Đây là chia sẻ của GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 29/9.

Sự nỗ lực của rất nhiều các ngành chức năng

Tham dự tọa đàm có bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế); bà Nguyễn Thị Minh Huyền - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương); bà Nguyễn Thị Thanh Huyền - Trưởng phòng Thông tin điện tử, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông); GS.TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân.

Khẳng định chủ quyền quản lý thuế thương mại điện tử: Hợp lực của nhiều ngành chức năng

Các diễn giả tham gia Tọa đàm “Quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử”. Ảnh: Nhật Bắc

Thông tin tại tọa đàm về vấn đề pháp luật thuế đã có những thay đổi như thế nào để tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý thuế hoạt động TMĐT đạt hiệu quả, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, hoạt động TMĐT là một hoạt động thương mại mới, có rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý thuế. Tuy nhiên, hiện nay chính sách thuế cũng đã có quy định với tổ chức, cá nhân khi hoạt động TMĐT tự kê khai và nộp thuế theo quy định, cơ quan thuế đóng vai trò hướng dẫn tuyên truyền là chính.

GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, quản lý thuế trong lĩnh vực thương mại điện tử (TMĐT) không phải chuyện riêng của cơ quan thuế, của ngành Tài chính mà còn là nhiệm vụ của các bộ ngành liên quan. Ngành công thương làm gì? Ngành truyền thông làm gì? Vai trò của ngành ngân hàng ra sao? Việc Việt Nam khẳng định chủ quyền quốc gia trong quản lý thuế hoạt động TMĐT cho thấy sự nỗ lực của rất nhiều các ngành chức năng liên quan trong đó cơ quan thuế là ngành đi đầu.

Các chính sách về thuế đã được hướng dẫn rất đầy đủ và đến thời điểm này chính sách thuế khá hoàn chỉnh. Tuy nhiên, để các chính sách thuế được thực thi hiệu quả thì cần có sự phối hợp các đơn vị liên quan, đặc biệt là để đồng nhất chính sách thuế cho hoạt động TMĐT.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng có những cơ chế kiểm soát, trong trường hợp người nộp thuế cố tình không kê khai thì sẽ có chế tài cụ thể. Nếu có dấu hiệu trốn thuế thì cơ quan thuế sẽ chuyển vụ việc sang cơ quan công an, các cơ quan pháp luật khác để xử lý.

Quản lý thuế TMĐT thách thức không chỉ riêng Việt Nam

Chia sẻ về vai trò của Bộ Công thương trong quản lý hoạt động TMĐT cũng như việc phối hợp cũng như chia sẻ dữ liệu trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh này, bà Nguyễn Thị Minh Huyền cho hay, Bộ Công thương đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 85/2021/NĐ-CP (Nghị định 85) sửa đổi bổ sung Nghị định 52/2013/NĐ-CP về TMĐT hướng tới mục tiêu là thúc đẩy các giao dịch TMĐT đảm bảo cạnh tranh lành mạnh trên môi trường điện tử, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển TMĐT, hình thành tập quán tiêu dùng thương mại hiện đại tại Việt Nam.

Khẳng định chủ quyền quản lý thuế thương mại điện tử: Hợp lực của nhiều ngành chức năng
GS.TS. Hoàng Văn Cường phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Nhật Bắc

Theo bà Huyền, nghị định này được xây dựng theo những nguyên tắc nhất quán. Đó là chỉ quy định bổ sung những nội dung đặc thù về quản lý TMĐT trên môi trường trực tuyến và không đề cập đến những nội dung quy định tại pháp luật chuyên ngành về kinh doanh thương mại trong đó có quản lý thuế.

Nguyên tắc thứ 2 của Nghị định 85 là đảm bảo sự bình đẳng về môi trường thương mại truyền thống cũng như môi trường thương mại hiện đại.

“Hiện nay, Bộ Công thương cũng đang quản lý TMĐT, ứng dụng công nghệ số và trực tiếp thực hiện thủ tục hành chính về quản lý nhà nước về TMĐT tại Cổng Thông tin điện tử quản lý TMĐT tại địa chỉ online.gov.vn. Đây là thủ tục hành chính dịch vụ công cấp độ 4. Tại đó tất cả các quy trình đăng ký, thông báo TMĐT được thực hiện trực tuyến và các cá nhân, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan có thể truy cập dữ liệu về các chủ thể đã được cung cấp dịch vụ hành chính” – bà Huyền chia sẻ.

Thông tin về công tác phối hợp với ngành Thuế trong công tác trao đổi thông tin, thu thập số liệu và xây dựng cơ sở dữ liệu để nâng cao hiệu lực quản lý về thuế đối với hoạt động TMĐT, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền cho hay, các hoạt động liên quan đến vấn đề TMĐT cũng như thuế là một trong những hoạt động Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) hết sức quan tâm.

Vì vậy, từ năm 2018, Bộ TT&TT đã chủ động làm việc, phối hợp với bộ phận tài chính và thuế để tổ chức một số hội thảo. Điều may mắn là thời điểm đó Bộ Tài chính đang xây dựng Luật Quản lý thuế, do đó hai bộ đã trao đổi cung cấp thông tin, phối hợp trao đổi các dữ liệu để hoàn thiện các cơ chế chính sách. Hiện nay những quy định về quản lý thuế đối với hoạt động cung cấp dịch vụ số xuyên biên giới đã được bổ sung đầy đủ tại các nghị định, thông tư.

Đánh giá về công tác quản lý thuế đối với TMĐT, GS.TS. Hoàng Văn Cường cho rằng, phát triển của TMĐT ở Việt Nam rất nhanh, kéo theo việc quản lý nói chung và trong đó có vấn đề liên quan đến quản lý thu thuế, đặt ra một thách thức rất lớn.

Theo GS.TS. Hoàng Văn Cường, đây không phải là thách thức với riêng Việt Nam mà với cả các nước phát triển. Việc quản lý thu thuế với hệ thống TMĐT tại nhiều quốc gia khác hiện đang rất lúng túng, đặc biệt là vấn đề kinh doanh xuyên biên giới. Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song nhờ nền tảng chuyển đổi số trong quản lý thuế, được ngành Thuế thực hiện khá nhanh, đó là nền tảng rất quan trọng.