Huy động hiệu quả nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch Thủ đô
Huy động hiệu quả nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch Thủ đô. Ảnh: TL

Tổng vốn đầu tư ước từ 11,5-13,6 triệu tỷ đồng

Hà Nội đang tập trung tổ chức lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; tổ chức lập Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065; phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Lập Quy hoạch Thủ đô nhằm tổ chức, phân bổ, sắp xếp không gian phát triển các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh gắn với phát triển kết cấu hạ tầng, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường; khai thác, huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực để xây dựng và phát triển Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”.

Theo phương án tăng trưởng và cơ cấu kinh tế đã lựa chọn, căn cứ trên thực tiễn huy động và sử dụng vốn đầu tư trên địa bàn Thủ đô Hà Nội cũng như tính khả thi về huy động vốn đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư cho thời kỳ 2021 - 2030, để hiện thực hóa các mục tiêu quy hoạch ước cần 11,5 - 13,6 triệu tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021 - 2025 cần khoảng 3,1-4 triệu tỷ đồng, giai đoạn 2026 - 2030 là khoảng 8-9 triệu tỷ đồng.

Đóng góp ý kiến về thể chế, chính sách để phát huy vai trò của các nguồn vốn tài chính trong xây dựng và thực hiện quy hoạch Thủ đô, TS.Vũ Đình Ánh -chuyên gia kinh tế cho biết, kinh nghiệm cho thấy có 3 nguồn vốn chủ yếu được huy động để thực hiện việc đầu tư phát triển đô thị: Đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN); vốn huy động trong nước; vốn huy động nước ngoài.

Do hạn chế về quy mô NSNN nên phần lớn nguồn vốn đầu tư phát triển đô thị ở nước đang phát triển châu Á được huy động từ nước ngoài (chủ yếu là vốn vay ODA) và các nhà đầu tư tư nhân trong và ngoài nước. Tuy nhiên, do Hà Nội còn thiếu quá nhiều kết cấu hạ tầng, hơn nữa chất lượng kết cấu hạ tầng hiện có cũng chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nên nguồn vốn cần để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng là rất lớn, vượt ra khỏi khả năng của ngân sách địa phương, thậm chí của ngân sách trung ương.

Hơn nữa, kết cấu hạ tầng trong quy hoạch Thủ đô lại rất đa dạng, thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn trong thời gian dài trong khi không phải kết cấu hạ tầng nào cũng có khả năng hoàn vốn hay có thể đánh giá được hiệu quả kinh tế.

Thêm vào đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn liên quan đến phân cấp NSNN, cả phân cấp giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cũng như phân chia trách nhiệm giữa quản lý vốn đầu tư và quản lý vốn duy tu bảo dưỡng kết cấu hạ tầng. Bên cạnh đó, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng còn gắn bó chặt chẽ với chính sách vay và quản lý nợ công.

Huy động hiệu quả nguồn lực tài chính thực hiện quy hoạch Thủ đô
Hà Nội đang tập trung tổ chức lập quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 - 2030. Ảnh: TL

Đa dạng hóa các nguồn lực tài chính phát triển Hà Nội

Vì vậy, theo TS.Vũ Đình Ánh, quan điểm xuyên suốt là phải đa dạng hóa các nguồn lực tài chính phát triển Hà Nội dựa trên: Loại 1, 100% vốn đầu tư NSNN; loại 2, 100% vốn có nguồn gốc NSNN (vay ODA, tín dụng nhà nước, trái phiếu chính phủ, doanh nghiệp nhà nước); loại 3, 100% vốn ngoài NSNN (doanh nghiệp trong nước, FDI từ vốn tự có và vay tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp); loại 4, hỗn hợp các nguồn vốn trên.

TS.Vũ Đình Ánh cũng phân tích rõ các nguồn vốn đầu tư thực hiện quy hoạch Hà Nội để sử dụng hiệu quả. Theo đó, đối với vốn đầu tư từ NSNN cần thu hẹp về tỷ trọng vốn cho cơ sở hạ tầng do hạn chế về quy mô NSNN, điều chỉnh cơ cấu chi NSNN theo hướng giảm tỷ lệ chi NSNN/GDP và tỷ lệ chi đầu tư/tổng chi NSNN khi phải bảo đảm tăng tỷ lệ chi thường xuyên và chi trả nợ/tổng chi NSNN mặc dù số tuyệt đối chi từ NSNN cho kết cấu hạ tầng vẫn có thể tăng...

"Quản lý chi đầu tư từ NSNN rất khó, dễ dẫn đến thất thoát lãng phí nên nguồn vốn này chỉ dành cho các kết cấu hạ tầng có ý nghĩa chiến lược quốc gia, tỉnh song không thể thu hồi vốn. Tiến tới, có cơ chế sử dụng nguồn vốn này để mua lại hoặc trả nợ vốn xây dựng các kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích chung chứ chính phủ/UBND các cấp không trực tiếp đầu tư nữa" - ông Ánh nêu rõ.

Đối với vốn có nguồn gốc NSNN, đây là nguồn vốn chủ yếu cho kết cấu hạ tầng trong tương lai ít nhất 5-10 năm nữa cho những kết cấu hạ tầng chậm thu hồi vốn, không thu được lợi nhuận hoặc lợi nhuận không đáng kể.

Vốn ODA quản lý theo dự án nên phải giải quyết 2 vấn đề cơ bản là lựa chọn dự án và nguồn trả nợ gắn với an ninh tài chính quốc gia nói chung và khả năng trả nợ nói riêng. Nguồn trả nợ có thể từ nguồn thu khai thác sử dụng kết cấu hạ tầng và nguồn chi trả nợ từ NSNN (trả nợ gốc và lãi), trong đó nguồn thu thứ nhất cần nâng lên.

Đối với nguồn trái phiếu chính phủ và tín dụng nhà nước cũng tương tự. Riêng nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng từ các DNNN, đặc biệt là từ các tập đoàn cần đối xử như loại 3 để bảo đảm môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

Vốn ngoài nhà nước là nguồn vốn chủ yếu đầu tư những kết cấu hạ tầng không những có khả năng thu hồi vốn mà còn có lợi nhuận. Đối với nguồn vốn này, quan trọng không phải là ưu tiên ưu đãi (kinh tế và tài chính) mà là tạo ra cơ chế kiểm soát và cân đối lợi ích giữa các bên tham gia đồng thời tạo môi trường tài chính tín dụng thuận lợi để nguồn vốn này vận động và hướng vào phát triển kết cấu hạ tầng theo quy hoạch chung. Lợi nhuận và điều kiện để đạt được lợi nhuận (tổng thể) mới là yếu tố quyết định dòng vốn này.

Đối với vốn hỗn hợp nhà nước và ngoài nhà nước, theo TS. Vũ Đình Ánh, kết hợp các nguồn vốn trên cần dựa trên nguyên tắc phải cân đối được lợi ích giữa các bên tham gia. Nguồn vốn cho kết cấu hạ tầng từ NSNN có thể kết hợp với vốn có nguồn gốc NSNN khi nhu cầu tài chính vượt khả năng đầu tư của NSNN song phải đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đảm bảo khả năng trả nợ.

Kết hợp giữa vốn nhà nước với vốn ngoài nhà nước trong phát triển kết cấu hạ tầng cần xem xét hình thức hợp tác công, tư (PPP) bên cạnh các hình thức truyền thống BT, BOT, BOO… hiện nay. Tuy nhiên, hình thức PPP cần rất thận trọng để tránh chủ nghĩa tư bản thân hữu nêu trên và làm thiệt hại lợi ích của nhà nước do hợp đồng bất lợi.../.