Hướng dẫn cách thức xác định tổn thất tín dụng dự kiến theo chuẩn mực IFRS 9
IFRS dự kiến áp dụng bắt buộc sau năm 2025. Ảnh minh họa

Ngày 16/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 345/QĐ-BTC về việc phê duyệt đề án áp dụng Chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) tại Việt Nam. Theo đó, các doanh nghiệp áp dụng tự nguyện IFRS cho giai đoạn từ 2022 đến 2025 và dự kiến áp dụng bắt buộc sau năm 2025 sau khi có đánh giá của Bộ Tài chính.

Trong các chuẩn mực IFRS, IFRS 9 về Công cụ tài chính dù ra đời và áp dụng rộng rãi trên toàn cầu từ năm 2018, nhưng vẫn có những điểm khiến doanh nghiệp tại Việt Nam “gặp khó” vì sự khác biệt giữa thị trường tài chính tại Việt Nam và thế giới, nhất là khi áp dụng quy định của IFRS 9 để đánh giá, tính toán “tổn thất tín dụng dự kiến” (ECL) khi lập báo cáo tài chính.

Nhằm gỡ khó cho doanh nghiệp khi áp dụng công cụ này, ngày 4/11, Deloitte Việt Nam tổ chức chương trình hướng dẫn về “Cách thức xác định tổn thất tín dụng dự kiến (ECL) tại doanh nghiệp Việt Nam theo chuẩn mực IFRS 9 - Công cụ tài chính”.

Sự kiện sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng quan về IFRS 9 về công cụ tài chính; hiểu về tổn thất tín dụng dự kiến - phương pháp chung và phương pháp giản lược…

Bên cạnh đó, người tham gia chương trình sẽ được cung cấp một mô hình ví dụ minh họa tính toán ECL được xây dựng theo các bước hướng dẫn trên IFRS 9 có thể vận dụng tại doanh nghiệp Việt Nam./.