Kiểm tra chuyên ngành:
Việc các bộ chưa thể kết nối dữ liệu kiểm tra chuyên ngành sẽ phát sinh việc kiểm tra giấy tờ hoặc hàng hóa. Ảnh: Lê Thu.

Cần thiết nhưng chưa thể thống nhất

Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021. Đây được coi như mở "cánh cửa" đổi mới và khép lại những vướng mắc lâu nay. Tuy vậy, đề án mới là điều kiện cần. Để hiện thực hóa, để những lợi ích kinh tế nói chung và lợi ích của doanh nghiệp (DN) có thể “đo đếm” được, các quy định, chính sách cụ thể phải được hoàn thiện. Mấu chốt nhất trong đó chính là dự thảo nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (NK), do Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục Hải quan) chủ trì xây dựng.

Tổ chức đo thời gian thông quan hàng hóa minh bạch

Thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã tổ chức đo thời gian giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu một cách minh bạch. Kết quả cho thấy, trong tổng thời gian từ khi đăng ký tờ khai đến khi thông quan/giải phóng hàng thì thời gian làm thủ tục của cơ quan hải quan chỉ chiếm khoảng 28%. 72% thời gian còn lại phụ thuộc vào thủ tục của cơ quan quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, giữa các cơ quan quản lý thiếu sự phối hợp đồng bộ nên DN phải chờ lâu.

Dự thảo nghị định được đánh giá là một văn bản khó, dù chỉ đưa ra các quy trình thủ tục nhưng tác động rất nhiều đến quá trình cải cách của nhiều bộ ngành, đơn vị liên quan. Do đó, khi dự thảo được đưa ra đã đối diện với 2 luồng phản ứng mạnh mẽ. Một bên là cộng đồng DN ủng hộ, kỳ vọng và một bên là các cơ quan chuyên ngành đặt ra nhiều vấn đề không đồng thuận.

Trong gần 3 năm hoàn thiện dự thảo nghị định, ban soạn thảo đã tổ chức hàng trăm lần lấy ý kiến cả bằng văn bản, tổ chức họp, hội thảo với các bộ, cơ quan, DN để tiếp thu ý kiến, chỉnh lý. Mỗi một lần chỉnh lý, Tổng cục Hải quan liên tục làm việc với các đơn vị còn ý kiến khác nhau, để đi đến phương án thống nhất.

Từ quy định “nhiều điều” về kiểm tra chuyên ngành, tới nay, dự thảo nghị định đã chuyển thành chỉ quy định về mặt cơ chế. Cụ thể hơn, dự thảo đưa ra cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện đồng bộ, thống nhất trên Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Dự thảo không làm thay đổi vai trò quản lý của các bộ, ngành và vai trò kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu của cơ quan kiểm tra. Nghĩa là, cơ quan kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nhập khẩu vẫn là các cơ quan như hiện nay. Cơ quan hải quan chỉ thực hiện kiểm tra hồ sơ đối với thực phẩm nhập khẩu. Dù đã “tối giản” hơn nhiều, song, cho tới nay, vẫn chưa thể thống nhất.

Cuối năm 2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã họp lại các bộ, ngành liên quan và khẳng định một lần nữa về sự cần thiết của việc ban hành nghị định khung, với mục tiêu cải cách, nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động thông quan hàng hóa, kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính làm việc thêm với các bộ: Công thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Y tế để đưa ra một ý kiến cuối cùng.

Các bộ vẫn muốn tự cải cách

Thực hiện chỉ đạo, buổi làm việc giữa Bộ Tài chính với 4 bộ nói trên đã được diễn ra vào đầu tháng 3/2024. Chủ trì buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi đã thắng thắn rằng: “Cải cách là một xu thế không thể đừng. Trong mỗi lĩnh vực đều có những loại hàng hóa, sản phẩm đặc thù, ta có làm được trong một văn bản này không, các bộ cho ý kiến rõ để cơ quan soạn thảo báo cáo Phó Thủ tướng".

Cả 4 ý kiến từ 4 bộ chuyên ngành đều mong muốn sẽ tự rà soát và đưa ra phương án cải cách theo đặc thù, phù hợp với từng lĩnh vực. Tất cả sẽ cùng kết nối vào một hệ thống công nghệ thông tin chung như Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN hiện nay.

Tuy nhiên trước đây, Chính phủ giao nhiệm vụ cho các bộ cải cách. Nhưng quá trình này không đồng nhất, nơi nhanh nơi chậm, không đáp ứng yêu cầu đề ra. Đó là lý do Thủ tướng Chính phủ phải ban hành Quyết định 38. Nếu giờ lại để các bộ tự cải cách, vậy thì có quay lại tình trạng như trước(?)

Nêu ra “nỗi lo” của ngành Hải quan, ông Nguyễn Văn Thọ - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, kiến nghị lãnh đạo Bộ Tài chính báo cáo rõ ý kiến của các bộ với lãnh đạo Chính phủ; đồng thời đề xuất Chính phủ kết luận rõ những nội dung cần sửa đổi, cần cải cách cụ thể của từng đơn vị để đáp ứng yêu cầu cải cách chung.

Kết luận, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nêu quan điểm, cải cách thì phải đồng bộ. Các đơn vị phải tự cải cách nhưng cải cách như thế nào, khi nào thì cải cách, trách nhiệm ở đâu cần phải được làm rõ.

“Cải cách là việc không thể thay đổi, ai không cải cách sẽ tự tụt hậu. Bộ Tài chính không làm thay được các bộ, ngành, nhưng Bộ Tài chính không thể đi nhanh nếu các bộ đi chậm. Chúng ta phải cùng nhau đi nhanh, để đưa ra phương án tốt nhất, hỗ trợ cho DN” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Bộ Tài chính sẽ báo cáo tinh thần của buổi làm việc này tới Phó Thủ tướng Chính phủ để chờ quyết định cuối cùng.

Kiểm tra chuyên ngành:

ÔNG ÂU ANH TUẤN - CỤC TRƯỞNG CỤC GIÁM SÁT, QUẢN LÝ VỀ HẢI QUAN (TỔNG CỤC HẢI QUAN):

Đáp ứng tiến độ và đồng bộ với nhau

Hiện nay, nhiều thủ tục hành chính của các bộ, ngành đã được kết nối với Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN. Song, việc thực hiện cũng có những bất cập. Ví dụ như việc số hóa thủ tục, chứng từ giấy tờ hay việc điện tử hóa quy trình.

Thủ tục được số hóa tức là đã được mã hóa đầu cuối cả hai đầu. Hệ thống của cơ quan hải quan tiếp nhận được hồ sơ số nhưng phía các bộ, ngành vẫn chỉ chuyển lên hồ sơ bản scan, bản chụp thì phía hải quan cũng không đọc được, không sử dụng được. Điều này dẫn đến phát sinh kiểm tra hồ sơ giấy trong quá trình thông quan.

Để đồng bộ, các đơn vị chuyên ngành phải có lộ trình số hóa việc thực hiện các thủ tục này. Nếu các bộ tự chủ động cải cách thì phải bám sát chỉ đạo của Chính phủ để đáp ứng tiến độ và đồng bộ với nhau. Đông Mai (ghi)

Kiểm tra chuyên ngành:

ÔNG VŨ THÁI SƠN, TỔNG GIÁM ĐỐC CÔNG TY CỔ PHẦN LONG SƠN:

Giao một đầu mối về kiểm tra chuyên ngành sẽ thuận lợi cho doanh nghiệp

Tập đoàn Long Sơn là DN chế biến, xuất khẩu hạt điều quy mô lớn. Mỗi năm DN nhập khẩu vài chục nghìn tấn đến cả trăm nghìn tấn điều về phục vụ sản xuất, xuất khẩu. Vướng mắc lớn nhất của chúng tôi cũng như các DN nhập khẩu nguyên liệu điều xuất khẩu là vấn đề kiểm tra chuyên ngành.

Hạt điều nhập khẩu phải thực hiện kiểm dịch thực vật theo quy định. Nhưng hiện nay, hàng nhập khẩu về phải để tại cảng để chờ lấy mẫu kiểm dịch thực vật. Trong thời gian chờ kết quả kiểm tra, DN tốn thêm chi phí lưu container, lưu bãi rất lớn.

Nếu kiểm tra chuyên ngành được giao về một đầu mối là cơ quan hải quan sẽ thuận lợi cho DN trong việc thông quan hàng hóa, DN không phải liên hệ nhiều nơi, tiết giảm chi phí, thời gian./. Lê Thu (ghi)