Hội nghị Văn hóa toàn quốc: Để văn hóa soi đường cho quốc dân đi
Bác Hồ với các nghệ sĩ sau buổi biểu diễn văn nghệ Tết Kỷ Dậu, 1969. Ảnh Tư liệu.

Ngược dòng lịch sử

75 năm về trước, ngày 24/11/1946, Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất đã khai mạc tại Nhà hát thành phố Hà Nội. Tại đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu nhiệm vụ của văn hóa mới là phải lấy hạnh phúc của đồng bào, sự nghiệp đấu tranh của dân tộc làm nội dung phản ánh, đồng thời phải tiếp thu những tinh hoa văn hóa truyền thống để xây dựng nền văn hóa mới Việt Nam với ba tính chất: Dân tộc, khoa học, đại chúng.

Người nêu rõ vị trí, ảnh hưởng của văn hóa nghệ thuật trong việc giáo dục thế hệ trẻ, xây dựng con người Việt Nam yêu nước, độc lập, tự cường, tự chủ. Bác nhấn mạnh: Phải làm thế nào cho văn hóa vào sâu trong tâm lý của quốc dân, sửa được tham nhũng, lười biếng, phù hoa, xa xỉ, làm cho quốc dân có tinh thần vì nước quên mình, vì lợi ích chung mà quên lợi ích mình…

Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất là nỗ lực của lãnh đạo Đảng và Nhà nước nhằm huy động mọi đề xuất, sáng kiến chấn hưng văn hóa nước nhà, minh chứng cho sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với văn hóa, cũng như chính vai trò của văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

Theo các nhà nghiên cứu đã đánh giá: Những thông điệp quan trọng của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất, sau đó là lần thứ hai (năm 1948)... đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phấn đấu hết mình cho sự nghiệp cách mạng. Từ đó đã tạo nên sức mạnh tinh thần vô cùng to lớn để đội ngũ văn nghệ sĩ làm ra những tác phẩm truyền cảm hứng, đóng góp lớn cho cách mạng Việt Nam.

Hội nghị văn hóa toàn quốc là một diễn đàn quan trọng để lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của những người hoạt động trong lĩnh vực này, các nhà lãnh đạo đất nước hiểu rõ hơn những ý kiến từ chính cuộc sống, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Điều đó cũng chứng tỏ rằng: Khi Đảng và Nhà nước chú ý lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật, khi văn nghệ sĩ và các tổ chức văn hóa nghệ thuật cảm nhận thấy sự quan tâm, gần gũi của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với những tâm tư, nguyên vọng của mình, đó là lúc văn hóa nghệ thuật có cơ hội thăng hoa, đóng góp lớn vào sự phát triển chung của đất nước.

Hội nghị văn hóa toàn quốc là một diễn đàn quan trọng để lãnh đạo Đảng và Nhà nước trực tiếp lắng nghe ý kiến của văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật. Lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của những người hoạt động trong lĩnh vực này, các nhà lãnh đạo đất nước hiểu rõ hơn những ý kiến từ chính cuộc sống, từ đó có những điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn hoạt động văn hóa nghệ thuật.

Bối cảnh mới: Thuận lợi nhiều nhưng thách thức không ít

Suốt chặng đường lịch sử vẻ vang của dân tộc, chúng ta đã lập nhiều thành tích trên mặt trận chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và phát triển kinh tế, an sinh xã hội. Văn hóa nghệ thuật nước nhà luôn song hành, phản ánh, cổ vũ và góp phần không nhỏ làm nên những thành tích đó. Ngày nay, văn hóa nghệ thuật đã phát triển đa dạng về loại hình, phong phú về cách thể hiện, giữ gìn bản sắc truyền thống đồng thời có những bước hội nhập với văn hóa khu vực và thế giới.

Trong bối cảnh đất nước ta hội nhập ngày càng sâu rộng, đồng thời cuộc cách mạng số phát triển như vũ bão, với nhiều nền tảng mạng xã hội đang nở rộ và có tốc độ phát triển trên thực tế rất nhanh khiến cho hành lang pháp lý cho lĩnh vực này chưa theo kịp, đang đặt ra nhiều thách thức cần phải giải quyết. Đâu đó, lối sống của một số cá nhân coi trọng vật chất hơn tất cả đang làm méo mó các giá trị văn hóa, đánh vào tâm lý của một số đối tượng, nhất là thanh thiếu niên, rất dễ tạo ra những hệ lụy ảnh hưởng đến an sinh xã hội, xóa nhòa những giá trị đạo đức mà chúng ta đã dày công xây dựng…

Bên cạnh đó, còn có rất nhiều vấn đề đặt ra như chế độ đãi ngộ đối với văn nghệ sĩ, nghệ nhân, cơ chế tự chủ của các nhà hát, đoàn nghệ thuật, cách thức phát huy nghệ thuật truyền thống và tiếp nhận chọn lọc tinh hoa nghệ thuật thế giới, phát triển công nghiệp văn hóa - sáng tạo, không gian sáng tạo ở các đô thị... đang chờ những giải pháp căn cơ từ Chính phủ và các cơ quan liên quan để tháo gỡ, nâng tầm phát triển.

Bác Hồ từng khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, “văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sĩ là những chiến sĩ trên mặt trận đó”... Và để văn hóa soi đường cho quốc dân đi thì việc xây dựng nền văn hóa đó phải được chú trọng đi trước một bước, kiến tạo nền văn hóa luôn ngời sáng vẻ đẹp nhân văn. Đây cũng là quan điểm của Đảng ta khi luôn coi trọng công tác văn hóa, coi trọng văn nghệ sỹ, trí thức. Chính tư tưởng, quan điểm xuyên suốt ấy đã truyền cảm hứng cho những người làm việc trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật phấn đấu hết mình, tạo nên một nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam.

Ngày 20/8/2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Công văn số 1576-CV/VPTW, về việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ban Bí thư Trung ương Đảng chủ trì, chỉ đạo hội nghị bằng hình thức trực tuyến trên toàn quốc vào ngày 24/11/2021.

Hội nghị năm nay được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 75 năm ngày Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất. Từ hội nghị này, các ý kiến tâm huyết của các văn nghệ sĩ, các tổ chức văn hóa nghệ thuật sẽ được tổng hợp, là cơ sở để lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chỉ đạo các vấn đề văn hóa nghệ thuật của đất nước.