Kinh tế khó khăn, thu ngân sách sụt giảm so với cùng kỳ
Nguồn: Bộ Tài chính Đồ họa: Văn Chung

Thu ngân sách tháng 5 bằng 62% mức thu bình quân 4 tháng

Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5 ước đạt 103,4 nghìn tỷ đồng, bằng 62,1% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (166,5 nghìn tỷ đồng/tháng).

Trong đó, riêng thu nội địa ước đạt 80,8 nghìn tỷ đồng, bằng 57,9% mức thu bình quân 4 tháng đầu năm (139,5 nghìn tỷ đồng/tháng), chủ yếu do hoạt động sản xuất - kinh doanh của một số ngành công nghiệp chủ lực suy giảm, doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn, thị trường, đơn hàng sản xuất giảm; thị trường bất động sản trầm lắng…, kết hợp với thực hiện chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, tiền thuê đất, đã tác động giảm thu ngân sách trong tháng 5.

Lũy kế 5 tháng, thu NSNN ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán, bằng 94% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 51,2% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 43,2% dự toán).

Trong đó, thu nội địa 5 tháng ước đạt 638,7 nghìn tỷ đồng, bằng 47,9% dự toán, bằng 97,1% so cùng kỳ năm 2022. Thu từ dầu thô ước đạt 25,6 nghìn tỷ đồng, bằng 61% dự toán. Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt gần 105,3 nghìn tỷ đồng, bằng 44% dự toán, giảm 20% so với cùng kỳ năm 2022.

Phân tích kỹ hơn các khoản thu cho thấy, trong số thu nội địa, thu tiền sử dụng đất ước đạt 38,6 nghìn tỷ đồng, bằng 25,7% dự toán. Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ước đạt 21,4 nghìn tỷ đồng, bằng 56,9% dự toán. Thu cổ tức lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi của Ngân hàng Nhà nước ước đạt 83,4% dự toán.

Các khoản thu nội địa còn lại ước đạt 516,3 nghìn tỷ đồng, bằng 48,3% dự toán, xấp xỉ mức thu cùng kỳ năm 2022.

Các khoản thu tiến độ đạt thấp so dự toán như thu thuế bảo vệ môi trường ước đạt 20,8% dự toán, giảm 47% so với cùng kỳ, các loại phí, lệ phí ước đạt 40,3% dự toán, giảm 11,2% so với cùng kỳ.

Về số thu trên địa bàn, ước tính có 17/63 địa phương thực hiện thu nội địa 5 tháng đạt trên 48% dự toán; 13/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ, trong khi có tới 50 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ.

Đã miễn, giảm, gia hạn hơn 63 nghìn tỷ đồng tiền thuế, phí

Trong tháng 5, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân.

Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 5 khoảng 63,16 nghìn tỷ đồng (miễn, giảm khoảng 25,16 nghìn tỷ đồng; gia hạn khoảng 38 nghìn tỷ đồng). Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, thanh tra, kiểm tra thuế, rà soát các nguồn thu, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành vượt dự toán thu để bù đắp số giảm thu do thực hiện chính sách; kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), đảm bảo đúng chính sách, quy định của pháp luật; đôn đốc xử lý thu hồi nợ đọng thuế.

Thu từ 3 khu vực kinh tế tăng nhẹ so với cùng kỳ

Thu từ 3 khu vực kinh tế (chiếm 53,3% dự toán thu nội địa) ước đạt 49,5% dự toán, tăng 4,2% so cùng kỳ. Tuy nhiên, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp đạt khá so dự toán do doanh nghiệp đã tạm nộp 3/5 kỳ theo quy định, số thu của 3 khu vực này chỉ bằng 89,7% cùng kỳ năm 2022.

Thuế thu nhập cá nhân ước đạt 50,3% dự toán, giảm 5,1% so với cùng kỳ. Thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản ước đạt 62,8% dự toán, tăng 1,6% so với cùng kỳ; thu khác ngân sách ước đạt 104,7% dự toán, tăng 97,4% so cùng kỳ...

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy phục hồi hoạt động sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội đề xuất giảm 2% thuế suất thuế GTGT như đã áp dụng trong năm 2022. Dự kiến thực hiện chính sách trong 6 tháng cuối năm 2023 tác động làm giảm thu NSNN khoảng 24 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, Bộ Tài chính đã xin ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp về dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ giảm tiền thuê đất năm 2023 (dự kiến giảm thu NSNN khoảng 3,5 nghìn tỷ đồng) và dự thảo Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (dự kiến giảm thu NSNN khoảng 11 nghìn tỷ đồng), để trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, ban hành.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có công văn đề nghị các bộ, cơ quan rà soát, đề xuất giảm 35 khoản phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, với số tiền giảm dự kiến khoảng 700 tỷ đồng.

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thu đúng, thu đủ về ngân sách. Tính đến ngày 15/5/2023, cơ quan Thuế đã thực hiện 14,7 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra; kiểm tra 160,5 nghìn hồ sơ khai thuế của doanh nghiệp; qua đó kiến nghị xử lý tài chính khoảng 20,4 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nộp NSNN khoảng 4,7 nghìn tỷ đồng (đã nộp vào ngân sách khoảng 3,4 nghìn tỷ đồng), giảm khấu trừ và giảm lỗ gần 15,7 nghìn tỷ đồng; đôn đốc thu hồi và xử lý nợ đọng thuế ước đến hết tháng 5 đạt khoảng 18,4 nghìn tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/5/2023, cơ quan hải quan đã thực hiện 419 cuộc thanh tra, kiểm tra, xử lý thu vào NSNN 299,2 tỷ đồng, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, bắt giữ 6,54 nghìn vụ vi phạm với giá trị hàng hóa 2,12 nghìn tỷ đồng, xử lý thu vào NSNN 287,9 tỷ đồng.

Đảm bảo các nhiệm vụ chi trong dự toán

Tổng chi cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 5 ước đạt 152 nghìn tỷ đồng. Lũy kế chi 5 tháng đạt 653,1 nghìn tỷ đồng, bằng 31,5% dự toán, tăng 10,9% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 157,1 nghìn tỷ đồng. Chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 43 nghìn tỷ đồng, bằng 41,8% dự toán, giảm 2,3%; chi thường xuyên ước đạt 452,4 nghìn tỷ đồng, bằng 38,6% dự toán.

Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong 5 tháng đầu năm được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.

Ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng bổ sung cho các địa phương gần 600 tỷ đồng kinh phí phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo quy định. Bên cạnh đó, đã thực hiện xuất cấp 18,3 nghìn tấn gạo dự trữ quốc gia để khắc phục hậu quả mưa lũ, cứu trợ, cứu đói cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán và giáp hạt đầu năm.

Bộ Tài chính đã nhận được báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2023 của 50/52 bộ, cơ quan trung ương và 63/63 địa phương. Trong đó, tổng số kế hoạch vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ chi tiết là 692,1 nghìn tỷ đồng, đạt 97,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm thì đạt 91,06%), kế hoạch vốn chưa phân bổ chi tiết là 63,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 8,94% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trong đó, 24 bộ, cơ quan trung ương là 10,8 nghìn tỷ đồng; 42 địa phương là 52,4 nghìn tỷ đồng).

Cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương được đảm bảo. Tính đến ngày 25/5, đã phát hành gần 162,3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 12,18 năm, lãi suất bình quân 3,8%/năm...