Trung Quốc là thị trường xuất khẩu hàng hoá lớn thứ hai của Việt Nam

Thống kê của ngành Hải quan cho thấy, trong hơn 200 quốc gia, vùng lãnh thổ mà Việt Nam có quan hệ ngoại thương, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất. Một trong những dấu mốc quan trọng đó là năm 2018, Trung Quốc trở thành đối tác đầu tiên đạt quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu 100 tỷ USD/năm (đến nay mới có hai thị trường đạt cột mốc này là Trung Quốc và Hoa Kỳ). Từ đó đến nay, thương mại song phương Việt Nam - Trung Quốc luôn duy trì con số trên 100 tỷ USD/năm. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là thị trường nhập khẩu đầu tiên của Việt Nam đạt kim ngạch 100 tỷ USD/năm (năm 2021).

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, mặc dù kinh tế toàn cầu và khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, những biến động địa chính trị trên thế giới, song quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn không ngừng phát triển, đạt nhiều thành quả đáng ghi nhận và là một trong những điểm sáng trong quan hệ song phương.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung
Nguồn: Tổng cục Thống kê. Đồ họa: Văn Chung

Theo số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, thương mại 2 chiều Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có bước phát triển đáng kể, đạt 147,7 tỷ USD sau 10 tháng/2022. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, chỉ sau Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu 10 tháng đạt 47 tỷ USD, đồng thời là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, với 100,7 tỷ USD, nhập siêu 10 tháng từ Trung Quốc là 53,7 tỷ USD, tăng 18,8% so với cùng kỳ năm trước.

Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc rất nhiều mặt hàng nguyên liệu phục vụ sản xuất, bên cạnh đó là rau củ quả, thực phẩm, hàng tiêu dùng… Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc các sản phẩm nông sản nhiệt đới, thủy sản, dệt may, điện thoại, máy tính, sản phẩm điện tử...

Theo Bộ Công thương, một số nhóm mặt hàng như thủy sản, trái cây, cà phê của Việt Nam đều nằm trong top 10 quốc gia xuất khẩu lớn nhất vào Trung Quốc. Nhiều mặt hàng như cá tra, cá basa, cá mực, quả thanh long, quả vải, hạt điều đều chiếm thị phần gần như tuyệt đối về khối lượng cũng như kim ngạch nhập khẩu. Điều đó cho thấy nhiều sản phẩm, ngành hàng của Việt Nam có thế mạnh khi tham gia xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Còn nhiều dư địa gia tăng hợp tác thương mại

Đề cập đến phát triển thương mại Việt Nam - Trung Quốc, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng, với vị trí địa lý gần gũi, nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có sức cạnh tranh mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng của hàng hóa xuất khẩu Việt Nam. Trong quan hệ thương mại, tính bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu xuất nhập khẩu hàng hóa giữa hai nước vẫn rất lớn.

Bộ Công thương nhận định, Việt Nam còn nhiều dư địa để khai thác thị trường Trung Quốc. Với dân số hơn 1,4 tỷ người, chiếm 18,7% tổng dân số toàn thế giới, nhu cầu nhập khẩu hàng hóa, đặc biệt các sản phẩm nông, thủy sản của thị trường Trung Quốc phục vụ nhu cầu tiêu dùng nội địa cũng như sản xuất chế biến hàng xuất khẩu là rất lớn và đa dạng, phong phú.

Đáng chú ý, riêng 2 địa phương có biên giới tiếp giáp với Việt Nam là tỉnh Vân Nam (48 triệu người) và Khu tự trị dân tộc Choang - Quảng Tây (48,8 triệu người) mang lại cơ hội trực tiếp cho Việt Nam khai thác thương mại qua biên giới.

Đến nay, trên toàn tuyến biên giới phía Bắc có 76 cửa khẩu, lối mở, gồm: 7 cửa khẩu quốc tế, 6 cửa khẩu chính, 21 cửa khẩu phụ và 42 lối mở, điểm thông quan. Hệ thống này mang lại lợi thế lớn về logistics cho hoạt động thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Trung Quốc đứng thứ 4 trong các nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam

Hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư là điểm sáng trong quan hệ hai nước. Việt Nam liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và thương mại Việt - Trung chiếm 1/4 tổng kim ngạch thương mại Trung Quốc - ASEAN, đối tác thương mại thứ 6 của Trung Quốc trên thế giới.

Gần nhất, Trung Quốc đã mở cửa nhập khẩu chính ngạch với sầu riêng của Việt Nam, đồng thời sau gần 6 năm đàm phán, Tổng cục Hải quan Trung Quốc đã đồng ý nhập khẩu thí điểm quả chanh leo Việt Nam bắt đầu từ tháng 7/2022. Tới đây dự kiến là khoai lang và một số sản phẩm nông nghiệp khác cũng được xem xét nhập khẩu chính ngạch. Việc có thêm nhiều sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính ngạch, từ hoa quả đến thực phẩm chế biến đang tạo ra chỗ đứng của nông sản Việt trên thị trường Trung Quốc.

Hiện nay, các cơ quan chức năng của Việt Nam đang thúc đẩy đàm phán với phía Trung Quốc mở cửa thị trường cho nhiều sản phẩm thế mạnh của Việt Nam, qua đó càng tạo điều kiện hơn cho hàng hóa, nhất là hàng nông thủy sản của Việt Nam, tiếp tục khơi thông dòng chảy thương mại và hy vọng Trung Quốc nới lỏng chính sách zero Covid-19.

Trong lĩnh vực thủy sản, bà Lê Hằng - Giám đốc truyền thông Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, dự kiến Trung Quốc sẽ tiêu thụ khoảng 36% tổng sản lượng thủy sản toàn cầu vào năm 2028, mức tiêu thụ bình quân đầu người đạt khoảng 44,3 kg so với 39,3 kg trong giai đoạn hiện nay. Với sự cải thiện thu nhập của người dân và sự phát triển của dịch vụ hậu cần, thị trường tiêu thụ thủy sản của Trung Quốc sẽ duy trì sự tăng trưởng trong dài hạn.