Xuất cấp kịp thời, bảo quản an toàn hàng dự trữ quốc gia

Năm 2021, toàn thế giới và Việt Nam bị ảnh hưởng bởi đại dịch bệnh Covid-19 tác động rất nặng nề về kinh tế - xã hội, sức khỏe và tính mạng con người; thêm vào đó, những tháng cuối năm Việt Nam còn phải chống chọi với nhiều cơn bão và mưa lũ, nhất là khu vực miền Trung.

Tuy nhiên, vượt qua khó khăn, ngành Dự trữ nhà nước (DTNN) đã đạt được một số kết quả quan trọng nhất là nhiệm vụ xuất cấp hàng dự trữ quốc gia (DTQG) để hỗ trợ, cứu trợ nhân dân trong đại dịch Covid-19 và thiên tai bão lũ, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, viện trợ quốc tế. Qua đó, góp phần giúp nhân dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống đảm bảo công tác an sinh - xã hội.

Theo báo cáo tại hội nghị tổng kết công tác năm 2021 và triển khai nhiệm vụ năm 2022 vừa được Tổng cục DTNN tổ chức; thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG đã xuất cấp hàng trị giá hơn 3.424 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục DTNN) đã xuất cấp 253.303 tấn gạo, tăng gần gấp đôi so với năm 2020, trị giá hơn 3.026 tỷ đồng, riêng xuất cấp gạo hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 141.971 tấn gạo.

Vận chuyển gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn.
Vận chuyển gạo dự trữ quốc gia hỗ trợ cho người dân gặp khó khăn.

Ngành DTNN cũng đã xuất cấp hơn 1.454 tấn muối ăn, trị giá khoảng 3 tỷ đồng; xuất 2.086 bộ nhà bạt cứu sinh các loại, 76 bộ máy phát điện, 30 bộ xuồng cao tốc các loại, 175.699 chiếc phao cứu sinh các loại; 1.539 chiếc bè nhẹ cứu sinh; 90 bộ máy bơm nước chữa cháy, 15 bộ thiết bị khoan cắt để phục vụ công tác phòng, chống Covid-19, phòng, chống thiên tai và khắc phục hậu quả mưa lũ, với tổng trị giá khoảng 142,1 tỷ đồng.

Các bộ, ngành quản lý hàng DTQG xuất hàng hóa với tổng giá trị khoảng 253,643 tỷ đồng. Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xuất hàng trăm tấn hạt giống cây trồng, vắc-xin, hóa chất; Bộ Y tế xuất hàng chục tấn Chloramin B, hàng triệu viên sát khuẩn nước; Bộ Quốc phòng xuất thiết bị tiêu tẩy cơ động, Bộ Công an xuất xe chở quân, xe cứu thương.

Phục vụ công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước, Tổng cục DTNN đã xuất và vận chuyển 17.000 tấn gạo cho nước bạn Cuba, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, phương tiện vận chuyển khó khăn nhưng cán bộ, công chức ngành DTNN đã có nhiều cố gắng để hoàn thành nhiệm vụ. Được biết đến ngày 30/12/2021, những chuyến gạo đầu tiên đã đến Cuba.

Theo nhận xét của các cấp chính quyền địa phương và người dân, hàng DTQG xuất cấp đảm bảo chất lượng, rất kịp thời, tiết kiệm, hiệu quả.

Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN Đỗ Việt Đức cho biết, bên cạnh việc hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xuất, cấp hàng DTQG, trong năm 2021, Tổng cục DTNN đã chủ động tham mưu cho Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành quản lý hàng DTQG hoàn thành nhiệm vụ chính trị được giao, trong đó có công tác bảo quản và quản lý chất lượng hàng DTQG.

Thực tế cho thấy, các bộ, ngành quản lý hàng DTQG thực hiện quản lý chặt chẽ chất lượng hàng DTQG theo quy định, hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Hàng dự trữ được bảo quản an toàn về số lượng, đảm bảo chất lượng.

Đối với các mặt hàng do Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục DTNN) trực tiếp quản lý, năm 2021 Tổng cục đã thành lập một số đoàn kiểm tra, phúc tra chất lượng hàng nhập kho trong năm 2021. Về chất lượng lương thực, vật tư, thiết bị DTQG được các đơn vị chú trọng quan tâm ngay từ khi nhập kho, trong quá trình bảo quản và chuẩn bị xuất kho đảm bảo chất lượng, số lượng theo quy định.

Tổ chức thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2022

Theo đánh giá của Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, năm 2021 ngành DTNN đóng góp rất nhiều vào việc hoàn thành nhiệm vụ chung của công tác tài chính - ngân sách nhà nước, nhất là trong mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh - xã hội, phòng chống dịch.

“Có thể nói, một năm qua ngành DTNN thực hiện xuất cấp lượng hàng DTQG rất lớn, đặc biệt là xuất gạo DTQG để phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử ngành DTNN xuất cấp một lượng hàng lương thực DTQG lớn như vậy, để ổn định đời sống nhân dân ở vùng chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh” - Thứ trưởng Tạ Anh Tuấn, cho biết.

Đối với nhiệm vụ năm 2022, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục DTNN tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy hoạch tổng thể hệ thống mạng lưới kho DTQG với tư duy hết sức mới trong một giai đoạn mới đến 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch theo hướng tập trung tránh dàn trải, để làm cơ sở nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống kho DTQG.

“Thứ trưởng đề nghị Tổng cục DTNN rà soát lại một số nhiệm vụ, trong đó tiếp tục hoàn thiện các văn bản pháp luật bao gồm: Luật DTQG; quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về hàng DTQG trên cơ sở đó hoàn thiện hệ thống các định mức kinh tế - kỹ thuật làm cơ sở cho công tác quản lý hoạt động DTQG, tránh để ảnh hưởng tới các nhiệm vụ chuyên môn, đảm bảo chặt chẽ và hiệu quả; rà soát danh mục hàng DTQG để kịp thời bổ sung danh mục thiết yếu cho việc bảo đảm mục tiêu DTQG, đồng thời đưa ra khỏi danh mục những mặt hàng không cần thiết.

“Tổng cục DTNN nói riêng và toàn ngành DTNN hoàn thành tốt kế hoạch nhập, xuất hàng DTQG, quản lý tốt chất lượng hàng DTQG, đặc biệt công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả trong mua, bán hàng DTQG” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Tiếp tục xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch

Năm 2021, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã hoàn thành xây dựng, trình cấp có thẩm quyền ban hành Nghị định số 56/2021/NĐ-CP bổ sung nhóm hàng vật tư, thiết bị y tế vào Danh mục hàng dự trữ quốc gia; đã hoàn thành trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về định mức chi phí xuất hàng dự trữ quốc gia do Tổng cục trực tiếp quản lý và Thông tư quy định về định mức chi phí bảo quản và hao hụt dự trữ quốc gia do Tổng cục Dự trữ Nhà nước trực tiếp quản lý. Đặc biệt, trong năm 2021, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã ký ban hành 9 đề án cơ chế, chính sách nội ngành.

Năm 2022, ngành Dự trữ Nhà nước sẽ tiếp tục xây dựng và hoàn chỉnh các văn bản quy phạm pháp luật theo kế hoạch. Trong đó tập trung trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy hoạch tổng thể kho dự trữ quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Chiến lược phát triển Dự trữ quốc gia đến năm 2030; tiếp tục hoàn thiện xây dựng về cơ chế, chính sách trong đấu thầu, đấu giá hàng dự trữ quốc gia đảm bảo công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả; hoàn thiện hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, các định mức kinh tế, kỹ thuật đối với hàng dự trữ quốc gia do các bộ, ngành, Tổng cục Dự trữ Nhà nước quản lý.