Giá trị xuất khẩu ngành Nông nghiệp năm 2022 sẽ đạt 53 tỷ USD
Trước những khó khăn, thách thức từ thời tiết bất thường, nguy cơ dịch bệnh đến những biến động của thị trường, toàn ngành Nông nghiệp đã duy trì tăng trưởng, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô. Theo đó, 11 tháng năm 2022, xuất khẩu nông sản Việt Nam đã đạt tổng kim ngạch 49,04 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2021. Đến nay, ngành Nông nghiệp có 8 sản phẩm/nhóm sản phẩm đạt giá trị xuất khẩu trên 2 tỷ USD là cà phê, cao su, gạo, rau quả, điều, tôm, cá tra, sản phẩm gỗ.
Đáng chú ý, mới đây, quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ sau quả xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa... Đây là kết quả của nỗ lực đàm phán suốt thời gian dài của các cơ quan chuyên môn giữa hai bên và sự đồng hành kiên trì của cộng đồng những người sản xuất và xuất khẩu bưởi Việt Nam. Dự kiến đến năm 2022 giá trị xuất khẩu của ngành Nông nghiệp sẽ đạt trên mức 53 tỷ USD.
Đối với thị trường trong nước, các mặt hàng rau củ quả có nguồn cung dồi dào, tương đối ổn định. Giá các loại trái cây dự báo tăng nhẹ do nhu cầu tiêu dùng tăng phục vụ các dịp lễ hội cuối năm.
Quả bưởi tươi là loại trái cây thứ 7 của nước ta được phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. |
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Phùng Đức Tiến nhận định, tuy những kết quả mà ngành Nông nghiệp đạt được trong năm 2022 khá khả quan trước bối cảnh kinh tế thế giới hiện nay, nhưng năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn.
Theo đó, thị trường thế giới tiếp tục có nhiều biến động và chịu ảnh hưởng của các yếu tố cạnh tranh địa kinh tế, địa chính trị...; nhất là nhóm hàng nhiên liệu, năng lượng sẽ tác động đến thị trường hàng hóa trong nước, đẩy chi phí vận chuyển tăng mạnh. Một số quốc gia thắt chặt tín dụng do lạm phát; ban hành những chính sách mới nhằm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Bên cạnh đó, Trung Quốc gia tăng kiểm soát hàng hóa; những cáo buộc gian lận xuất xứ, nguồn gốc nguyên liệu… cũng đang trở thành những thách thức đối với xuất khẩu nông sản nói chung, nhất là đối với gỗ và đồ gỗ Việt Nam. Chi phí vật tư đầu vào phục vụ sản xuất dù đã giảm nhưng vẫn ở mức cao...
Không để bị động trước những khó khăn đã dự báo
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, với hoàn cảnh hiện tại, vấn đề mà ngành Nông nghiệp cần quan tâm nhất là không để xảy ra thiếu lương thực, thực phẩm, gây bất ổn trong xã hội. Thời gian tới, cần tiếp tục kêu gọi, khuyến khích sự tham gia của các doanh nghiệp để thúc đẩy xuất khẩu, phát huy tái cơ cấu ngành.
Phân tích thêm về thị trường cuối năm, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho hay, hàng năm, mức tăng trưởng của các mặt hàng nông sản sẽ tăng mạnh vào tháng 11, tháng 12 do nhu cầu của người tiêu dùng tăng cao dịp lễ hội cuối năm. Tuy nhiên, năm 2022 do lạm phát toàn cầu nên sức cầu giảm, thị trường sẽ kém sôi động hơn. Do đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, ngành Nông nghiệp cần tiếp tục chuẩn bị sẵn sàng tâm thế không để bị động trước những khó khăn dự báo cuối năm 2022 và đầu năm 2023.
Bộ NN&PTNT cũng cho biết, trong tháng cuối năm 2022, Bộ sẽ đẩy mạnh hợp tác quốc tế, phát triển thị trường thúc đẩy tiêu thụ nông sản. Cụ thể, Bộ tiếp tục chỉ đạo tổ chức triển khai Nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng và các yêu cầu tạm thời đối với chanh leo sang Trung Quốc; yêu cầu nhập khẩu đối với bưởi xuất sang Hoa Kỳ cho các tổ chức các nhân liên quan tại các địa phương.
Bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão Trong giai đoạn cuối năm 2022, đầu năm 2023, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ thực hiện Kế hoạch triển khai công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và mùa Lễ hội Xuân 2023; Đề án Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2021-2030; hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục sản xuất kinh doanh đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. |
Đặc biệt, Bộ sẽ đàm phán các nội dung kỹ thuật để sớm ký Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với thanh long, nhãn, vải, chôm chôm, xoài xuất khẩu sang Trung Quốc; đồng thời phối hợp kiểm tra trực tuyến hàng tuần với Tổng cục Hải quan Trung Quốc đối với mặt hàng chuối và sầu riêng.
Cùng với đó, Bộ cũng đàm phán tháo gỡ rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại và mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch vào thị trường lớn và tiềm năng khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Myanmar, Australia, New Zealand… Ngoài ra, các đơn vị chuyên môn làm việc với thanh tra kiểm dịch thực vật Nhật Bản sang kiểm tra các cơ sở xử lý thanh long, xoài, nhãn của Việt Nam nhằm đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm này.
Bộ sẽ phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, Cục Phòng vệ Thương mại để ứng phó với các vụ điều tra phòng vệ thương mại. Khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ số trong quản lý doanh nghiệp, thương mại điện tử, chuẩn bị hàng hóa phục vụ dịp giáng sinh; kịp thời ứng phó với những biến động của thị trường; thực hiện nghiêm quy định về hồ sơ nguồn gốc xuất xứ.
Đối với thị trường trong nước, Bộ chủ động phối hợp với địa phương, hiệp hội ngành hàng theo dõi biến động giá cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong nước, vật tư (thịt lợn, gạo, phân bón, thức ăn chăn nuôi); các mặt hàng đang có biến động về giá (hồ tiêu, cá tra, cà phê, thịt gia cầm) đảm bảo nguồn cung phục vụ nhu cầu trong nước và cân đối cung cầu dịp Tết Nguyên đán Quý Mão.