Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm
Người dân mua sắm hàng hóa tại siêu thị Big C Hà Nội.

Sau nhiều năm liên tục đề ra và thực hiện tốt mục tiêu kiềm chế lạm phát khoảng 4%, năm 2023 Quốc hội nới chỉ tiêu tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân lên 4,5% trong bối cảnh vẫn ưu tiên cao nhất cho mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô. Việc điều chỉnh này đã cho thấy nền kinh tế đang chịu sức ép lạm phát rất lớn.

Tạo dư địa an toàn cho kiểm soát lạm phát

Bên cạnh yêu cầu tăng cường công tác quản lý, điều hành giá trong dịp Tết Nguyên đán như thông lệ, trong nội dung định hướng công tác quản lý, điều hành giá năm 2023 của Ban Chỉ đạo điều hành giá có một số điểm đáng chú ý. Ðó là yêu cầu các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tập trung điều hành giá các mặt hàng nhà nước quản lý thận trọng trong những tháng đầu năm để tạo dư địa an toàn cho công tác kiểm soát lạm phát cả năm 2023.

Trước mắt, trong quý I/2023 xem xét điều chỉnh giá những mặt hàng đã đánh giá được tác động và có phương án giá cụ thể trình cấp có thẩm quyền cho ý kiến. Trong các quý tiếp theo, tùy vào diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI), đánh giá tác động của việc điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước định giá để xem xét điều chỉnh vào thời điểm thích hợp với mức độ phù hợp bảo đảm kiểm soát lạm phát mục tiêu.

Từ đó tham mưu, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đưa ra những quyết sách phù hợp tình hình thực tế. Ðối với các mặt hàng nhà nước định giá, các dịch vụ công đang triển khai lộ trình thị trường, các bộ, ngành, địa phương chủ động trong việc tính toán, chuẩn bị các phương án giá, phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động đến CPI bảo đảm ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong thực tế, việc thực hiện điều chỉnh giá các mặt hàng do nhà nước quản lý theo đúng lộ trình sẽ tác động rất mạnh tới CPI, nhất là giá điện, giá dịch vụ y tế, giáo dục. Tổng cục Thống kê cho biết chỉ riêng các nhóm giáo dục và y tế đã chiếm gần 12% quyền số trong rổ hàng hóa tính CPI, cho nên nếu học phí và dịch vụ khám, chữa bệnh được điều chỉnh giá theo lộ trình trong năm nay sẽ tác động tới CPI chung của cả nền kinh tế.

Trong tháng 11/2022, CPI tăng lên mức 4,37% so cùng kỳ năm 2021, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2014 (ngoại trừ năm 2016 tăng 4,52%) có nguyên nhân chính là do một số địa phương tăng học phí, khiến chỉ số giá giáo dục tăng gần 11%. Còn đối với giá điện bán lẻ, cứ giá điện tăng 10% sẽ tác động trực tiếp làm CPI tăng 0,33%. “Hoạt động sản xuất, kinh doanh đã quay trở lại trạng thái bình thường thì sự vận hành phải tuân theo quy luật thị trường. Những mặt hàng do nhà nước định giá cũng sẽ chấm dứt thời gian kìm hãm sự tăng giá. Vì vậy, học phí, viện phí và giá bán lẻ điện cũng sẽ được điều chỉnh tăng, gây áp lực lên lạm phát rất lớn…Trước những rủi ro lạm phát đang hiện hữu, để kiểm soát được lạm phát mục tiêu khoảng 4,5% đòi hỏi công tác quản lý, điều hành giá phải quyết liệt ngay từ những tháng đầu năm”- bà Nguyễn Thu Oanh, Vụ trưởng Thống kê giá, Tổng cục Thống kê kiến nghị.

Không chủ quan trước những rủi ro tiềm ẩn

Nhận diện những thách thức điều hành lạm phát năm 2023, các chuyên gia kinh tế chỉ ra nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá. Cụ thể, đối với tác động từ bên ngoài, các tổ chức quốc tế dự báo lạm phát thế giới sẽ giảm sau khi đạt đỉnh trong năm 2022 nhưng vẫn ở mức cao, tiếp tục là rủi ro lớn nhất với nhiều nền kinh tế, trong đó có Việt Nam; việc Trung Quốc gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” sẽ gia tăng nhu cầu về nguyên nhiên vật liệu sản xuất, hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng, đẩy giá cả trên thế giới tăng, gây áp lực lên lạm phát toàn cầu.

Bên cạnh đó, Việt Nam là nước phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất, cho nên việc nhập khẩu nguyên liệu với mức giá cao sẽ ảnh hưởng đến chi phí, giá thành, tạo áp lực cho sản xuất của doanh nghiệp, từ đó đẩy giá hàng hóa tiêu dùng trong nước tăng lên, tạo áp lực cho lạm phát của nền kinh tế. Ở trong nước, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023 như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) sẽ khiến giá hàng hóa tăng trở lại; việc tăng lương từ ngày 1/7/2023 có khả năng kéo giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng lên theo. Hơn nữa, áp lực cầu kéo từ các gói hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ đẩy giá cả hàng hóa và dịch vụ lên cao và tạo áp lực lên lạm phát.

Tuy nhiên, cũng có một số yếu tố giúp kiềm chế tốc độ tăng giá. Yếu tố hỗ trợ lớn nhất là Việt Nam có nguồn lương thực, thực phẩm dồi dào, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, giúp giảm bớt áp lực lạm phát. Chính sách giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu được thực hiện ngay từ đầu năm sẽ kiềm chế tốc độ tăng giá bán lẻ của các mặt hàng quan trọng này.

Căn cứ vào diễn biến tình hình thực tiễn, Bộ Tài chính đưa ra ba kịch bản dự báo lạm phát năm 2023 với các mức tăng CPI tương ứng khoảng 4,2%; 4,55% và 4,98%. Các kịch bản này đều dựa trên cơ sở điều hành các mặt hàng do nhà nước quản lý chủ yếu tăng vào quý III, IV/2023, trong đó dự báo giá điện sinh hoạt tăng tương ứng 5%, 7% và 8%.

Ðáng lưu ý, nghiên cứu dự báo của một số tổ chức trong nước cập nhật những dữ liệu tích cực hơn về lạm phát toàn cầu và cho rằng áp lực lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 có thể hạ nhiệt, CPI bình quân cả năm nhiều khả năng sẽ duy trì ở mức 3,2%-3,5%. Theo PGS, TS Ngô Trí Long, những lợi thế có được từ việc kiểm soát tốt lạm phát trong năm qua sẽ là cơ hội để Việt Nam tiếp tục duy trì được mức lạm phát tương đối thấp so với các nền kinh tế khác. Tuy nhiên công tác quản lý, điều hành không được chủ quan trước những rủi ro tiềm ẩn, nhất là sự phối hợp của liên bộ Tài chính - Công thương trong công tác điều hành giá xăng dầu.