Kiểm soát thương mại chiến lược,
Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là các ngành sản xuất điện tử, linh kiện. Ảnh: CAND

Xây dựng khung pháp lý kiểm soát thương mại vững chắc

Theo Bộ Công thương, thời gian qua, xu hướng dịch chuyển của các chuỗi giá trị toàn cầu đã giúp Việt Nam dần trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư, nhất là các ngành sản xuất sản phẩm công nghệ cao như: điện tử, máy tính và đặc biệt là công nghệ bán dẫn. Do vậy, để đảm bảo các hoạt động chuyển giao công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, các đối tác thương mại lớn đã đề xuất Việt Nam nghiên cứu, xây dựng cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược.

Hoàn thiện kế hoạch hành động về cân bằng thương mại

Tại Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 10/3/2025 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để chủ động thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công thương khẩn trương hoàn thiện kế hoạch hành động về cân bằng thương mại hài hòa, bền vững với các đối tác lớn.

Việt Nam với vị thế là quốc gia có kim ngạch xuất, nhập khẩu tăng trưởng mạnh, trong top 20 nước có quy mô thương mại lớn nhất và có quan hệ thương mại với hầu hết các quốc gia, nên cần có khung pháp lý về kiểm soát thương mại chiến lược, đưa vào các chương trình phối hợp song phương.

Việc xây dựng được cơ chế kiểm soát thương mại chiến lược hiệu quả cũng tạo nền tảng vững chắc cho việc tăng cường nhập khẩu công nghệ cao, công nghệ nguồn từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu, từ đó giúp cân bằng cán cân thương mại.

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, việc khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi Việt Nam đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng một nền kinh tế hiện đại, bền vững và có sức cạnh tranh cao trên trường quốc tế.

Vì vậy, Bộ Công thương đã xây dựng dự thảo nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược gồm 6 chương, 18 điều. Dự thảo Nghị định là một văn bản có tính bước ngoặt, nhằm điều chỉnh các hoạt động thương mại liên quan đến hàng hóa lưỡng dụng, công nghệ nhạy cảm và các sản phẩm có ảnh hưởng đến an ninh – quốc phòng. Không chỉ bảo vệ lợi ích quốc gia, dự thảo Nghị định còn là cam kết nội địa hóa các quy tắc thương mại công bằng, minh bạch mà Việt Nam đã ký trong các hiệp định quốc tế.

TS. Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh nhận định, dự thảo Nghị định nêu ra rất nhiều vấn đề, trong đó có nhiều nội dung chủ chốt như giúp nâng cao năng lực kiểm soát chuỗi cung ứng; minh bạch hóa nguồn gốc xuất xứ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp

Còn theo PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng - giảng viên cao cấp Viện Thương mại và Kinh tế quốc tế, Đại học Kinh tế quốc dân, dự thảo đã đưa ra khuôn khổ có tính chất pháp lý ban đầu về bảo hộ tài sản và công nghệ thương mại chiến lược, đặc biệt là công nghệ hàng hóa lưỡng dụng trong cả quốc phòng và dân dụng.

Cần thiết kế với tầm nhìn dài hạn

Nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Công thương đã công bố dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược và lấy ý kiến rộng rãi là hết sức kịp thời. Đồng thời, kỳ vọng nghị định kiểm soát thương mại chiến lược không chỉ là một bộ khung pháp lý, mà là một cơ hội để Việt Nam bứt phá.

TS. Võ Trí Thành chia sẻ, dự thảo Nghị định về kiểm soát thương mại chiến lược là một văn bản pháp lý rất quan trọng và được đề xuất kịp thời. Dự thảo này cũng là mức cam kết về thương mại xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác và doanh nghiệp xuất khẩu, cơ quan, bộ, ngành dựa vào đó để thực hiện một cách nghiêm túc những vấn đề liên quan đến chiến lược thương mại.

Theo TS. Võ Trí Thành, để nghị định thực sự đi vào cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực cho nền kinh tế, cho doanh nghiệp, cần lắng nghe đầy đủ ý kiến từ các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu, và đặc biệt là cơ quan thực thi tại địa phương bởi chính họ là những đối tượng, chủ thể trực tiếp thực thi nghị định này.

Ở góc độ hiệp hội, ông Trần Đức Nghĩa, Chủ tịch Hiệp hội Logistics Hà Nội đánh giá, nghị định này sẽ là một "lời cam kết" mạnh mẽ của Việt Nam với các đối tác thương mại lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, rằng Việt Nam sẵn sàng tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế trong kiểm soát công nghệ, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn nguy cơ rò rỉ công nghệ nguồn sang các nước thứ ba khi chưa được sự cho phép. Vì vậy, việc kiểm soát thương mại chiến lược không nên chỉ dừng lại ở quản lý xuất nhập khẩu công nghệ, mà cần có những chính sách đi kèm để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ trong nước.

Đề xuất góp ý vào dự thảo Nghị định, PGS.TS. Nguyễn Thường Lạng cho rằng, nghị định cần chỉ ra mặt hàng nào được cho là mặt hàng thương mại chiến lược; mặt hàng nào được cho là công nghệ chiến lược; mặt hàng nào thuộc về bí mật, công nghệ cần được bảo hộ. Nghị định cũng cần làm rõ một số khái niệm và tham khảo thêm quy định của các nước để hoàn thiện hơn. Đặc biệt, nghị định cần được ban hành sớm để các nước tin rằng Việt Nam là một thành viên có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế và làm việc một cách chủ động, tích cực.

Có ý kiến cho rằng, Nghị định kiểm soát thương mại chiến lược cần được thiết kế với tầm nhìn dài hạn, đảm bảo tính linh hoạt, khả thi và minh bạch. Nếu quy định quá cứng nhắc, doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn trong tiếp cận công nghệ và mở rộng sản xuất. Ngược lại, nếu lỏng lẻo, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ bị đánh giá thấp về năng lực kiểm soát công nghệ, ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn đầu tư nước ngoài./.