Theo báo cáo từ UBND tỉnh Kiên Giang, tính đến hết ngày 24/8/2023, toàn tỉnh giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 được trên 2.355 tỷ đồng, đạt trên 35% tổng kế hoạch vốn (trên 6.641,7 tỷ đồng), thấp hơn 8,67% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, nguồn vốn do các sở, ban, ngành cấp tỉnh quản lý chiếm 48,32% kế hoạch (gần 3.209 tỷ đồng), mới giải ngân được trên 975 tỷ đồng, đạt 30,39% kế hoạch.

Nguồn vốn do cấp huyện, thành phố quản lý chiếm 51,68% kế hoạch (trên 3.432,7 tỷ đồng), mới giải ngân được trên 1.380 tỷ đồng, đạt 40,21% kế hoạch.

Kiên Giang: Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đang đạt thấp
Tỉnh Kiên Giang đang có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp. Ảnh minh họa

Ngoài ra, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (nguồn vốn ngân sách trung ương) của tỉnh được giao trên 562 tỷ đồng cho 5 dự án gồm: Dự án kè xử lý sạt lở cấp bách bờ tây kênh Ông Hiển (từ đường Nguyễn Thái Học đến đường Sư Thiện Ân, phường Vĩnh Bảo, TP. Rạch Giá); Dự án chống sạt lở bờ biển và phục hồi tuyến đê, kè biển từ Tiểu Dừa đến khu vực Kim Quy, huyện An Minh; Dự án nâng cấp, cải tạo Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh; Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị cho 13 trung tâm y tế tuyến huyện; Dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng và mua sắm trang thiết bị Trung tâm y tế huyện Vĩnh Thuận. Đến nay, nguồn vốn này đã giải ngân trên 117 tỷ đồng, đạt 20,87% kế hoạch.

Tính đến hết ngày 24/8/2023, tỉnh Kiên Giang giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2023 được trên 2.355 tỷ đồng, đạt trên 35% tổng kế hoạch vốn (trên 6.641,7 tỷ đồng), thấp hơn 8,67% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguồn vốn 3 Chương trình mục tiêu quốc gia của tỉnh được giao trên 201 tỷ đồng, đến hết ngày 24/8/2023 giải ngân được gần 30 tỷ đồng, đạt 14,91% so với kế hoạch.

Tổng kế hoạch vốn đầu tư công kéo dài từ năm 2022 sang năm 2023 trên 165 tỷ đồng. Đến hết ngày 24/8/2023, toàn tỉnh đã giải ngân được trên 33 tỷ đồng, đạt 20,25% kế hoạch.

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Kiên Giang, như nhiều địa phương trong cả nước, tỉnh Kiên Giang cũng gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai giải ngân vốn khi tiến độ nhiều dự án lớn, trọng điểm triển khai chậm, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa có chuyển biến tích cực do quy trình, thủ tục kéo dài; còn nhiều khiếu nại, tranh chấp của các hộ dân…

Nhiều dự án khởi công mới, chưa hoặc đang lựa chọn nhà thầu xây lắp nên giá trị giải ngân đạt thấp. Bên cạnh đó, tình trạng khan hiếm nguồn cát xây dựng đang diễn ra làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ, khối lượng xây dựng các công trình.

Đặc biệt, 5 dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội triển khai chậm do thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế - dự toán; đấu thầu kéo dài... Trong đó, có 3 dự án khả năng không hoàn thành giải ngân trong năm 2023 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Các dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia được giao vốn thực hiện chậm… Đáng chú ý, trên địa bàn tỉnh hiện có 14 đơn vị có kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 lớn nhưng đến nay giá trị giải ngân thấp hơn mức trung bình của tỉnh…

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân trong những tháng tiếp theo, UBND tỉnh Kiên Giang đang tiếp tục đề nghị các đơn vị, địa phương giải ngân thấp rà soát, phân tích rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể để giải quyết tình trạng chậm giải ngân.

Đồng thời, UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội./.