Khẩn trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số
Tổng cục Hải quan đang khẩn trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số. Ảnh: Hà Thái

Đã bao phủ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu

Thực hiện chủ trương của Chính phủ và Bộ Tài chính về ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về hải quan và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hải quan, trong thời gian vừa qua, Tổng cục Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan.

Đặc biệt trong giai đoạn 5 năm trở lại đây, trước yêu cầu đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin của Chính phủ, việc ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan đã có bước tiến nhảy vọt. Kết quả ứng dụng công nghệ thông tin của Tổng cục Hải quan luôn đứng đầu trong số các cơ quan của Chính phủ và Bộ Tài chính. Đến nay, Tổng cục Hải quan đã xây dựng được một hệ thống công nghệ thông tin bao phủ và hỗ trợ hầu hết các lĩnh vực trọng yếu về quản lý hải quan.

Tuy nhiên, trải qua 25 năm phát triển, hệ thống công nghệ thông tin này đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như hệ thống VNACCS/VCIS đang có nguy cơ dừng hoạt động và gặp sự cố bất cứ lúc nào, cần phải thay thế ngay bằng một hệ thống công nghệ thông tin mới. Các hệ thống công nghệ thông tin vệ tinh được xây dựng từ lâu đã bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục; vẫn còn một số lĩnh vực vẫn chưa được tin học hóa và tự động hóa…

Nhằm hiện thực hóa mục tiêu đặt ra Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030 theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ, góp phần đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng hải quan số, hải quan thông minh trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số để xử lý được các vấn đề bất cập của hệ thống công nghệ thông tin hiện nay, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối, tích hợp với các hệ thống khác và ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý nghiệp vụ hải quan (như IoT, AI, Big Data...).

Kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin

Hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số là một hệ thống công nghệ thông tin rất lớn của Tổng cục Hải quan. Sau khi hoàn thành, ngành Hải quan có hệ thống công nghệ thông tin ứng dụng những thành tựu mới về công nghệ, phù hợp với chuẩn mực quốc tế, đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan thông minh; quản lý toàn diện doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, quá cảnh; phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh từ khâu đầu đến khâu cuối. Hệ thống này sẵn sàng kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, doanh nghiệp và các bên liên quan phục vụ quản lý nhà nước về hải quan, hướng tới xây dựng Hải quan Việt Nam thành hải quan số. Sau khi hệ thống này hoàn thành sẽ thay thế toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin nghiệp vụ hiện nay.

Do đó, Tổng cục Hải quan đang tập trung nguồn lực toàn ngành để hoàn thành tái thiết kế tổng thể hệ thống công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu thực hiện nghiệp vụ hải quan thực hiện hải quan số. Trong đó, ngành đã rà soát tổng thể các quy trình nghiệp vụ hiện nay, xây dựng các quy trình để đảm bảo tính liên thông, liên tục đáp ứng yêu cầu quản lý hải quan từ khâu đầu đến khâu cuối, phù hợp với chuẩn mực và thông lệ quốc tế, đồng thời tạo điều kiện để ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin và các công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0.

Hiện Tổng cục Hải quan đang trình Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng hệ thống công nghệ thông tin thực hiện hải quan số đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ trong thông quan. Sau khi được Bộ Tài chính phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, Tổng cục Hải quan sẽ khẩn trương triển khai dự án đảm bảo hệ thống được xây dựng và triển khai đúng tiến độ.

Theo ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan (Tổng cục Hải quan), đến nay, cơ chế chính sách để tạo nền tảng cho việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan ngày càng được hoàn thiện theo hướng ưu tiên, tạo thuận lợi cho thực hiện thủ tục điện tử.

Để tiếp tục thực hiện chuyển đổi số một cách toàn diện trong công tác hải quan và đáp ứng các mục tiêu, nhiệm vụ về chuyển đổi số do Chính phủ, Bộ Tài chính đề ra, Tổng cục Hải quan đã vạch ra những mục tiêu rất cụ thể đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Có thể kể đến như năm 2025 từ 95% hồ sơ hải quan trở lên được số hóa. Bởi hiện nay dù 95% giao dịch của doanh nghiệp với cơ quan hải quan được thực hiện bằng phương thức điện tử, nhưng một số giấy phép của các bộ, ngành hay C/O… vẫn được doanh nghiệp scan để gửi đến cơ quan hải quan, chưa đáp ứng yêu cầu số hóa. Mục tiêu quan trọng thứ hai là tái thiết kế quy trình nghiệp vụ để thực hiện quy trình thủ tục hải quan số. Mục tiêu quan trọng thứ ba là 80% công tác kiểm tra, giám sát hải quan được thực hiện trên môi trường số.

Để chuyển đổi số thành công, ngoài nỗ lực của ngành Hải quan, ông Lê Đức Thành bày tỏ rất cần sự phối hợp, ủng hộ từ cộng đồng doanh nghiệp, từ hệ thống ngân hàng thương mại và các bộ, ngành liên quan để vừa tạo thuận lợi thương mại, vừa giúp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước nói chung.

Doanh nghiệp có thể làm thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi

Theo ông Nguyễn Văn Cẩn - Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, thời gian tới, ngành Hải quan sẽ tiếp tục cải cách tái cấu trúc hệ thống quản lý hải quan hiện đại theo hướng chính quy, ngang bằng với hải quan các nước tiên tiến trên thế giới. Từ đó tiến tới hải quan thông minh, hải quan số, tiến tới biên giới thông minh, hải quan xanh đúng như tôn chỉ, mục đích của Hải quan Thế giới, cũng như quyết tâm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Bộ Tài chính đã giao nhiệm vụ cho Hải quan Việt Nam.