Khu vực FDI chiếm 72% tổng giá trị xuất khẩu, nhưng hiệu ứng lan tỏa thấp
Khu công nghiệp Vsip Bình Dương. Ảnh: Sơn Nam

Báo cáo chỉ rõ, nếu đánh giá căn cứ vào chỉ số giá trị gia tăng, doanh thu và việc làm thì các doanh nghiệp FDI chi phối 12 trên 24 phân ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.

Các doanh nghiệp FDI hiện đang đóng vai trò chi phối ở 4 trong 5 ngành công nghiệp xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam là dệt may, da giày, điện tử, sản xuất đồ gỗ và các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo thay thế nhập khẩu như ngành cao su-nhựa, kim loại cơ bản và các sản phẩm cơ khí.

Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp FDI là từ các nước mới nổi, nhất là từ Trung Quốc. Hoạt động doanh nghiệp FDI chủ yếu nhập khẩu để phục vụ sản xuất, từ đó hiệu ứng lan tỏa ra nền kinh tế trong nước còn thấp. Số hợp đồng chuyển giao công nghệ của các doanh nghiệp FDI rất khiêm tốn, chỉ khoảng 1.000 hợp đồng trong tổng số gần 27.500 dự án đầu tư nước ngoài; trong đó, chuyển giao công nghệ bao gồm đối tượng sở hữu công nghiệp chỉ chiếm 13%; tỷ lệ nội địa hóa ở mức thấp, bình quân chỉ đạt 20-25%.

Theo ông Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương, bên cạnh những thành tựu nổi bật, năng lực tự chủ, khả năng thích ứng và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc hoặc tác động bên ngoài còn yếu. Khả năng tự chủ của nền kinh tế chịu ảnh hưởng mạnh từ biến động hoạt động sản xuất khu vực đầu tư nước ngoài và một số thị trường lớn. Kinh nghiệm các nước cho thấy, Việt Nam không thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành công nếu chỉ dựa vào FDI.

Do vậy, để đạt được bước phát triển nhanh, bền vững, nhân tố then chốt là chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế./.