Kiểm soát quyền lực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công
Quản lý tài sản công chặt chẽ, góp phần giảm thất thu ngân sách nhà nước. Ảnh tư liệu

PV: Quy định số 189-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công được ban hành vào thời điểm này có ý nghĩa quan trọng ra sao, thưa ông?

Kiểm soát quyền lực trong quản lý sử dụng tài chính, tài sản công

Ông Nguyễn Thanh Bình: Quản lý tài chính, tài sản công (TSC) là những hoạt động quan trọng, thường xuyên sử dụng quyền lực nhà nước có ảnh hưởng quan trọng đối với đời sống kinh tế - xã hội, do đó cần phải tăng cường kiểm soát quyền lực trong các hoạt động này.

Tuy nhiên, thực tiễn thực thi quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC cho thấy còn có những tồn tại, hạn chế như: Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế có nơi, có lúc còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu; cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội trên một số lĩnh vực còn sơ hở, chưa thật đầy đủ, đồng bộ; một số quy định chưa phù hợp với thực tiễn dễ bị lợi dụng để tham nhũng, tiêu cực...

Nhận thức vai trò, tầm quan trọng của kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý tài chính, TSC, đồng thời xuất phát từ yêu cầu xây dựng các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính, TSC trong sạch, vững mạnh, liêm chính; bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của các cơ quan này trong tiến trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Bộ Chính trị đã chỉ đạo ban hành Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC.

Yêu cầu cao hơn kiểm soát quyền lực sử dụng tài sản công

Đảng và Nhà nước đang đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa có nhiều tiến bộ, tổ chức bộ máy nhà nước tiếp tục được hoàn thiện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn. Bối cảnh đó tiếp tục đặt ra những yêu cầu cao hơn cho giai đoạn mới, trong đó có yêu cầu hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

PV: Quy định số 189 đã đưa ra những nội dung trọng tâm để kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý tài chính, TSC như thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Nội dung trọng tâm của Quy định này là kiểm soát các quyết định, hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực của chủ thể trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC để tham nhũng, tiêu cực. Theo đó, Quy định đã chỉ rõ 23 hành vi tham nhũng, tiêu cực, trong đó có 13 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công và 10 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng TSC.

Đơn cử như hành vi thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để xảy ra vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công. Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước...

PV: Quy định này có tác động như thế nào đến công tác quản lý nhà nước của Bộ Tài chính trong việc quản lý tài chính ngân sách và TSC, thưa ông?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Trong những năm tới, dự báo tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi, phức tạp, khó lường hơn. Bên cạnh đó là sự phát triển ngày càng nhanh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của kinh tế số, xã hội số đã đặt ra yêu cầu phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong hoạt động; tạo thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi có công việc liên quan đến tài chính, TSC; đồng thời, tăng tính minh bạch và tạo điều kiện để người dân kiểm soát hoạt động của các cơ quan này.

Do đó, Quy định của Bộ Chính trị sẽ là cơ sở chính trị, pháp lý quan trọng để Bộ Tài chính tham mưu giúp Chính phủ xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tài chính, TSC; tăng cường giám sát và điều tiết thị trường tài chính. Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động, năng lực cạnh tranh, tính minh bạch và áp dụng các chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt trong quản trị và hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam.

PV: Tại Quy định của Bộ Chính trị đã chỉ rõ 23 hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC. Theo ông, với việc “điểm mặt, chỉ tên” này, các hành vi tham nhũng, tiêu cực có bị đẩy lùi không?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Quy định của Bộ Chính trị đã quy định rõ các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC. Việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC phải bảo đảm các nguyên tắc lãnh đạo thống nhất, toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối của Đảng; chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, TSC.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính được Ban Cán sự đảng Chính phủ giao tham mưu xây dựng Kế hoạch triển khai Quy định 189-QĐ/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC. Cùng với các quy định về kiểm soát quyền lực, phòng chống tham nhũng trong các lĩnh vực đã được ban hành, việc quán triệt, tổ chức triển khai thực hiện nghiêm Quy định này sẽ hình thành hệ thống kiểm soát quyền lực Nhà nước một cách đồng bộ, toàn diện trong cả quá trình lập pháp, hành pháp và tư pháp, góp phần phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực hiệu quả trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Quy định 189-QĐ/TW đã được xây dựng công phu, kỹ lưỡng

Đề án và Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC đã được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của 98 cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan liên quan: Ban Kinh tế Trung ương; Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; Đảng ủy Khối các doanh nghiệp Trung ương; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao; Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; Kiểm toán nhà nước; 24 bộ, ngành và UBND 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Ban Cán sự đảng Chính phủ đã 4 lần cho ý kiến bằng văn bản về Đề án và chỉ đạo Bộ Tài chính tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của Ban Nội chính Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương.

Trên cơ sở chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Cán sự đảng Chính phủ, nội dung Dự thảo Đề án và Quy định của Bộ Chính trị đã được Bộ Tài chính xây dựng công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ, rõ ràng; tổng kết tình hình, thực trạng kiểm soát quyền lực trong quản lý tài chính, TSC; nhận diện đầy đủ các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC.

Trên thực tế, thời gian qua, Bộ Tài chính đã tập trung hoàn thiện hệ thống luật và chính sách thuế, phí, lệ phí theo nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, nâng cao sức cạnh tranh của môi trường đầu tư. Ngoài ra, đã cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định vững chắc kinh tế vĩ mô, bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2030 khoảng 3% GDP.

Do đó, việc Quyết định được ban hành vào thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm nhận diện đầy đủ các biểu hiện, hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, TSC, từ đó, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội./.