hoàn thiện cơ sở pháp lý theo quy định của Luật Đất đai năm 2024; đồng thời giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức hoạt động, công tác quản lý, hiệu quả hoạt động của quỹ.

Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, thực tế hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố đã thành lập quỹ. Khi Nghị định có hiệu lực chỉ cần rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, sửa đổi, bổ sung điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ. Tuy nhiên, để bao quát thực tế có thể phát sinh, dự thảo Nghị định quy định, UBND tỉnh giao Sở Tài chính hoặc cơ quan chuyên môn lập hồ sơ đề nghị thành lập quỹ, trình UBND cấp tỉnh. Sau khi phê duyệt đề án, UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập, điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ.

Cho biết về các quy định trong việc sử dụng vốn hoạt động của quỹ, ông Thịnh nhấn mạnh, dự thảo nghị định quy định quỹ được sử dụng cho 4 mục đích: ứng vốn thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; ứng vốn cho tổ chức phát triển quỹ đất để xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý nhằm nâng cao giá trị khu đất để đấu giá quyền sử dụng đất; ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện chính sách hỗ trợ về đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số; ứng vốn cho tổ chức được giao thực hiện nhiệm vụ phát triển nhà ở phục vụ tái định cư, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.

Góp phần phát triển kinh tế địa phương

Tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về quỹ vừa được Bộ Tài chính tổ chức, đa số các ý kiến đều đồng tình với dự thảo và mong muốn nghị định sớm được ban hành, giúp quỹ hoạt động ổn định, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Bà Chu Nguyên Thành - Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển TP. Hà Nội cho biết, năm 2011, Hà Nội thành lập Quỹ Phát triển đất, đến năm 2017, quỹ được ủy thác cho Quỹ Đầu tư quản lý. Từ khi hoạt động đến nay, quỹ đã ứng hơn 20.000 tỷ đồng thực hiện các nhiệm vụ được giao rất hiệu quả. “Như vậy, quỹ có nhiệm vụ ứng vốn để giải quyết các vấn đề về tài chính, giúp địa phương có nguồn lực linh hoạt thực hiện các nhiệm vụ, sau đó sẽ hoàn trả lại cho quỹ” - bà Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, để quỹ hoạt động ổn định, dễ dàng thực hiện trong thời gian tới, bà Thành đề nghị sửa đổi, bổ sung điều lệ và hoạt động của quỹ do hội đồng quản lý quỹ trình UBND cấp tỉnh quyết định (trừ trường hợp thay đổi vốn điều lệ, mô hình hoạt động thì UBND cấp tỉnh quyết định sau khi được HĐND cấp tỉnh thông qua).

Theo bà Thành, việc phân cấp cho chính quyền địa phương đã được triển khai. Tại dự thảo đã nêu, UBND cấp tỉnh phê duyệt quyết định thành lập quỹ sau khi được HĐND thông qua đề án, trong đề án có dự thảo điều lệ, do đó thẩm quyền phê duyệt điều lệ là UBND cấp tỉnh. Trường hợp những thay đổi nhỏ trong điều lệ phân cấp cho UBND cấp tỉnh được phê duyệt, trừ trường hợp thay đổi về mô hình hoạt động và vốn điều lệ cấp cho quỹ, tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương trong quá trình tổ chức thực hiện, rút gọn về thủ tục hành chính.

Với mô hình ủy thác, bà Thành cũng cho rằng, có thể ủy thác cho quỹ tài chính nhà nước ở địa phương và chỉ nên quy định người được giao phụ trách là lãnh đạo UBND tỉnh, thay vì chỉ định cứng là chủ tịch UBND tỉnh để giảm bớt đầu mối, gánh nặng cho cấp trên. Ngoài ra, dự thảo cần bổ sung thời điểm tính phí quản lý vốn ứng để có nguồn kinh phí cho quỹ hoạt động ngoài nguồn thu từ lãi tiền gửi.

Còn tại Hải Phòng, với đặc thù là không thành lập quỹ, nhưng cũng không thực hiện ủy thác, mà thực hiện theo mô hình quỹ hỗn hợp, tức là, nhiệm vụ của quỹ được giao cho Quỹ Đầu tư. Do đó, theo ông Hoàng Xuân Minh - Phó Giám đốc Sở Tài chính Hải Phòng, dự thảo cần làm rõ hơn về quỹ hỗ hợp để địa phương triển khai cho phù hợp. Đồng thời, ông Minh cho biết, theo quy định của Luật Đầu tư công, để bố trí kế hoạch vốn trung hạn, vốn hàng năm, dứt khoát phải có dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư, tuy nhiên, tại dự thảo nghị định thì nội dung này không được nhắc đến. “Do vậy, dự thảo cần phải bổ sung thêm điều kiện, trình tự để được bố trí nguồn vốn ứng dự toán...” - ông Minh đưa ra ý kiến.

Hoàn thiện dự thảo nghị định sớm trình Chính phủ

Tại hội nghị lấy ý kiến dự thảo nghị định của Chính phủ quy định về Quỹ Phát triển đất do Bộ Tài chính tổ chức ngày 22/4 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Bùi Văn Khắng cho biết, thực hiện Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Bộ Tài chính được giao chủ trì xây dựng 3 văn bản (2 nghị định và 1 thông tư). Đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng xong 2 dự thảo nghị đinh về về tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và về Quỹ Phát triển đất).

Tuy nhiên, nội dung của 2 dự thảo này đều là các vấn đề phức tạp, có liên quan và chịu sự tác động của nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, quá trình thực hiện thời gian vừa qua đã phát sinh những vướng mắc, bất cập. Hơn nữa, trong bối cảnh Chính phủ quyết tâm đưa quy định của Luật Đất đai năm 2024 sớm đi vào cuộc sống (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, sớm hơn 5 tháng so với thời gian dự kiến ban hành luật là ngày 1/1/2025) nhằm giải quyết những vấn đề bức xúc và đòi hỏi do thực tiễn đặt ra, các cơ quan được giao chủ trì xây dựng các văn bản quy định chi tiết cũng gặp phải khó khăn khi vừa phải đảm bảo tiến độ, vừa phải đảm bảo chất lượng. Chính vì vậy, song song với việc lấy ý kiến bằng văn bản, Bộ Tài chính đã tổ chức các hội nghị để xin ý kiến trực tiếp của các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan nghiên cứu, các nhà khoa học.

Tại hội nghị, ngoài việc yêu cầu các đại biểu cho ý kiến vào các quy định tại dự thảo nghị định, Thứ trưởng cũng cho biết các đại biểu có thể tham gia bất cứ nội dung quan tâm nhằm giúp cho cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản sớm hoàn thiện dự thảo nghị định gửi lấy ý kiến thấm định của Bộ Tư pháp, bảo đảm thời hạn trình Chính phủ trước ngày 10/5/2024 theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà.